Tiếng Việt, Toán lớp 1, lớp 2 là những cuốn tài liệu quan trọng nhất của bộ sách Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, vừa bị Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT loại từ vòng 1.
Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi sách Công nghệ Giáo dục đã được triển khai dạy học trong nhà trường suốt 40 năm qua với khoảng hơn 900.000 học sinh theo học.
PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng cần xem lại việc đánh giá sách giáo khoa khi đánh trượt bộ sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: VOV. |
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Kế Hào, đã thay mặt tập thể cán bộ Trung tâm Công nghệ Giáo dục gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, bày tỏ ý kiến không đồng tình với đánh giá của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa.
- Thưa ông, mới đây, sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh trượt ngay từ vòng đầu. Vấn đề này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, ông có đánh giá như thế nào?
- Việc đánh giá đương nhiên phải đề ra những chuẩn mực, có những người đại diện được chọn vào để đánh giá. Nhưng tôi thấy công tác đánh giá vẫn trong phòng họp trên văn bản, chưa có thực tế. Tôi đề nghị phải hỏi trên 900.000 học sinh, phải dự giờ bởi "trăm nghe không bằng một thấy".
Nhưng nếu đánh giá dựa trên các tiêu chí, mà giữa các tiêu chí đó và thực tế cuộc sống không khớp nhau thì cần xem lại các chuẩn mực đánh giá có chủ quan hay không? Thậm chí, luật đưa ra, nhưng khi áp dụng không hợp lý vẫn phải sửa.
Đây không phải thành tựu của riêng Hồ Ngọc Đại, mà là thành tựu của giáo dục Việt Nam. Năm trước, vấn đề về sách Công nghệ Giáo dục cũng đưa ra dư luận, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã phải lên tiếng rằng: “Tôi học Bác Hồ, Bác Hồ đã dạy cái gì có lợi cho dân phải cố gắng làm bằng được. Mà cái này có lợi cho dân”.
Thời làm bộ trưởng, ông Luận cũng rất thận trọng trước khi cho sử dụng rộng rãi sách Công nghệ Giáo dục. Khi ấy, ông Phạm Vũ Luận một mình đi tàu lên Lào Cai, thuê xe ôm đến các trường học, xem thực tế học sinh học ra sao và về quyết định cho nhân rộng việc dạy Công nghệ Giáo dục. Nhưng không hiểu sao đến giờ, hơn 48 tỉnh, thành sử dụng, trên 900.000 học sinh sử dụng, độ phủ sóng của bộ sách như vậy, mà bộ vẫn đánh giá không đạt.
Bộ sách này cũng đã được nghiệm thu, thẩm định rất nhiều lần, nếu loại ngay từ vòng đầu, thì những hội đồng trước thẩm định trước kia làm việc thế nào?
Khi tôi còn công tác, để nghiệm thu bộ sách, hội đồng phải về tận Hải Phòng, đến các huyện miền núi như Yên Dũng, ngồi gọi từng học sinh lên để xem các em đọc, viết thế nào, nghiệm thu trong hơn 1 tháng, bao gồm cả thực tế và nghiên cứu tài liệu.
- Hội đồng thẩm định cho biết thành phần đánh giá sách giáo khoa có cả giáo viên tiểu học, nhưng họ đều nhận định bộ sách này còn khó, thưa ông?
- Tôi chỉ thắc mắc những giáo viên này có trực tiếp dạy lớp 1 hay không? Việc các giáo viên phải ngồi cùng hội đồng với những người là thầy, lãnh đạo của mình, liệu việc đánh giá có thực sự được công tâm? Tôi chỉ biết rằng cuộc sống đã chứng minh, nhưng kết quả thẩm định lại đi ngược lại với thực tế thì hội đồng đánh giá cần xem xét lại.
Những bộ sách còn lại được đánh giá đạt chuẩn, nhưng lại không có thực tiễn. Vấn đề là anh đề ra những chuẩn tiêu chí đánh giá như thế nào?
Bộ sách Công nghệ Giáo dục đã đi vào cuộc sống mấy chục năm nay, khi nào khó khăn lại đem ra dùng, còn sách mới được đánh giá là tốt, nhưng lại chưa ai nhìn thấy, tất cả mới chỉ trên văn bản, phòng họp. Như vậy, liệu có quá coi thường cuộc sống và người dân?
Bản thân tôi cũng từng đi đến những vùng sâu vùng xa, “3 Tây” gồm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, những nơi khó khăn nhất, nhưng học sinh vẫn có thể học được bộ sách này và rất thích.
Hội đồng thẩm định cho rằng những ngữ liệu về các bài thơ mang tính tuyên ngôn dân tộc như “Nam quốc sơn hà” vào sách lớp 1 là khó. Nhưng đó là cách để tinh thần dân tộc ngấm vào những đứa trẻ khi từ nhỏ.
Tại sao học sinh tiểu học đi học đã phải hát Quốc ca, chắc hẳn các em không thể hiểu hết lời bài hát, nhưng chính những giai điệu hào hùng, đầy tự hào ấy qua năm tháng nuôi dưỡng và hun đúc lên tinh thần dân tộc trong mỗi đứa trẻ. Những thứ đó dần ngấm vào tiềm thức của trẻ giống như lời ru tiếng hát của bà, của mẹ khi còn nhỏ và sẽ theo các em suốt cả cuộc đời.
Mục tiêu giáo dục ở lớp 1 chỉ là đọc thông, viết thạo. Đối với môn Tiếng Việt, cuối năm lớp 1, chuẩn đầu ra các em phải đọc được tối thiểu 30 chữ/phút, chép chính tả 30 chữ/15 phút.
Phụ huynh có con học sách của GS Hồ Ngọc Đại ban đầu mới tiếp xúc có vẻ hoang mang, thấy những trẻ khác đã học chữ, nhưng con nhà mình toàn thấy các khối tròn, vuông, tam giác. Đó là cách phân tích ngữ âm, sau đó đưa chữ vào thay thế.
Nhưng chỉ sau một học kỳ, thấy kết quả của học sinh học Công nghệ Giáo dục khác hẳn, rất ít học sinh đạt mức đọc 30-35 chữ/phút, phần lớn các em đọc với tốc độ 70, thậm chí 100 chữ/phút. Khả năng tập chép cũng nhanh hơn hẳn.
- Bộ sách giáo khoa mới phục vụ cho đợt cải cách giáo dục sắp tới với những tiêu chí mới, tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại cho biết sẽ không sửa bộ sách, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Nếu tôi là GS Hồ Ngọc Đại, tôi cũng không sửa, vì nếu sửa sẽ làm mất đi tinh thần của bộ sách. Sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục có hệ thống lý luận nhất quán, phù hợp đường lối, quan điểm hiện nay. Thứ 2 là có giá trị thực tiễn, thực hiện có hiệu quả.
Những quan điểm, triết lý giáo dục được nêu ra trong đợt cải cách giáo dục sắp tới, thực chất đã được GS Hồ Ngọc Đại nêu ra và đưa vào áp dụng từ lâu. Triết lý lấy học sinh làm trung tâm, giáo dục hướng đến phát triển năng lực cá nhân, không so sánh các học sinh với nhau mà chú trọng vào sự thay đổi, tiến bộ của các em với chính bản thân mình...
Các nhà trường hiện nay đều có khẩu hiệu “đi học là hạnh phúc”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, những khẩu hiệu này đã được GS Hồ Ngọc Đại đưa ra từ cách đây 40 năm ở trường Thực nghiệm, thời điểm mọi người đều nghĩ GS Đại ảo tưởng, nhưng giờ lại thừa nhận.
Ở bậc tiểu học, thầy Đại cũng đã chủ trương bỏ xếp loại điểm số, phương pháp học tập học sinh là trung tâm, thầy là người thiết kế, trò thi công đã được GS Hồ Ngọc Đại áp dụng từ lâu, đến giờ mới thấy ngành giáo dục mới đưa vào.
Hơn nữa, Nghị quyết 29 chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, nhưng hội đồng thẩm định lại yêu cầu phải đủ, không được thừa, không được thiếu. Như vậy, bản chất chỉ là 1 vì tất cả đều phải theo 1 khuôn. Đáng ra chỉ cần quy định chuẩn kiến thức của các bộ sách và chuẩn đầu ra học sinh là đủ.