Chiều 12/9, một cựu thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói không bất ngờ khi bộ sách giáo khoa (SGK) của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi danh sách cho chương trình mới bắt đầu được thực hiện từ năm 2020.
Theo phân tích của ông, hội đồng thẩm định không chê tính khoa học, không chê cách viết mà do nội dung của bộ SGK này vượt quá yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Vấn đề ở chỗ khi hội đồng thẩm định yêu cầu chỉnh sửa thì GS Đại không đồng ý.
SGK Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục đang được giảng dạy hiện hành. Ảnh: Như Ý/Tiền Phong. |
Vị cựu thứ trưởng này cũng cho rằng nếu GS Hồ Ngọc Đại không đồng ý chỉnh sửa theo yêu cầu của hội đồng thẩm định, năm 2020, khi triển khai thay SGK lớp 1 mà bộ sách này không được đưa vào giảng dạy, thì thật đáng tiếc.
“Nói thật là phương pháp tiếp cận vấn đề, nội dung của bộ SGK này hay, đổi mới. Nhưng tôi được biết thời gian qua, nhiều người đã góp ý nhưng GS Hồ Ngọc Đại không sửa. Bộ SGK Công nghệ Giáo dục môn tiếng Việt lớp 1 đã mang lại hiệu quả lớn, nhưng môn Toán thì thật sự nặng đối với học sinh lớp 1”, chuyên gia này nói.
NXB lẽ ra chỉ là đơn vị xuất bản SGK thì giờ kiêm luôn cả vai trò biên soạn SGK. Người viết chương trình, người viết SGK, người thẩm định SGK cũng không có sự phân biệt rạch ròi. Có khi một người làm cả hai vai.
GS Phạm Tất Dong
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hội đồng thẩm định SGK phải độc lập với những người biên soạn SGK. Nhưng theo GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương, mối quan hệ giữa người biên soạn SGK, đơn vị xuất bản SGK, hội đồng thẩm định hiện nay nhằng nhịt như một ma trận.
“NXB lẽ ra chỉ là đơn vị xuất bản SGK thì giờ kiêm luôn cả vai trò biên soạn SGK, không phân biệt rạch ròi. Có khi một người làm cả hai vai. Thậm chí khi Bộ GD&ĐT chưa công bố chương trình SGK đã có đơn vị viết xong SGK, chỉ chờ Bộ “bấm nút”. Điều đó chứng tỏ những người viết sách có thông tin trước”.
GS Dong cũng đặt câu hỏi có hay không câu chuyện tài chính ở đây khi GS Hồ Ngọc Đại từng nêu ý kiến về vấn đề này.
Thành viên trong hội đồng thẩm định, theo GS Dong, phải gồm những chuyên gia đầu ngành trong mỗi môn học, những giáo viên kỳ cựu của môn học đó để hiểu về chuyên môn và có những thông tin về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và phải nằm ngoài Bộ GD&ĐT.
Còn hiện nay, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ này và khó tránh chuyện người trong cuộc lại đi “soát” cho... người trong cuộc. Thậm chí, theo GS Dong, có những người làm chủ tịch hội đồng thẩm định một môn học mà ông biết chỉ là một nhà nghiên cứu về phương pháp, chứ không phải nhà sư phạm, nên sẽ có những hạn chế nhất định khi thẩm định.
Còn vị nguyên thứ trưởng từ chối bình luận về tiêu chí để thành lập một hội đồng thẩm định độc lập, công tâm. Vì theo ông, tiêu chí thế nào đi chăng nữa thì con người vẫn có thể làm hỏng tiêu chí.