Giới khoa học Mỹ không còn lạ lẫm với cái tên Taylor Wilson, sinh năm 1994. 10 tuổi, cậu được xem là thần đồng khi có thể chế tạo bom hóa học trong phòng thí nghiệm.
11 tuổi, nam sinh được ví như thiên tài Einstein bắt đầu khai thác uranium và mua các loại plutonium qua mạng. 3 năm sau, cậu trở thành người trẻ nhất thế giới tự chế tạo thành công thiết bị phản ứng tổng hợp hạt nhân, theo The Guardian.
Chia sẻ về niềm đam mê "nguy hiểm" của mình, cậu nói: “Tôi không biết tại sao mình bị ám ảnh bởi phóng xạ. Có thể vì sức mạnh trong các nguyên tử mà mắt thường không thể nhìn thấy, một sức mạnh không gì kiềm tỏa được”.
Taylor không thể thành công như hiện tại nếu thiếu sự ủng hộ của cha mẹ. Ảnh: HBO. |
Taylor luôn cho rằng những gì mà cậu đạt được trong hiện tại không chỉ nhờ trí thông minh của bản thân mà còn nhờ công sức của cha mẹ. Câu chuyện của cậu là một ví dụ điển hình dạy người ta về cách ươm mầm tài năng.
Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra rằng nhiều người trong xã hội chúng ta thể hiện tài năng của mình khi còn khá nhỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công.
Mark Zuckerberg, Sergey Brin, Steve Jobs, Bill Gates đều thuộc top 1% những người đạt điểm cao nhất trong bài kiểm tra tiêu chuẩn khi mới 12 tuổi. Họ nhận được sự giúp đỡ và được hỗ trợ để phát triển tài năng.
Kết quả, khi lớn lên, những người này sáng tạo và đạt thành công vang dội. Giai thoại về đứa trẻ vượt qua mọi chông gai và trở thành một siêu sao mà không có sự trợ giúp nào không có nhiều cơ sở khoa học. Trẻ em có năng khiếu cần được hỗ trợ.
Và cha mẹ của Taylor đã đi đúng hướng. Nhiều người tin rằng có nhiều tiền sẽ khiến họ trở thành những ông bố, bà mẹ tốt hơn. Tuy nhiên, lũ trẻ vốn không cần quá nhiều những thứ đó. Cái mà chúng cần chính là thời gian mà họ dành cho chúng.
Cha mẹ luôn là hậu phương vững chắc
Taylor là con trai đầu lòng của Kenneth, chủ một nhà máy đóng chai Coca Cola, và Tiffany Wilson, huấn luyện viên yoga. Ban đầu, gia đình họ sống tại bang Arkansas, nơi chuyên về chăn nuôi gia cầm nhiều hơn là vật lý ứng dụng. Song, sự nghiệp hiện tại của cậu gần như không liên quan nghề nghiệp của cha mẹ cũng như hướng phát triển của vùng đất nơi cậu sinh ra.
Ông Kenneth từng thú nhận: "Vợ chồng tôi đều không biết gì về khoa học".
Những nghiên cứu của cậu được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: TED. |
Từ nhỏ, Taylor đã khác với những đứa trẻ cùng trang lứa. 4 tuổi, cậu chẳng hứng thú với những chiếc xe tải đồ chơi mà chỉ thích mấy cái chóp chắn đường. Cậu thường mặc một chiếc áo phản quang màu cam, đi giày vàng, đội mũ cứng và đứng trước cửa nhà để hướng dẫn giao thông.
Sinh nhật 5 tuổi, cậu không đòi đồ chơi như các bạn mà chỉ ước được điều khiển một chiếc cần cẩu thực sự. Mong muốn này đã được cha mẹ cậu đáp ứng, bất chấp những lời góp ý của bạn bè về chuyện chiều chuộng sẽ làm hư con.
Thực tế, cha mẹ cậu luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi đam mê của Taylor và em trai.
Khi lên 9, Taylor tuyên bố sẽ trở thành phi hành gia. Cậu sưu tầm các cuốn sách về không gian, viết thư cho các nhà phi hành, xin ảnh và chữ ký của họ. Cũng trong thời gian đó, cậu bắt đầu xây dựng và phóng các tên lửa nhỏ.
Khi tên lửa của cậu trở nên tinh vi hơn, cậu bắt đầu chế tạo nhiên liệu cho chúng. Cậu ngắm bảng hệ thống tuần hoàn và đòi cha mua phụ tùng cho cậu. Những lần thử nghiệm trong nhà để xe gây ra những tiếng nổ lớn, thu hút đám đông hiếu kỳ tụ tập.
Vì muốn cháu trai chấm dứt những trò "nguy hiểm", bà của Taylor đã tặng cậu cuốn sách The Radioactive Boy Scout vào sinh nhật lần thứ 10 để thay lời cảnh báo.
Cuốn sách này nói về một thiếu niên ở bang Michigan gọi là David Hahn. Cậu bé đã cố gắng xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ở nhà kho sân sau vào năm 1994. Câu chuyện kết thúc trong bi kịch. Sau những thử nghiệm, cậu bị bắt. Tuy nhiên, Taylor coi câu chuyện này như một lời thách thức.
Không giống cậu bé trong truyện (người làm việc trong bóng tối để trốn lệnh cấm của cha mẹ), Taylor làm việc công khai và có người giám sát. Sau khi bị ám ảnh bởi các nguyên tử, cậu mua máy đếm Geiger và bắt đầu thu thập vật phóng xạ.
“Hãy tưởng tượng cha mẹ sẽ làm gì nếu bạn bắt đầu mang về nhà những vật liệu nguy hiểm khi mới chỉ 10-12 tuổi”, Taylor nói.
Ban đầu, cha mẹ của cậu khá sợ hãi. Cả hai người đều không phải là những nhà khoa học. Do đó, họ cảm thấy đang phải đối mặt những thử thách cực kỳ lớn.
Tuy nhiên, thay vì phản đối, cha mẹ của cậu đã cố gắng hết sức trong việc giúp con phát triển tài năng. Họ tìm những nhà giáo dục và cố vấn tốt nhất. Thậm chí, gia đình còn chuyển đến nhiều nơi để con có thể vào những trường phù hợp.
Gia đình Taylor chuyển đến thành phố Reno, bang Nevada khi cậu 14 tuổi. Để cậu và em trai có được nền giáo dục tốt nhất. Họ gửi con vào Học viện Davidson nằm trong khuôn viên Đại học Nevada.
Taylor chuyển nghiên cứu của mình đến phòng thí nghiệm của trường đại học. Tháng 3/2009, bằng cách sử dụng thiết bị gia cố tĩnh điện quán tính, cậu xây dựng thành công lò phản ứng hạt nhân của riêng mình.
Vài năm sau, cậu nhận được 100.000 USD từ Thiel Fellowship, tài trợ cho những người trẻ có tài trong 2 năm với điều kiện thôi học đại học trong thời gian đó và tập trung các dự án của họ. Hiện tại, cam kết này đã kết thúc nhưng cậu vẫn không có kế hoạch vào đại học. Thay vào đó, cậu sáng chế, đi du lịch, nói chuyện và thăm bạn bè.
Thần đồng vật lý ứng dụng vẫn vụng về trong chuyện tình cảm. Ảnh: National Geographic. |
Không phải lúc nào cũng tuyệt vời
Nationalgeographic cho hay 9 năm sau những thành công đó, cậu bé láu cá với mái tóc vàng bây giờ đã là một thanh niên "lang thang" 23 tuổi không uống rượu hay hút thuốc. Chàng thanh niên này quan tâm về Fukushima, điện hạt nhân và biến đổi khí hậu.
“Cuộc đời tôi là một chuỗi sự kiện mà tôi chẳng thể nhìn trước. Tôi ghét nghỉ ngơi trên chiến thắng. Tôi có quá nhiều ý tưởng trong khi thời gian lại quá ít", cậu nói.
Hiện tại, ngoài nghiên cứu xây dựng lò phản ứng phân hạch hạt nhân nhỏ, khép kín và sử dụng vũ khí hạt nhân đã ngừng hoạt động để cung cấp năng lượng, cậu còn nghiên cứu đồng vị y tế, công cụ quan trọng giúp chẩn đoán ung thư.
Sự đổi mới của Wilson hứa hẹn giảm chi phí đáng kể trong việc chẩn đoán cũng như điều trị căn bệnh này. Sáng kiến nhằm tưởng nhớ người bà đã mất vì bệnh ung thư khi cậu 11 tuổi.
Bên cạnh đó, máy dò phóng xạ để ngăn chặn đánh bom khủng bố cũng được chàng trai này nghiên cứu.
Ngoài việc phát triển sự nghiệp của riêng mình, là an ninh hạt nhân và đồng vị y học, Taylor đã trở thành người truyền thông khoa học. Các nhà vật lý hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hạt nhân đều cho rằng Taylor đã tạo ra điều kỳ diệu cho lĩnh vực này bằng cách thu hút sự chú ý của không chỉ giới hạt nhân mà còn giới khoa học nói chung.
Tuy nhiên, là một đứa trẻ được đánh giá là thiên tài không phải lúc nào cũng tuyệt vời. Taylor đã phải trải qua một số thời điểm khó khăn, đặc biệt vào cuối những năm niên thiếu.
"Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người gọi bạn là Einstein mỗi ngày?", cậu nói.
Chàng thanh niên này cho biết cậu phải cố gắng bình thường khi biết mình là một người đặc biệt. Taylor không giỏi ngoại ngữ và thể thao. Những thất bại khiến cậu trở nên khiêm tốn.
Toàn bộ cuộc đời cậu được ghi vào một quyển sách cho cả thế giới biết. Song, cậu vẫn vụng về trong chuyện tình cảm, gặp khó khăn khi rủ một cô gái đi hẹn hò và vẫn độc thân.
Cha mẹ cậu hiện quay trở lại bang Arkansas để tập trung vào người con thứ 2 và để cậu sống một mình.