Thanh Bùi: 'Các bé chê nhạc Việt sến và nặng nề'
"Việt Nam đâu có nhạc nhiều cho con nít. Còn nhạc nước ngoài quá hay và bản chất âm nhạc chỉ là âm nhạc dù tiếng Anh hay tiếng Hàn", nam ca sĩ chia sẻ trước thực tế thí sinh "The Voice Kids" toàn chọn hát tiếng Anh trên sân khấu.
Tôi còn đang là một người thầy
- Từng có cuộc sống gia đình khó khăn tại Úc, hiện tại kinh tế gia đình anh ổn chưa?
- Khi mới qua Úc định cư, gia đình tôi ở theo dạng tị nạn. Ai cũng phải trải qua khó khăn để có ngày hôm nay và sự hy sinh của cha mẹ cho tôi hiểu được rằng "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Tuổi 30, điều tôi luôn ghi nhớ là ba mẹ dạy tôi phải dám làm, chịu khó, khiêm tốn và quan trọng nhất là phải có ước mơ.
Những khó khăn xảy ra với tôi chỉ rất nhỏ so với những thứ ba mẹ đã trải qua ngày xưa. Vì thế, tôi thấy cuộc sống hiện tại khá đơn giản. Ba mẹ tôi cũng về hưu lâu rồi và giờ khá thoải mái.
- Vậy còn căn bệnh ba mẹ anh từng mắc phải thì sao?
- Ba tôi bị bệnh nhiễm trùng tai vì bụi vải, mẹ tôi máu không tốt lắm. Mẹ bị bệnh và mãi không chữa được, phải uống thuốc mỗi ngày để ngừa. Ba mẹ làm 20 năm công việc đó, tuần làm cả 100 tiếng, vá quần jeans này kia. Tôi nhớ ngày đó mình có cắt chỉ phụ ba mẹ, còn vắt sổ nữa. Thời điểm đó cũng khó khăn nhưng không vấn đề gì.
Sắp tới, Thanh Bùi sẽ đưa ba mẹ về Việt Nam sinh sống. |
- Anh có ý định đưa ba mẹ về Việt Nam sinh sống không?
- Ba mẹ tôi sẽ trở về Việt Nam sống trong thời gian tới vì đâu ai muốn xa quê hương. 30 năm sống ở nước ngoài trở về, chắc chắn có nhiều cái ba mẹ chưa quen nhưng nhìn xung quanh mình ai cũng là người Việt, văn hóa giống nhau chắc chắn ba mẹ sẽ quen. Ba mẹ sẽ lo cho gia đình và người em bên đó có vợ xong về đây.
- Anh có gặp áp lực trong việc xây dựng kinh tế tốt tại Việt Nam để ba mẹ đỡ vất vả?
- Không có thử thách và khó khăn, cuộc sống đâu hạnh phúc. Khi đã làm được một điều gì đó và nhìn lại khó khăn trong quá khứ để có thể thở phào và nói: "Wow, tôi đã làm được điều đó". Vì thế, áp lực lớn nhất là tự tôi phải biết học hỏi, biết điều hơn với mọi người, rộng rãi hơn mỗi ngày.
Hiện tại, tôi không còn là ca sĩ, nhạc sĩ mà là người thầy, trước khi dạy một bé nào đó tôi phải nhìn bản thân trước.
- Khao khát lớn nhất của anh ở hiện tại là gì?
- Có hai điều tôi chưa làm được. Thứ nhất là muốn thấy thị trường âm nhạc Việt Nam lớn hơn. Qua The Voice Kids tôi thấy thế hệ tới cực kỳ hay. Không thể so sánh thế hệ 20 tuổi trở lên với những bé 8-9 tuổi bây giờ vì các bé có điều kiện hơn: có Internet, nghe nhiều thể loại nhạc tốt hơn chứ 10 năm trước làm gì có mấy cái đó. Mấy hôm nay tôi dạy mấy bé, khi chờ các bé ngồi ôm đàn hát với nhau, hình ảnh đó rất đáng yêu. Tôi muốn mọi người tôn vinh nhạc Việt hơn, người ta nhắc tới người Nhật, người Hàn bằng lòng tự tôn dân tộc, người Việt cũng thế. Thế hệ trẻ Việt rất giỏi và tôi tự hào vì điều đó. Tôi muốn các bé tiếp xúc âm nhạc nhiều hơn để có thể sáng tạo, tự tin hơn vì con nít Việt Nam so với con nít nước ngoài thiếu tự tin. Một bé học không cần thành ca sĩ hay nhạc sĩ, tự tin đã là thành công.
Ước mơ thứ 2 là tôi khao khát đoạt giải Grammy, đó là cuộc sống của tôi bây giờ và tôi tìm mọi cách để đạt được điều đó. Trong thời gian vừa rồi tôi ký hợp đồng với quản lý của Tata Young và đó cũng sẽ là quản lý của tôi luôn. Năm tới tôi sẽ đi Mỹ để thể hiện khả năng riêng, sẽ học hỏi nhiều hơn từ người giỏi hơn mình.
- Nhiều người nói anh quá tự tin với tham vọng đó?
- Tôi không quan tâm, 1 năm trước tôi làm gì có vị trí hôm nay, 100 năm trước cũng có ai bay được đâu. Phải có người mơ, đam mê theo đuổi mới có hôm nay. Mấy người bạn của tôi thắng giải Grammy rồi nên tôi hiểu mình cần ở bên đó nhiều hơn để thực hiện ước mơ. Nếu tôi không dám mơ, cách nào tôi truyền lại cho các bé. Nhiều bé muốn làm Justin Bieber, nếu tôi nói: "Con không làm được đâu, đừng mơ điều ấy", tôi đã giết chết ước mơ của nó. Có thể nó không làm được nhưng có sao đâu, nếu nó không làm được ít ra nó không hối hận vì đã cố gắng hết sức.
"Khi có đam mê và làm, tiền tự đến". |
- Hẳn cơ hội kiếm tiền lớn anh mới mở trung tâm dạy nhạc lớn thế này?
- Nếu kiếm tiền nhiều cho tôi làm nghề khác đi (cười). Tôi không dám nói không cần tiền, nhưng mẹ nói với tôi: "Có tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền sẽ không có tất cả". Mẹ dạy tôi đừng cho tiền điều khiển mình mà phải có đam mê, khi có đam mê và làm, tiền tự đến. Nhiều lần tôi có vài đồng trong túi nhưng không hiểu vì sao nó cho mình cơ hội có thêm chút xíu gì đó.
Trẻ con Việt Nam còn thiếu tự tin
- Anh không sợ dính phải scandal khi nhận lời làm HLV "The Voice Kids"?
- Scandal hay không từ cách mình đối xử với mọi người. Tôi làm cái gì có đạo đức và làm tốt vai trò của mình, scandal không nằm ngoài tầm kiểm soát. Tôi quan tâm nhất việc mình đối xử với các bé ra sao, bé nào cũng đặc biệt và tôi phải tôn vinh được tiềm năng các bé.
Hôm kia quay vòng Đối đầu, buộc tôi phải cho 10 bé đấu với nhau, sau khi trở về nhà tôi đau lòng kinh khủng, không nghĩ khó như thế. Khi thấy bé chia tay cuộc thi, tình thương tôi tuôn ra hay thấy bé khóc trên sân khấu tôi không thể nào kiềm chế được cảm xúc. Lúc chuẩn bị cho một bài hát, cả bé và tôi đều mở lòng ra để hiểu nhau, vì thế khi cho nó đi về như một đứa con mình bảo vệ rời đi khỏi ổ, khó kinh khủng.
- Anh không sinh ra và lớn lên tại Việt Nam sẽ rất khó để anh hiểu các bé nghĩ gì?
- Con người là con người, ai đánh mình mình sẽ bị đau, ai ngồi xuống cho mình tình cảm mình sẽ có tình cảm. Tôi không sống ở Việt Nam nhưng 100% con người tôi là người Việt. Tôi biết ăn mắm tôm, mắm ruốc, sầu riêng (cười). Có thể nói cách tôi đối xử với con nít Việt Nam khác với người Việt là tôi đối xử với các bé như một người lớn, không phải đứa bé 8 tuổi. Tôi muốn cho bé suy nghĩ và không gian riêng để có thể phát triển, không thể áp đặt.
Tâm lý của con nít là sự tin tưởng, nó phải tin tưởng thầy mới mở lòng. Chúng như tờ giấy trắng, nhạy cảm lắm nên mình phải cho nó có suy nghĩ riêng. Suy nghĩ có thể chưa đúng nhưng nó dám thể hiện là rất hay. Lady Gaga, Katy Perry... không copy ai cả. Thị trường Việt Nam mình đang có xu hướng là muốn hình ảnh và phong cách giống Hàn Quốc, người này người kia. Còn tôi muốn các bé thể hiện đúng chất các bé là được.
Anh đặt mục tiêu lớn sắp tới là phải đoạt giải Grammy. |
- Nhiều khán giả cho rằng "The Voice Kids" sử dụng tiếng Anh quá nhiều và giống như cuộc chơi của con nhà giàu đã qua đào tạo âm nhạc bài bản, anh nghĩ sao về nhận định này?
- Tôi muốn mọi người đánh giá cao các bé vì 99% chưa được học về âm nhạc, chỉ là tiềm năng. Đừng so sánh con nít Việt với nước ngoài vì ở họ dạy con nít khả năng âm nhạc từ khi chúng 2 tuổi. Việt Nam đâu có nhạc nhiều cho con nít. Còn nhạc nước ngoài quá hay và bản chất âm nhạc chỉ là âm nhạc dù tiếng Anh hay tiếng Hàn.
The Voice Kids cho thấy sự thiếu thốn của trẻ em Việt Nam về những ca khúc hay đề tài hay để người lớn thấy được cần có những bài hát hay và đầu tư đúng hơn cho tụi nhỏ. Trong suy nghĩ các bé cái gì cũng là trời nắng, biển xanh, kẹo ngọt… nên đâu có ai sai hay đúng trong âm nhạc đâu, chỉ có cảm xúc.
Hàng ngày có bé 8 hay 9 tuổi vào trung tâm của tôi nói chuyện mà tôi rất buồn. Hỏi bé là có muốn hát nhạc Việt không, bé trả lời: "Dạ không, con ghét nhạc tiếng Việt lắm". Bé còn nói nhạc tiếng Việt bị sến và quá nặng nề, nó không những muốn hát về tình yêu mà những cái khác, có hy vọng nhiều hơn.
Thanh Bùi trên ghế nóng The Voice Kids. |
- Quá nhiều em nhỏ lựa chọn, anh có lo lắng mình không đáp ứng kỳ vọng của các em?
- Không, tôi đặt ra suy nghĩ cho các bé từ ban đầu là không phải lăng xê cho bé thành ca sĩ nổi tiếng, chỉ mới là bắt đầu, truyền tải kinh nghiệm để bé đi từ A đến B, không phải tới Z. Sẽ có bé nhạy cảm và tài năng hơn nhưng quan trọng tôi cho bé suy nghĩ, những gì có thể xây nền móng tốt nhất. Nếu nói tôi sẽ làm bạn thành một ngôi sao quá nguy hiểm vì ngôi sao là số trời.
- Anh đánh giá ra sao môi trường nghệ thuật Việt Nam hiện tại?
- Tôi nghĩ mỗi thứ đang bắt đầu và mình cần làm gì đó để cho thế hệ tới được sống trong thị trường phát triển. Nghệ sĩ đi trước cần hợp tác với nhau để làm gì đó cho các bé sau này vì tôi chỉ còn chừng 10 năm nữa là xong. Chị Hồng Nhung hay Mỹ Linh, Thanh Lam cũng chừng một thời gian nữa.
Ai cũng có cái riêng, có người thích trắng, người thích đen. Tôi muốn thể hệ trẻ tự tin hơn chứ không như tôi ngày xưa bị mặc cảm và khinh rẻ, khi bước tới phòng thu nào người ta cũng hỏi: "Bạn là người nước nào?". Tôi nói mình là người Việt, họ có vẻ e dè. Nếu tôi nói người Hàn thì khác, tôi không muốn những đứa con của mình mang mặc cảm vì là người Việt.
- Vậy ở hiện tại anh hết mặc cảm chưa?
- Tôi tự hào rồi. Tôi không muốn ai khinh rẻ dân tộc mình, nhiều khi những lời kỳ thị đó làm mình nổi máu luôn. Tôi muốn vợ, con mình là người Việt Nam. Nếu tôi muốn làm người Tây, người ta đâu nhìn mình ra gì, họ sẽ nghĩ mình không tôn trọng nguồn gốc có thể làm được gì. Thay đổi để giữ được mình và hòa đồng thế giới mới là điều khó.
Theo Mốt & Cuộc sống