Theo đó, Vua Maha Vajiralongkorn đã phê chuẩn luật mới, được quốc hội thông qua vào tháng 6, có hiệu lực sau 120 ngày - nghĩa là đám cưới đồng tính đầu tiên dự kiến diễn ra vào tháng 1.
Các nhà hoạt động ca ngợi đây là "bước tiến to lớn" khi Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và là nơi thứ 3 ở châu Á cho phép các cặp đôi đồng giới kết hôn, sau Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal.
Luật hôn nhân hiện nay sử dụng các thuật ngữ trung lập về giới thay cho "đàn ông", "phụ nữ", "chồng" và "vợ", đồng thời trao quyền nhận con nuôi và quyền thừa kế cho các cặp đôi đồng giới.
Sự chấp thuận chính thức của nhà vua đánh dấu đỉnh cao sau nhiều năm vận động và những nỗ lực nhằm thông qua luật hôn nhân bình đẳng.
"Luật này là một bước tiến to lớn hướng tới quyền bình đẳng ở Thái Lan", Waaddao Chumaporn, người ủng hộ quyền LGBTQ+, nói với AFP.
Cô có kế hoạch tổ chức đám cưới tập thể cho hơn 1.000 cặp đôi LGBTQ+ tại thủ đô Bangkok vào ngày 22/1, ngày đầu tiên luật có hiệu lực.
Các nhà hoạt động ca ngợi việc Thái Lan công nhận hôn nhân đồng giới là "bước tiến to lớn". Ảnh: New York Post. |
"Tất cả chúng tôi đều vui mừng và phấn khích. Chúng tôi đã đấu tranh cho quyền lợi của mình trong hơn 10 năm và giờ đây cuối cùng điều đó cũng thành hiện thực", Siritata Ninlapruek, nhà hoạt động LGBTQ+, nói với AFP bằng giọng run rẩy.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã đăng lời chúc mừng "vì tình yêu thương của mọi người" trên nền tảng mạng xã hội X (Twitter). "Cảm ơn sự ủng hộ từ mọi thành phần. Đây là cuộc chiến chung của tất cả", bà viết với hashtag "lovewins" (tạm dịch: Tình yêu chiến thắng).
Thái Lan từ lâu đã nổi tiếng về sự cởi mở đối với cộng đồng LGBTQ+, và các cuộc thăm dò ý kiến được truyền thông địa phương đưa tin cho thấy công chúng ủng hộ mạnh mẽ hôn nhân bình đẳng.
Tuy nhiên, đất nước có đa số dân theo đạo Phật vẫn giữ nguyên các giá trị truyền thống và bảo thủ. Cộng đồng LGBTQ+ cho biết họ vẫn phải đối mặt với rào cản và sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày.
Hơn 30 quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân cho mọi công dân kể từ khi Hà Lan trở thành nước đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới vào năm 2001.
Các nhà hoạt động Thái Lan đã đấu tranh cho quyền kết hôn đồng giới trong hơn một thập kỷ.
Những người ủng hộ đã tổ chức một buổi drag show (một hình thức giải trí do các nghệ sĩ drag đóng giả nam hoặc nữ) tại Bangkok vào cuối tuần trước để ăn mừng sự tiến bộ và thể hiện niềm hạnh phúc khi luật có hiệu lực.
Apiwat Apiwatsayree, nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng LGBTQ+ của Thái Lan, cùng bạn đời của anh là Sappanyoo Panatkool nằm trong số những người đã chờ đợi luật được thông qua để họ có thể kết hôn. Cặp đôi đã ở bên nhau 17 năm.
"Chúng tôi đã chờ đợi rất lâu rồi. Ngay khi luật có hiệu lực, chúng tôi sẽ đi đăng ký kết hôn", Apiwat (49 tuổi) cho biết.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.