Thành lập nhiều trường tư làm loãng chất lượng giáo dục?
Việc cho thành lập trường tư ồ ạt ở nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam với mục đích thu lợi nhuận đang làm ảnh hưởng đến công bằng và chất lượng trong giáo dục.
Tại hội thảo “Vai trò điều tiết của nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng và công bằng giáo dục”, diễn ra từ 19-21/12, các chuyên gia đã chỉ ra chất lượng giáo dục thế giới bị đe dọa nghiêm trọng.
Hội thảo chỉ ra rằng tại các nước phát triển cũng như đang phát triển, nhiều tác nhân tham gia hoạt động giáo dục đã đặt nền giáo dục trước thách thức phải đảm bảo chất lượng.
Cụ thể, ở một số nước nghèo, chính quyền địa phương, tổ chức phi chính phủ, tôn giáo, doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục thông qua việc xây dựng trường lớp, đào tạo và trả lương cho giáo viên. Số lượng tư nhân, quốc tế hoặc địa phương tham gia vào hoạt động giáo dục ngày càng lớn.
Trong đó, nhiều nhân vật địa phương như giáo viên và quan chức giáo dục đã thành lập trường tư với mục đích thu lợi nhuận, nhằm vào những gia đình khá giả, với những quảng cáo ca tụng chất lượng hoặc nhằm vào các đối tượng nghèo khó với những quảng cáo mị dân, che đậy vụng về tính chất kiếm lời hay chính sách doanh nghiệp của họ. Có thể thấy thị trường giáo dục đang dần hình thành.
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. |
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đang bị đe dọa do cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Trong hội thảo đã đưa ra được ví dụ cụ thể về thực trạng này: quá nhiều lớp học chỉ hạn chế trong bốn bức tường, mái lợp rơm không thể chống chọi với mùa mưa (khoảng 50% ở một số nước), nhiều phòng học có sàn bằng đất nện và không có nhà vệ sinh.
Ngoài ra, nguyên nhân làm giảm chất lượng giáo dục còn do đội ngũ giáo viên ít được đào tạo, thậm chí không qua đào tạo khiến chất lượng giáo dục bị đe dọa trực tiếp. Hội thảo chỉ ra thực trạng ở hầu hết các nước trên thế giới, giáo viên không có khả năng điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp với học sinh và điều kiện giáo dục, dẫn tới học sinh có kết quả kém, tình trạng vô kỷ luật, thậm chí bạo lực học đường là những nguyên nhân làm giảm chất lượng giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: "Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cụ thể là việc tăng quy mô, mở rộng mạng lưới, đổi mới công tác quản lý, nâng cao trình độ giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường, tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục, chất lượng giáo dục được cải thiện… Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được yêu cầu của đất nước, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam".
Thứ trưởng Bộ GD-DDT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo. |
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, công bằng xã hội cũng đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã thu được những kết quả có ý nghĩa. Nhiều chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ con em người dân tộc thiểu số; con em các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hỗ trợ trẻ em gái và các đối tượng thiệt thòi trong xã hội. Tuy vậy, mặc dù Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong việc giáo dục cho mọi người nhưng để có được một nền giáo dục có chất lượng và chất lượng cao cho tất cả mọi người thì chúng ta còn cả một chặng đường dài.
Giáo dục là một “lợi ích công”, là quyền lợi của mọi người và là nghĩa vụ đối với Nhà nước, do vậy hệ thống giáo dục sẽ là công bằng nếu những lợi ích của giáo dục được phân phối một cách công bằng cho các loại đối tượng xã hội, không phân biệt giới tính, trình độ xã hội, văn hóa, kinh tế, tôn giáo, sắc tộc, nơi sống.
Vì vậy, nhà nước phải điều phối dự án của những cá nhân muốn tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo ở mọi cấp độ của hệ thống, phải sử dụng quyền chính đáng của mình và đảm đương trách nhiệm là người điều tiết nhằm đảm bảo chất lượng cho tất cả mọi người.
Hiện nay, đối với cấp đào tạo cao đẳng, đại học Việt Nam có khoảng hơn 80 trường ngoài công lập, trong đó chỉ có một số ít các trường đăng ký kiểm định chất lượng và đã qua kiểm định. Với trách nhiệm quản lý và điều tiết giáo dục Bộ GD – ĐT cần có những chính sách quyết liệt để đảm bảo chất lượng trong hệ thống các trường ngoài công lập.
Trong khi đó, cũng vào sáng 19/12, Hội nghị các trường ngoài công lập đã diễn ra với nhiều đề xuất táo bạo như bỏ điểm sàn, bỏ thi ba chung bởi hình thức tuyển sinh này gây khó khăn lớn cho các ĐH dân lập.
An Hoàng
Theo Infonet