Vũ Ngọc Tâm (34 tuổi) tốt nghiệp ÐH Bách khoa Hà Nội năm 2006. Sau đó, anh sang Mỹ du học và nhận bằng tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính, ÐH Rutgers năm 2013.
Tốt nghiệp, Ngọc Tâm sáng lập và là giám đốc phòng thí nghiệm các hệ thống di động và kết nối (Mobile and networked Systems laboratory) tại ÐH Colorado Denver. Hiện GS Tâm làm việc tại trường university of colorado Boulder.
Nhận 10 bằng sáng chế Mỹ
Anh Tâm cho biết khát khao mang đến những sản phẩm thực sự vì con người là lý do khiến anh tập trung sáng chế ở lĩnh vực y tế, nghiên cứu nhằm xây dựng hệ thống thông minh cải thiện, thay đổi cách thức chăm sóc sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
“Mình áp dụng lý thuyết và các kỹ thuật tiên tiến của hệ thống không dây thành ứng dụng cảm biến sinh học (ví dụ các thiết bị thông minh đo nhịp thở, giám sát tín hiệu sóng não, ghi lại chuyển động cơ bắp và giám sát chất lượng giấc ngủ).
Phương pháp này ít gây khó chịu cho người sử dụng với chi phí thấp hơn nhiều lần so với sản phẩm truyền thống đang có trên thị trường”, anh Tâm nói.
GS Vũ Ngọc Tâm. |
Anh Tâm cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu thành công thiết bị đo nhịp thở mang tên WiSpiro và thiết bị đo sóng não LIBS. WiSpiro giành giải tại hội nghị về công nghệ di động thế giới ACM MobiCom - S3 vào tháng 10/2016. Còn thiết bị đo sóng não LIBS, công trình đoạt giải thưởng tại hội thảo khoa học uy tín thế giới về công nghệ cảm ứng - ACM SENSYS vào tháng 11/2016 tại ÐH Stanford, Mỹ.
Anh Tâm cho biết ý tưởng về WiSpiro nảy nở cách đây 4 năm khi anh làm việc trong phòng thí nghiệm nghiên cứu về giấc ngủ ở trường đại học. Tại đây, các bệnh nhân rối loạn giấc ngủ được theo dõi chẩn đoán bằng loại thiết bị cồng kềnh, đòi hỏi sự giám sát của bác sĩ và gắn trực tiếp vào mặt, ngực.
“Vì sao bệnh nhân phải dùng sản phẩm cồng kềnh với chi phí đắt (40.000 - 50.000 USD)? Tại sao lại không nghiên cứu một thiết bị chuyên đo nhịp thở tự động từ xa? Ðây là lý do thôi thúc mình cùng đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu”, anh Tâm chia sẻ.
Thiết bị WiSpiro ra đời có khả năng liên tục theo dõi lượng thở của người với độ phân giải cao bằng cách bắn sóng Wifi vào ngực bệnh nhân, sau đó bật trở lại để đo thể tích hô hấp thở. Sản phẩm WiSpiro gây chú ý trong cộng đồng khoa học và GS Tâm vinh dự nhận 575.000 USD tiền tài trợ từ Chính phủ Mỹ.
GS Ngọc Tâm cũng là người đứng đầu (nghiên cứu chính) 3 dự án được Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ hỗ trợ; 2 dự án được hỗ trợ bởi Quỹ bang Colorado; một dự án đoạt giải thưởng, nhận tài trợ của Google; 2 dự án được hỗ trợ bởi hệ thống ÐH Colorado với tổng số tiền lên tới 1,7 triệu USD.
Nhờ những nghiên cứu xuất sắc, GS Tâm vinh dự nhận giải thưởng danh giá Google Faculty Research Award năm 2014 và được tài trợ 55.000 USD cho công trình nghiên cứu “Chiếc nhẫn bảo mật”; 4 giải thưởng bài báo tốt nhất từ các hội nghị hàng đầu thế giới (bao gồm: SENSYS 2016, MobiCom S3 2016, MobiCom năm 2012 và MobiCom 2011).
Chương trình máy tính dự đoán tiến trình hồi phục bệnh nhân của GS Tâm hợp tác với trường ÐH nhận học bổng Creative Research Fellowship của ÐH Colorado Denver năm 2015.
Với sự ủng hộ từ những người có uy tín trong ngành Y, các sáng chế của anh được cho phép đưa vào thử nghiệm trên bệnh nhân và chứng minh độ chính xác rất cao tại Bệnh viện Nhi Colorado, Hoa Kỳ.
Những kết quả nghiên cứu của GS Tâm được công bố trên tạp chí và hội thảo công nghệ di động nổi tiếng thế giới như ACM MobiCom, ACM MobiSys, ACM SENSYS, ACM CCS, IEEE Infocom, ACM UbiComp, Mobile Computing (TMC) và được giới thiệu trên nhiều kênh truyền thông của Mỹ như CNN TV, The New York Times, The Wall Street Journal...
GS Ann Halbower - Giám đốc Phòng nghiên cứu thí nghiệm giấc ngủ, khoa Nhi, trường Y khoa, ÐH Colorado Denver và Bệnh viện Nhi Colorado - cho biết: "Những năm trước, GS Tâm đến tham quan trung tâm nghiên cứu giấc ngủ của tôi và đưa ra những nhận định rất thẳng thắn về hạn chế của các thiết bị chẩn đoán, điều trị giấc ngủ đang được sử dụng cho trẻ em.
Chỉ trong vài tháng, cùng với các sinh viên và cộng sự của mình, Tâm thiết kế và lắp ráp nên WiSpiro, một công cụ tuyệt vời đo hoạt động hô hấp gọn nhẹ, không dây. Vị giám đốc này cũng cho hay bà nhanh chóng nhận được khoản tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ nhờ WiSpiro”.
Ngoài ra, GS Tâm cũng nghiên cứu học thuật về hệ thống trên điện thoại di động, giữ vị trí chủ tịch, đồng chủ tịch của nhiều hội nghị và hội thảo về công nghệ di động như ACM WearSys, MobiSys…
Hiện GS Tâm có 10 bằng sáng chế ở Mỹ, gần 40 bài báo có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học.
Thiết bị nghiên cứu giấc ngủ của GS Tâm được nhiều bệnh viện hàng đầu của Mỹ áp dụng.
|
Muốn tạo 'cây giáo sư Việt' trên đất Mỹ
GS Tâm hy vọng có thể đưa ngày càng nhiều sinh viên công nghệ Việt Nam sang Mỹ, đào tạo, hỗ trợ để họ đạt được học vị giáo sư trong thời gian ngắn nhất. Một “cây giáo sư Việt” trên đất Mỹ luôn là mục tiêu mà anh hướng tới trong những chuyến công tác qua lại giữa hai nước.
GS Tâm đã tới nhiều trường ÐH ở Việt Nam như Ðại học Bách khoa Hà Nội, Ðại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM... tìm kiếm và trao học bổng cho những sinh viên có thành tích cao và đam mê nghiên cứu.
Anh cũng nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo liên kết giữa trường Ðại học Bách khoa Hà Nội và ngôi trường anh đang công tác theo mô hình “3+2”.
“Khi quyết định thì đừng bao giờ hối hận về lựa chọn của mình. Đừng chọn đường dễ để đi mà hãy chọn con đường dẫn đến điều có ý nghĩa nhất, đó là lời khuyên cho tôi cũng như cho không ít bạn trẻ Việt có đam mê nghiên cứu khoa học”.
GS Vũ Ngọc Tâm
Cụ thể, sau 3 năm học tiếng Anh ở Việt Nam, sinh viên được lựa chọn sẽ học tiếp 2 năm ở Mỹ và được trường của Mỹ cấp bằng.
“Mô hình này rất có lợi cho sinh viên Việt, giúp họ không chỉ tiết kiệm thời gian bởi việc xin học ở một trường ÐH danh tiếng của Mỹ rất khó và phải mất từ 1-2 năm, mà còn tiết kiệm chi phí tương đối nhiều so với việc học toàn bộ chương trình tại Mỹ”, GS Tâm nói.
Hiện anh Tâm đưa được 7 sinh viên có tiềm năng về nghiên cứu và công nghệ sang Mỹ, trong đó có 4 sinh viên trực tiếp làm việc với anh và 3 người còn lại làm việc cùng các giáo sư khác.
Nói về nghiên cứu, GS Tâm cho rằng nhà nghiên cứu phải luôn đặt ra câu hỏi, thay đổi giả thuyết để tìm ý tưởng mới, luôn giữ cho đầu óc mở, không nên chấp nhận bất cứ chuẩn nào và đi tới tận cùng bản chất của vấn đề để tìm ra “chuẩn” của riêng mình. Bởi mọi giới hạn đều có thể đạt tới nếu xác định đúng hướng và cố gắng hết mình.
“Khi quyết định thì đừng bao giờ hối hận về lựa chọn của mình. Ðừng chọn đường dễ để đi mà hãy chọn con đường dẫn đến điều có ý nghĩa nhất, đó là lời khuyên cho tôi cũng như cho không ít bạn trẻ Việt có đam mê nghiên cứu khoa học”, GS Vũ Ngọc Tâm chia sẻ.