Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành Chí Phèo vì biến chứng tiêm silicon

Bác sĩ Thọ từng gặp nhiều ca biến chứng từ chất làm đầy, silicon do bệnh nhân tự ý tiêm. Ông ví von: "Sau khi mổ lấy chất đó ra khỏi cơ thể, bệnh nhân không khác gì Chí Phèo".

Thành 'Chí Phèo' vì các chất bơm đầy

TS Nguyễn Huy Thọ - Phó Chủ tịch hội Phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, nguyên chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình BV Quân đội TƯ 108 cho biết, ông sợ nhất là các biến chứng phẫu thuật từ các chất bơm làm đầy cơ thể.

Tiêm silicon rộ nhất vào thập niên 90. Các chất này khi vào cơ thể không chịu vón lại một chỗ mà nó “chạy” khắp nơi gây ra nhẹ thì dị ứng tại chỗ, nặng thì biến hóa thành các u cục.

“Khó có thể lấy triệt để các chất silicon ra khỏi vị trí bơm. Có bệnh nhân mổ 3-4 lần để nạo chất đó ra khỏi cơ thể. Mỗi lần mổ là một lần sẹo không khác gì Chí Phèo” - bác sĩ Thọ ví von.

Theo vị này, thời kỳ trước, PTTM có mốt bơm silicon lỏng trực tiếp. Bệnh nhân tìm đến BV 108 để giải quyết biến chứng thường trình bày với các bác sĩ ở đây là họ bơm “mỡ hóa học”. Tuy nhiên, ông Thọ khẳng định đó chính là silicon lỏng được ngụy trang. Các chất này khi vào cơ thể được coi là “dị chất” và rất khó khăn khi xử lý. Nó được cơ thể bao bọc và có thể luồn lách đến các bộ phận khác. Bạch cầu khi gặp silicon lỏng sẽ dần biến mất, nếu vào thận, gan… cũng đều rất ảnh hưởng.

“Ban đầu có thể các chất này sẽ gây dị ứng đỏ, sau gây viêm mũi, dạ dày… Viêm lâu dễ thành u, áp xe, tạo ổ mủ. Khi cơ thể không chịu được sẽ phá ra ngoài thành sẹo…”, PCT hội PTTM Hà Nội cảnh báo.

Ngày nay, các chất làm đầy tốt hơn và có khả năng phân hủy trong cơ thể. Chính vì thế chỉ từ 6 tháng đến 1 năm, bệnh nhân phải bơm lại - khá tốn kém. Và vị này còn cho biết, việc xử lý các biến chứng khác trong PTTM hiện nay đơn giản hơn nếu làm đúng quy trình.

Bác sĩ Thọ cũng đưa ra lời khuyên với các chị em đang có ý định phẫu thuật thẩm mỹ nên chọn nơi có uy tín để thực hiện giấc mơ làm đẹp. Ông cũng như các bác sĩ không bao giờ mong muốn những bệnh nhân đến bệnh viện của mình để "chữa cháy", mặc dù 108 là nơi nổi trội với những phương án giải quyết biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ.

Một nguyên tắc ở bệnh viện 108 là các bác sĩ luôn trao đổi thẳng thắn với bệnh nhân và luôn tư vấn cho họ dùng phương pháp an toàn và đẹp tự nhiên. Chính bởi vậy mặc dù cơ sở vật chất ở bệnh viện 108 không hào nhoáng như các nơi khác nhưng vẫn luôn đông nghịt chị em đến tư vấn và thực hiện các phương pháp làm đẹp tại đây. Theo một khảo sát tại khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình hàm mặt Bệnh viện 108, trong 5 năm từ 2005-2010, có khoảng 600 phụ nữ đã được nâng cấp vòng 1 tại đây (trung bình 120 phụ nữ được nâng ngực/năm), chưa tính các loại phẫu thuật khác như gọt cằm, thẩm mỹ rốn, hút mỡ bụng...


Trước khi phẫu thuật cho bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ BV 108 thường thẳng thắn chia sẻ những biến chứng có thể gặp phải sau khi làm đẹp. Ảnh minh họa

Hiện nay giới trẻ đang rộ lên mốt làm mũi S-line và nâng mũi kiểu Hàn Quốc khiến nhiều TMV đánh vào tâm lý này và dùng để quảng cáo. Tuy nhiên, tại BV 108, khi tư vấn cho bệnh nhân, các bác sĩ không cố thừa nhận trào lưu đó để câu kéo vì thực ra các phương pháp đó dù nói là Hàn Quốc hay Việt Nam đều như nhau.

“Chúng tôi không thể dùng những mỹ từ quảng cáo để chiều lòng bệnh nhân mà sẽ dùng tri thức để giải thích cho họ về phương pháp làm đẹp của Việt Nam, do các bác sĩ Việt Nam thực hiện không hề khác Hàn Quốc như họ lầm tưởng. Chúng tôi sẽ nói cả những biến chứng hoặc hậu quả của việc PTTM mà các thẩm mỹ viện không làm được. Mục đích của việc làm này để bệnh nhân cân nhắc và thông cảm, nếu có biến chứng sẽ bình tĩnh cùng bác sĩ tìm hướng giải quyết. Bởi vậy, đã có người không dám PTTM nữa khi được khuyến cáo về tỷ lệ thất bại gây biến chứng", ông Thọ nói.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm