Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thu nhập 125 triệu/tháng, gia đình TP.HCM chi 55 triệu cho con đi học

Cùng kiếm hơn 100 triệu đồng/tháng, gia đình chị Thanh Thúy (TP.HCM) chi gần 50% tổng thu nhập cho việc học của con, trong khi vợ chồng chị Bích Ngọc (Đắk Nông) chỉ tốn khoảng 10%.

Nhiều gia đình sẵn sàng đầu tư số tiền lớn cho việc học của con cái. Ảnh minh họa: Pexels.

55 triệu đồng/tháng là số tiền gia đình chị Thanh Thúy (sống tại TP Thủ Đức, TP.HCM) đầu tư cho cô con gái 21 tuổi đang nuôi ước mơ trở thành biên tập viên truyền hình. Trong đó, 43 triệu đồng là học phí tại trường đại học và 12 triệu đồng cho lớp kỹ năng mềm bên ngoài.

Thực tế, khoản chi này chiếm gần 45% tổng thu nhập của vợ chồng chị.

"Quan điểm của vợ chồng tôi rất rõ ràng. Nếu con muốn học, dù có phải đi vay tiền tôi vẫn sẵn sàng. Khi có năng lực và học thức, con có thể vững vàng trong mọi hoàn cảnh", chị Thúy chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Tương tự, nhiều bậc phụ huynh sinh sống ở các thành phố sẵn sàng đầu tư số tiền không nhỏ cho việc học của con cái. Theo báo cáo chi tiêu cho giáo dục của tổ chức Fiin Group công bố tháng 3/2024, 47% chi tiêu hộ gia đình ở các thành phố lớn là dành cho giáo dục. Giai đoạn 2017-2022, chi tiêu cho giáo dục của các hộ gia đình Việt Nam tăng khoảng 7%.

Chi 1/2 thu nhập cho việc học của con

Chị Thanh Thúy đang làm quản lý truyền thông cho một nhãn hàng nước ngoài, còn chồng chị kinh doanh riêng. Tổng thu nhập của hai người rơi vào khoảng 125 triệu đồng/tháng.

Con gái chị Thúy là sinh viên ngành Truyền thông Chuyên nghiệp. Trung bình, trong mỗi học kỳ kéo dài 3 tháng, cô đăng ký 3 môn với học phí khoảng 130 triệu đồng, tương đương 43 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, gia đình chị Thúy còn đầu tư cho con học thêm lớp kỹ năng nói. Mỗi khóa kéo dài 3 tháng, học 2 buổi/tuần, mức chi chia ra là hơn 12 triệu đồng/tháng.

Không hẳn phụ thuộc vào cha mẹ, con gái chị Thúy cũng làm gia sư dạy kèm IELTS. Nhờ đó, các khoản khác như học tiếng Pháp, mua sắm cá nhân, cô có thể tự lo liệu.

Bên cạnh chi phí giáo dục cho con cái chiếm phần lớn, các khoản chi tiêu "cứng" của gia đình chị Thúy hàng tháng là 12 triệu đồng ăn uống, 6 triệu đồng phí sinh hoạt, 15 triệu đồng mua sắm và giải trí.

"Tôi luôn để dư 5-7 triệu/tháng cho các khoản phát sinh khác như đám tiệc, sức khỏe hay phòng hờ. Số tiền còn lại, tôi dành cho việc tiết kiệm và đầu tư", chị chia sẻ.

Với tổng thu nhập không cao - khoảng 32 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Phan Như (sống tại Hà Nội) vẫn mạnh tay chi hơn 15 triệu đồng cho con gái đang học lớp 3.

chi tieu tien hoc TP.HCM anh 1

Gia đình chị Phan Như chi gần một nửa tổng thu nhập cho tiền học của con. Ảnh: NVCC.

Cô bé đang học trường công, học phí khoảng 4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chị Như dành thêm khoảng 10 triệu đồng/tháng cho các lớp học thêm và hoạt động ngoại khóa của bé.

Trong số này, phần lớn được ưu tiên cho lớp tiếng Anh tại trung tâm. Theo chị Như, trau dồi ngôn ngữ là nền tảng quan trọng cần đầu tư từ sớm. Một khóa tiếng Anh hơn 20 triệu đồng cho 72 giờ học, tức một tuần, bé học 3 buổi, kéo dài 2 tiếng/buổi.

Phần còn lại được phân bổ cho các khoản chi khác như sách vở, dụng cụ học tập và phí phát sinh.

Con số 15 triệu đồng ngót nghét gần 50% tổng thu nhập của cả nhà hàng tháng, nên vợ chồng chị Như luôn cân nhắc kỹ lưỡng. Họ không tiêu xài nhiều cho bản thân, hạn chế ăn uống bên ngoài, các khoản mua sắm cũng tiết chế.

"Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện cắt giảm tiền học của con. Với vợ chồng tôi, mỗi đồng chi ra cho việc học đều là một sự đầu tư vào tương lai", chị bộc bạch.

Ngoài khoản chi cho con cái, chi tiêu hàng tháng của gia đình chị Như được phân bổ khá chặt chẽ, gồm 8 triệu đồng đi chợ, 3 triệu đồng phí sinh hoạt và xăng xe, 2 triệu đồng giải trí, 1 triệu đồng y tế, 1 triệu đồng ma chay, cưới hỏi. Phần còn lại, vợ chồng chị để phỏng rủi ro hoặc bù lấp các chi tiêu khi giá tăng.

Khi vợ chồng chị Như mới cưới, bố mẹ cho của hồi môn gồm một miếng đất 48 m2 ở ngoại ô và khoản tiết kiệm 1,5 tỷ đồng trong ngân hàng. Nhờ đó, chị không quá quan tâm chuyện tiết kiệm và đầu tư mỗi tháng.

chi tieu tien hoc TP.HCM anh 2

Biểu đồ chi tiêu hàng tháng của 4 gia đình.

Không tốn kém nhiều

Có tổng thu nhập khá cao - khoảng 110 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Bích Ngọc (sống tại Đắk Nông) chỉ tốn khoảng 9-10% cho việc học của con.

Trong khi con gái lớn đã ra trường và không còn phụ thuộc kinh tế của gia đình, con trai út của chị đang học tại Đại học FPT (TP.HCM) với học phí 25-30 triệu đồng cho một học kỳ kéo dài 3 tháng.

"Tài liệu, sách vở hay các chi phí phát sinh khác tôi không can dự vì muốn con tự lập. Tôi còn kêu con nếu có thể, mỗi tháng trích ra chút tiền từ việc đi làm thêm để phụ cha mẹ đóng học phí", chị nói.

Vợ chồng chị Ngọc chọn cách đầu tư dài hạn bằng cách lập quỹ tiết kiệm cho con. Quỹ này để con chị có thể khởi nghiệp khi đủ vững vàng. Nếu con mong muốn đi du học, hai phụ huynh sẵn sàng đầu tư để con có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tốt.

Ngoài 10% tổng thu nhập được dùng chi trả học phí cho con, chị Ngọc phân bổ chi tiêu rõ ràng: 40% tiết kiệm và đầu tư, 20% cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại, dịch vụ sinh hoạt, 10% kinh doanh, 10% giải trí, 5% sức khỏe, 5% đám tiệc.

chi tieu tien hoc TP.HCM anh 3

Gia đình chị Bích Ngọc chỉ chi 10 triệu đồng/tháng cho học phí của con. Ảnh: NVCC.

Hoàn cảnh chị Ngọc Nga (ngụ tại quận 6, TP.HCM) buộc chị phải vun vén tiền học cho con trai 6 tuổi ở mức 1,5 triệu đồng/tháng. Vợ chồng chị kết hôn khá sớm, đều từ quê Cần Thơ lên thành phố lập nghiệp.

Chị Nga làm ở xưởng may, còn chồng là tài xế xe chở hàng. Tổng thu nhập của cả hai khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, con chị Nga đang học lớp 1, chương trình tương đối nhẹ nhàng. Chị cho con học chính trên lớp, còn ở nhà tự kèm thêm để bé hiểu bài sâu hơn.

Người mẹ cũng mua thêm chiếc máy tính bảng cỡ nhỏ, giá khoảng 2 triệu đồng, để con làm quen với công nghệ và thuận tiện hơn khi nhận tài liệu học tập từ thầy cô.

Ngoài 1,5 triệu đồng tiền học cho con, hàng tháng, vợ chồng chị Nga chi cho các khoản khác ở mức 3 triệu đồng thuê nhà trọ, 6 triệu đồng ăn uống, 3 triệu đồng phí sinh hoạt gồm xăng xe, điện nước.... còn dư khoảng 1,5 triệu đồng sẽ dành cho việc tiết kiệm và phòng rủi ro.

"Cuộc sống vợ chồng tôi còn nhiều khó khăn vì thu nhập êo hẹp. Mỗi khi có chuyện gì phát sinh, tôi phải gọi về dưới quê để mượn tiền", chị Nga tâm sự.

Khi con chị Nga lên lớp lớn hơn, các khoản chi cho việc học sẽ ngày càng nhiều. Vì thế, vợ chồng chị đang dần tính đến việc làm cả cuối tuần hoặc bán buôn thêm để có tiền xoay xở.

Những đứa trẻ tim rỗng

Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.

Vợ chồng TP.HCM kiếm 43 triệu đồng/tháng vẫn đau đầu vì 'áp lực kép'

Dù thu nhập hơn 43 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Hoàng Phương (TP.HCM) vẫn chật vật xoay xở trước chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, từ tiền học, bỉm sữa đến điện nước.

Minh Vũ

Bạn có thể quan tâm