Cuối tháng 6, cô gái 16 tuổi người Trung Quốc khiến người dân Canada kinh ngạc khi xuất hiện trên trang chủ của trang web Đại học Toronto.
Cụ thể, Vivian Xie tốt nghiệp khoa Nghệ thuật và Khoa học của Innis College (thuộc Đại học Toronto) ở tuổi 16. Cô đã phá kỷ lục trong hơn 40 năm qua của trường, trở thành người trẻ nhất tốt nghiệp từ các trường thuộc hệ thống của Đại học Toronto kể từ năm 1979, theo University of Toronto.
"Vivian Xie không đủ tuổi để đi bầu cử hoặc gọi đồ uống có cồn. Cô ấy thậm chí còn chưa đủ tuổi lái xe. Tuy nhiên, Vivian sắp tốt nghiệp Đại học Toronto và chuẩn bị lấy bằng thạc sĩ về miễn dịch học ứng dụng", bài đăng trên trang web Đại học Toronto viết.
Thần đồng Trung Quốc phá kỷ lục của đại học hàng đầu Canada. Ảnh: University of Toronto. |
Thông minh và cứng đầu
Vivian theo cha mẹ đến Prince Edward Island (Canada) định cư từ bé. Khi mới lên lớp 1 tiểu học, kiến thức toán học của cô bé đã ngang với học sinh lớp 5. Tại Canada, học sinh trường công không được phép học nhảy cóc. Điều này khiến Vivian lãng phí vài năm tiểu học.
Sau đó, trước sự thúc giục của con gái, cha mẹ Vivian tìm được một trường tư thục ở thành phố Halifax cho phép học nhảy cóc. Sau khi làm bài kiểm tra năng lực, Vivian được nhảy thẳng từ lớp 4 lên lớp 8.
Sau khi học xong chương trình THCS, Vivian quay lại Prince Edward Island để học THPT. Cô được phép nhảy thẳng lên lớp 11 nếu hoàn thành chương trình lớp 10 trong kỳ nghỉ hè. Nữ sinh đã làm được điều đó.
"Tôi là một người cứng đầu, nếu không được học nhảy cóc, tôi sẽ bỏ học. Quyết định học tập đều nằm ở tôi, cha mẹ không bao giờ tạo áp lực cho tôi", thần đồng 16 tuổi nói.
Sau khi hoàn thành chương trình THPT, Vivian Xia trúng tuyển Đại học Prince Edward Island (UPEI) khi chỉ mới 12 tuổi. Vào năm thứ 2 đại học, cô chuyển đến Innis College (thuộc Đại học Toronto).
Charlie Keil, hiệu trưởng Innis College, cho biết trước đây, trường có một sinh viên người Trung Quốc tên là Maddy Zhang nhập học năm 14 tuổi và tốt nghiệp khi mới 18 tuổi.
Nhà trường cho rằng Maddy là sinh viên trẻ nhất, cho đến khi Vivian 13 tuổi chuyển đến. Vị hiệu trưởng rất bất ngờ trước tài năng và thành tích học tập của nữ sinh người Trung Quốc.
Ông đánh giá Vivian là một nữ sinh độc lập, mạnh mẽ trong suy nghĩ, có khả năng diễn đạt logic. Ban đầu ông còn nghĩ rằng Vivian là sinh viên khoa Nhân văn, sau này ông mới biết cô là sinh viên Khoa học.
Không bị ép buộc
Vivian là "con nhà người ta" trong mắt nhiều người. Tuy nhiên, cô lại được nuôi dạy trong môi trường tự nhiên, không bị cha mẹ gây áp lực học tập hay yêu cầu phải đạt thành tích xuất sắc.
Khi còn sống ở Thượng Hải (Trung Quốc), Vivian được bà nuôi dạy. Bà của nữ sinh là giáo viên tiểu học về hưu, vì thế bà rất chú trọng việc nuôi dạy cháu gái. Vivian thường được bà dạy theo kiểu "vừa học vừa chơi" để kích thích tư duy và sự tò mò về các kiến thức sinh học.
"Phương pháp dạy của bà khiến tôi nhận ra đi học là niềm vui. Vì thế, từ bé tôi đã rất thích học và cảm thấy vui vẻ khi được tiếp thu kiến thức mới. Tôi không quan tâm điểm số và tôi nghĩ rằng điểm số không phải là cách tốt nhất để đánh giá tiềm năng và giá trị của học sinh", Vivian Xie nói với Toronto Star.
Dù lên đại học khi mới 12 tuổi, Vivian vẫn có cuộc sống sinh viên bình thường. Nữ sinh có nhóm bạn thân chung sở thích nghệ thuật, viết lách, chơi đàn piano và chơi game. Vivian khẳng định tuổi tác không ảnh hưởng đời sống sinh viên của cô, ngoại trừ việc cô không thể đi chơi đêm và tham gia tiệc tùng cùng bạn bè.
Mùa thu năm nay, nữ sinh 16 tuổi sẽ tiếp tục học để lấy bằng thạc sĩ về miễn dịch học ứng dụng tại Khoa Y Temerty (trường y thuộc Đại học Toronto). Cô hy vọng có thể lấy bằng tiến sĩ vào năm 22 tuổi.
Vivian Xie cho biết động lực học của cô xuất phát từ những tò mò về thế giới. Cô có nhiều việc muốn làm và tìm hiểu. Ngoài việc học, Vivian muốn tìm hiểu những trải nghiệm về hoạt động kinh doanh.
Trong thời gian trở về Trung Quốc, nữ sinh nảy ra ý tưởng thành lập công ty nhập khẩu các sản phẩm dành cho thú cưng. Trong tương lai, Vivian mong muốn làm việc trong ngành công nghệ sinh học.
"Tôi tò mò cách thế giới kinh doanh vận hành, cách tiếp thị trực tuyến và truyền thông xã hội hoạt động. Về cơ bản, tôi tò mò về cách thế giới này hoạt động", nữ sinh nhấn mạnh.