Yan Hongsen, được biết đến với biệt danh "cậu bé tên lửa", là một học sinh lớp 5 đến từ tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Yan đã ghi lại hành trình phát triển tên lửa của mình trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) và thu hút 440.000 người theo dõi.
Cha của Yan chia sẻ với tờ SCMP rằng sau khi đến thăm một trung tâm phóng tên lửa và chứng kiến chiếc Long March-2 cất cánh vào năm 4 tuổi, Yan đã yêu thích tên lửa và thiên văn học.
Từ khi học mẫu giáo, cậu bé đã tham gia các khóa học lập trình trực tuyến và tự học vật lý, hóa học qua sách, video và diễn đàn với những người đam mê thiên văn học.
Yan tự chế tạo tên lửa sau khi tự học tập và nghiên cứu. |
Để ủng hộ cho sở thích của con trai trong ngành hàng không vũ trụ, cha mẹ của Yan đã biến phòng khách thành phòng nghiên cứu tên lửa cho con trai.
Bắt đầu từ tháng 8/2022, Yan đã dành 10 tháng để chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn tự chế đầu tiên của mình.
Vào tháng 6 năm ngoái, cậu đã phóng tên lửa đầu tiên của mình, đặt tên là Sen Xing - có nghĩa là "tiến về phía trước", tượng trưng cho mong muốn đạt đến tầm cao hơn trong ngành hàng không vũ trụ.
Tuy nhiên, ngay sau khi tên lửa bay lên, bộ phận đẩy của nó đã không bung dù sau khi tách ra. Các bộ phận còn lại cũng bị hư hỏng, dẫn đến tên lửa bị rơi. Không hề nản lòng, Yan thu thập những mảnh vỡ rải rác mà không hề tỏ ra buồn bã, và bắt đầu phân tích nguyên nhân gây ra sự thất bại.
"Nitrôcellulose không phát nổ như dự kiến, lò xo và pin lithium cũng bị hỏng. Có thể vẫn còn vấn đề ở phần kết nối thân tên lửa", Yan nói.
Cha của cậu bé kể lại lần phóng đầu tiên: "Với tôi, mặc dù tên lửa bị rơi, chuyến bay đầu tiên ấy vẫn là một thành công. Tôi vô cùng phấn khích và hồi hộp, trong khi con trai tôi lại rất bình tĩnh".
Hiện tại, "cậu bé tên lửa" đang cải tiến phiên bản tên lửa thứ hai của mình, hy vọng có thể phóng lại trong tương lai. Trong video mới nhất, Yan đã giới thiệu hơn 600 dòng mã mà cậu viết cho hệ thống điều khiển bay của tên lửa mới nhất.
Cha của Yan chia sẻ rằng con trai có kế hoạch rõ ràng cho tương lai của mình, hy vọng sẽ vào được một trong 7 trường đại học quốc phòng dân sự danh tiếng của Trung Quốc. Ước mơ của Yan là chế tạo một tên lửa thật để đưa Trung Quốc khám phá vũ trụ khi lớn lên.
Chiếc tên lửa do Yan chế tạo bay lên cao nhưng bị rơi do các thiếu sót và cậu bé đang nghiên cứu để điều chỉnh thiết kế. |
Cha của Yan, người làm trong ngành du lịch, đã viết trên mạng xã hội: "Tôi không hiểu về hàng không vũ trụ, nhưng tôi sẽ luôn đồng hành cùng con trai mình".
"Là cha mẹ, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ước mơ của con mình. Nếu con gặp phải những khó khăn về kỹ thuật mà không thể giải quyết được, con luôn liên lạc với tôi và tôi cố gắng hết sức để tìm đến các chuyên gia để được giúp đỡ", người cha nói thêm.
Được biết, thành tích học tập của Yan ở các môn học khác đều đứng đầu lớp.
Đây không phải là lần đầu tiên "cậu bé tên lửa" trở thành tiêu điểm trên báo chí Trung Quốc. Vào tháng 7/2022, khi mới 9 tuổi, cậu đã được công nhận vì chỉ ra những lỗi thực tế trong một bộ phim tài liệu về thiên văn học. Vào thời điểm này, cậu cũng đang dạy các lớp hàng không vũ trụ cho các bạn học tại trường tiểu học của mình.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.