![]() |
Jonathan Jacob Meijer được cho có hơn 1.000 con trên toàn thế giới. Ảnh: This Morning. |
Ít nhất 85 người hiến tinh trùng ở Hà Lan đã làm cha 25 đứa trẻ trở lên, theo thông báo của Hiệp hội sản phụ khoa quốc gia Hà Lan (NVOG).
Các bác sĩ cho biết một số phòng khám cố tình vi phạm luật, dùng tinh trùng của một người quá nhiều lần, trao đổi tinh trùng mà không có giấy tờ hoặc không hỏi ý kiến người hiến. Điều này dẫn đến một người hiến tinh trùng tại nhiều nơi khác nhau.
“Số người hiến tinh trùng quá mức lẽ ra phải là bằng 0. Chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi đã không làm đúng trách nhiệm”, bác sĩ sản khoa Marieke Schoonenberg nói trên truyền hình Nieuwsuur.
Từ năm 1992, Hà Lan đã có luật giới hạn một người hiến tinh trùng chỉ được làm cha tối đa 25 đứa trẻ, để tránh nguy cơ kết hôn cận huyết. Tuy nhiên, luật này khó áp dụng vì các quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư.
Đến năm 2018, giới hạn giảm xuống còn 12 đứa trẻ. Nhưng phải đến đầu tháng 4 vừa qua, hệ thống quản lý quốc gia với mã số riêng cho từng người hiến tinh trùng mới chính thức hoạt động.
Nhờ đó, lần đầu tiên Hà Lan biết chính xác số trẻ em mà mỗi người hiến tinh trùng đã làm cha.
Theo bà Schoonenberg, từ năm 2004, đã có ít nhất 85 người được coi là “người hiến tinh trùng hàng loạt” (tức làm cha từ 25 đứa trẻ trở lên).
Đa phần có 26 đến 40 đứa con, nhưng một số có tới 50-75 con. Trong đó có ít nhất 10 bác sĩ sản khoa, như bác sĩ Jan Karbaat - người trái phép làm cha ít nhất 81 đứa trẻ ngay tại phòng khám của mình.
![]() |
Hà Lan đang đối mặt với nguy cơ hôn nhân cận huyết. Ảnh: Pexels. |
Người được biết đến là hiến tinh trùng nhiều nhất là Jonathan Jacob Meijer, nhân vật chính trong phim tài liệu “Người đàn ông có 1.000 đứa con” trên Netflix.
Năm 2023, Meijer đã bị một tòa án Hà Lan ra lệnh dừng hiến tinh trùng, sau khi bị phát hiện là cha của tới 600 đứa trẻ ở Hà Lan kể từ năm 2007. Một số bà mẹ của những đứa con của ông - sống ở Australia - tin rằng số con thực tế của Meijer trên toàn cầu là gần 1.100. Hơn nữa, họ không tin rằng Meijer đã dừng lại.
Ông Ties van der Meer, đại diện tổ chức Stichting Donorkind - hỗ trợ trẻ em tìm cha sinh học - gọi sự việc này là “thảm họa y tế”. Ông ước tính có khoảng 3.000 trẻ em ở Hà Lan có ít nhất 25 anh chị em cùng cha khác mẹ.
“Người dân sẽ mất niềm tin vào hệ thống y tế vì để mọi chuyện tồi tệ như vậy xảy ra”, ông van der Meer nói.
Ông cho rằng cả trẻ em lẫn người hiến tinh trùng sẽ phải đối mặt với căng thẳng tâm lý lớn.
Vì Hà Lan là một nước nhỏ và đông đúc, những đứa trẻ này sau này có thể yêu nhầm người có quan hệ huyết thống, nên phải làm xét nghiệm ADN trước khi hẹn hò.
NVOG kêu gọi các bà mẹ, người hiến tinh trùng và trẻ em liên hệ lại với phòng khám của mình để kiểm tra thông tin. Bộ Y tế Hà Lan cho biết sẽ báo cáo vụ việc này với quốc hội trong tuần này.
Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.