Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, nhu cầu thực tế ở các cấp năm học 2016-2017 là 53.664. So với biên chế hiện có, mầm non còn thiếu 2.874, tiểu học thiếu 1.797, THCS thừa 763 và THPT thiếu 339.
Nguyên nhân của tình trạng thừa, thiếu giáo viên (GV) nhiều năm qua là do tác động từ việc tăng, giảm dân số cơ học. Số lượng học sinh các cấp mầm non, tiểu học và THCS giảm mạnh so với những năm trước đây, do đó thừa GV, đặc biệt là GV bậc THCS.
Bất cấp thừa, thiếu giáo viên nhiều năm
Trong những năm gần đây, số lượng học sinh mầm non, tiểu học tăng, tuy nhiên biên chế GV hàng năm không được giao bổ sung. Trong khi, hàng năm, GV nghỉ hưu và chuyển công tác không đồng đều giữa các bộ môn bậc THCS và THPT nên dẫn đến thừa, thiếu về cơ cấu bộ môn.
Bên cạnh đó, do việc chấp hành, thực hiện các văn bản quy định của Nhà nước và của UBND tỉnh Thanh Hóa của một số huyện, thị xã, thành phố chưa nghiêm túc; đặc biệt, một số nơi chủ tịch UBND huyện trước khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đã vi phạm trong việc tuyển dụng và hợp đồng GV không đúng quy định, không báo cáo UBND tỉnh cũng gây nên tình trạng thiếu, thừa giáo viên diễn ra nhiều năm…
Thanh Hóa phân trần chuyện tuýt còi của Bộ GD&ĐT. |
Trước tình này, ngày 26/8/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn về việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, GV, NVHC các trường mầm non, tiểu học, THCS; các huyện, thị, thành phố tiến hành sắp xếp, điều chuyển cán bộ quản lý, GV, NVHC trong phạm vi huyện.
Phương án điều chuyển được UBND tỉnh Thanh Hóa công khai như xác định cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính dôi dư. Nguyên tắc điều động là chỉ thực hiện từ trường thừa sang trường thiếu giữa các trường trong phạm vi huyện hoặc giữa các huyện; việc điều động công khai, dân chủ, không sử dụng hình thức bắt thăm.
Hình thức điều động đối với giáo viên dạy chưa đủ số tiết theo quy định thì bố trí dạy liên trường hoặc kiêm nhiệm làm tổng phụ trách đội, hoặc làm nhân viên hành chính; giáo viên tiểu học dôi dư bố trí làm giáo viên hoặc nhân viên hành chính hoặc mầm non còn thiếu biên chế; đối với giáo viên THCS dôi dư điều động làm nhân viên hành chính, hoặc giảng dạy tại các trường THCS, tiểu học, mầm non còn thiếu.
Chính sách ưu tiên đối tượng không thực hiện điều động như: thương binh, tàn tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Thời gian điều động từ 24 tháng đến 36 tháng (tùy từng khu vực).
Đến nay, Thanh Hóa đã thực hiện điều chuyển khoảng gần 1.400 người.
Gấp rút bổ sung kiến thức
Từ tháng 1 đến tháng 3, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa liên tục chỉ đạo Sở GD&ĐT tỉnh này khẩn trương tổ chức bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển xuống dạy mầm non, tiểu học năm học 2016-2017.
Hình thức đào tạo tập trung trong thời gian 6 tuần tại Trường Đại học Hồng Đức (ĐH Hồng Đức). Tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng là hơn 3 tỷ đồng, nguồn kinh phí này được trích từ nguồn sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2016, 2017.
Ngày 14/2, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, trong thời gian chờ Bộ GD&ĐT ban hành chương trình đào tạo giáo dục mầm non, tiểu học cho GV THCS; để đáp ứng kịp thời nhu cầu GV dạy mầm non, tiểu học, đồng thời giải quyết GV THCS dôi dư của tỉnh năm học 2016-2017, yêu cầu Sở GD&ĐT, ĐH Hồng Đức khẩn trương phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng GV THCS được điều chuyển theo kế hoạch.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương dừng triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở điều chuyển về dạy mầm non để giao cho Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Tuy nhiên, bất chấp việc tuýt còi của Bộ GD&ĐT, đến ngày 9/3, tỉnh Thanh Hóa vẫn khai giảng lớp bồi dưỡng ngắn hạn (trong 6 tuần) đối với các giáo viên trung học cơ sở điều chuyển về dạy mầm non và tiểu học.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa lý giải: Thứ nhất chương trình biên soạn của Bộ GD&ĐT là chương trình đào tạo văn bằng 2, hay nói cách khác là đào tạo để chuyển hẳn sang cấp học mầm non.
Thứ hai là về phía Thanh Hóa quan điểm đó là khâu bồi dưỡng để trang bị, cập nhật một số kiến thức và phương pháp cơ bản nhất để nhằm đáp ứng kịp thời bậc học GV chuyển đổi. Bởi vì, chuyển sang mầm non ở Thanh Hóa là giải pháp tình thế, không phải là áp đặt, bắt buộc ở bậc học mầm non chuyển hẳn lâu dài.
Trừ trường hợp sau này GV tự nguyện ở lại, bởi vì thiếu thừa chỉ mang tính chất giai đoạn, chứ không phải thiếu mãi và thừa mãi được. Công văn của UBND tỉnh cũng mới chỉ là điều động, bố trí, sắp xếp luân chuyển để thực hiện nghĩa vụ.
Có đặt ra hai mức nghĩa vụ, tối thiểu là 2 năm và tối đa không quá 3 năm. Nghĩa là sau 2 năm hoặc 3 năm, GV lại trở lại bậc học cũ, trở lại THCS hoặc tiểu học. Còn văn bằng hai khi GV có trong tay thì chuyển cấp học một cách đầy đủ cơ sở pháp lý.