Các bác sĩ khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết đơn vị này tiếp nhận thai phụ H.T.H. (36 tuổi, trú tại Tuyên Quang) trong tình trạng đau bụng, ra huyết, có dấu hiệu chuyển dạ. Qua siêu âm trước sinh, bác sĩ phát hiện thai nhi đã chết lưu trong bụng mẹ.
Bệnh nhân H. cho biết khi mang thai tuần 28, chị được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Thai phụ hạn chế ăn tinh bột và đường đến tuần thai thứ 34. Tuy nhiên, khi thấy mình không lên cân, lo lắng em bé chậm phát triển, thai phụ bắt đầu ăn uống tẩm bổ.
Khi mẹ và bé tăng cân và không cảm thấy dấu hiệu bất thường, chị H. không làm xét nghiệm đường huyết lại.
Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đối với người mẹ và thai nhi. Ảnh: Guu. |
Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Lan Hương, Trưởng khoa Phụ sản, cho biết sau khi được đình chỉ thai nghén, sức khỏe của bệnh nhân dần ổn định. Các bác sĩ tiếp tục điều trị và theo dõi chị H.
Theo bác sĩ Hương, đái tháo đường thai kỳ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm với người mẹ như tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, sẩy thai, thai lưu, nhiễm khuẩn tiết niệu, đẻ non, đa ối, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường trong tương lai và ở lần mang thai tiếp theo.
Biến chứng của căn bệnh này là gây thai to, chậm phát triển, suy hô hấp cấp chu sinh, tử vong chu sinh, dị tật sơ sinh, tăng nguy cơ hạ đường huyết khi sinh, hạ canxi máu, đa hồng cầu, tăng Bilirubin máu gây vàng da sơ sinh, dễ béo phì và tăng khả năng mắc đái tháo đường trong tương lai.
Bác sĩ Lan Hương khuyến cáo thai phụ cần khám định kỳ tại cơ sở y tế uy tín, thực hiện tầm soát đái tháo đường thai kỳ ở tuần 24-28. Bên cạnh đó, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo để tránh nguy cơ mắc bệnh.