Thâm nhập dịch vụ học thuê: Sinh viên đi học... thạc sĩ
Cậu sinh viên khi được hỏi đã liệt kê ra rất nhiều những lợi ích của việc “học hộ”, như vừa có thêm khoản thu nhập trong thời gian đợi việc, vừa được học miễn phí, nâng cao kiến thức.
Những học viên 6X có "khuôn mặt non choẹt"
Tránh thời gian làm việc, các trường đào tạo tại chức, liên thông, cao học,… thường tổ chức các lớp học vào buổi tối, hoặc những ngày cuối tuần. Những tưởng với thời gian biểu khá hợp lý như vậy, học viên sẽ không khó khăn để tham gia các buổi học. Tuy nhiên, không chỉ thường xuyên nghỉ học, nhiều học viên trong suốt khoá học còn chưa từng tới lớp đến một lần.
Một lớp với nhiều sinh viên đi học hộ cho các "sếp" ở Hà Nội. |
Trong vai một học viên đi học bù vì nghỉ ốm, tôi tham gia một lớp học tại chức vào cuối tuần của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Lấy lý do hỏi bài, tôi dễ dàng bắt chuyện được với một anh bạn trẻ có học lực khá. Tuy nhiên điều lạ là anh chàng ngồi góc lớp và cúi gằm mặt xuống mỗi khi giảng viên tới gần.
“Mình đi học hộ cho ông sếp công ty chuyên về may, nơi mình thực tập. Ông ấy sắp về hưu, chưa có bằng thạc sĩ", cậu học viên trả lời thắc mắc của tôi. "Mình là sinh viên sắp ra trường, ngoại hình khác xa một ông sếp 6X, nếu để cô giáo chú ý rồi hỏi tên thì cô biết là đi học hộ ngay”.
Cậu bạn này liệt kê ra rất nhiều những lợi ích của việc “học hộ”, như vừa có thêm khoản thu nhập trong thời gian đợi việc, vừa được học miễn phí, nâng cao kiến thức. Trong quá trình học có những bài kiểm tra nhỏ, nếu làm tốt, đạt điểm cao còn được “sếp” thưởng thêm.
Tôi thắc mắc ông sếp kia bận tới mức nào mà không đi học được vào chủ nhật thì nhận được câu trả lời: “Bận gì đâu, ông ấy làm nhà nước, cuối tuần được nghỉ. Nhưng ở cái tuổi đó lại làm sếp to, chẳng lẽ cũng đi mài đũng quần trên ghế nhà trường như bọn trẻ. Với lại bao nhiêu năm không đèn sách, giờ bắt đi học chắc cũng chẳng biết gì. Sếp bây giờ ai chẳng thế. Bạn bè mình cũng có mấy đứa đi học hộ như mình. Chuyện này giờ là quá bình thường, nhiều lúc giảng viên bắt được cũng lờ đi hết”.
Quả thực chuyện học hộ như vậy là hết sức bình thường. Tới lớp tại chức này thêm vài ngày, tôi phát hiện ra danh sách có tới 1/3 lớp là những học viên có độ tuổi U40, U50, song lại có khuôn mặt sinh viên “non choẹt” như cậu bạn kia.
Khi bà bầu “ngại” vác bụng đi học
Bà bầu đi học hoàn toàn không phải là câu chuyện đáng ngạc nhiên. Các trường cũng có chính sách bảo lưu dành cho những đối tượng phụ nữ mang thai trong thời gian học tập. Tuy nhiên, quy chế lỏng lẻo, cách quản lý sinh viên, học viên không chặt chẽ cùng tâm lý ngại bảo lưu của các bà bầu nên “dịch vụ” học hộ lại lên ngôi.
Chị T.Hiền, sinh viên lớp liên thông đại học TC07 trường ĐH X. là một trong những “khách hàng” quen thuộc của “dịch vụ” này. Học liên thông được 3 tháng thì chị có thai. Qua bạn bè giới thiệu, chị quen một cô bé sinh viên năm thứ 2 nhận đi học hộ với mức giá 40.000 đồng/buổi/2 giờ. Một tuần học 5 buổi tối, chị trả cho “dịch vụ” này 800.000 đồng/tháng.
Những học viên với khuôn mặt "non choẹt". |
Sau khi sinh, muốn có thêm thời gian cho gia đình, chị “thuê đứt” cô bé kia học hộ toàn bộ khoá học.Vài cô bạn trong lớp gia đình khá giả thấy vậy cũng chẳng tiếc gần 1 triệu đồng/tháng thuê người học hộ để có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi buổi tối.
Chị T.Hiền cho biết :“Hầu hết các giảng viên đều không nhớ mặt sinh viên, chỉ cần điểm danh có mặt, đếm đủ sĩ số là cho qua. Nhưng có môn giảng viên đã biết mặt mình, muốn việc học hộ trót lọt, mình phải “gặp riêng” và làm một vài “thủ tục hành chính” với giảng viên đó”.
Vì thế nên dịch vụ học thuê ngày càng “hot”. Cứ có cầu là sẽ dễ dàng tìm được nguồn cung cấp nhanh chóng.
(Còn nữa)
Thảo Nguyên – Kinh Vân
Theo Infonet