Đây là tòa án chuyên trách đầu tiên về trẻ em trong hệ thống TAND ở Việt Nam. Ông Trần Thanh Minh được bổ nhiệm làm Chánh tòa và các Phó chánh án gồm Phạm Thị Duyên, Đỗ Giang và Phạm Hồng Loan.
"Việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên là dấu ấn quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan", ông Trương Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao phát biểu.
Ông Trương Hòa Bình trao quyết định thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên cho TAND TP HCM. Ảnh: Khắc Thành. |
Bà Ung Thị Xuân Hương - Chánh án TAND TP HCM cho biết, việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên nhằm bảo vệ triệt để quyền lợi quyền trẻ em và quyền phụ nữ. Hiện tại, do điều kiện cơ sở vật chất nên Tòa gia đình và người chưa thành niên có trụ sở tại 26 Lý Thánh Tôn (quận 1) chứ không nằm chung trong trụ sở của TAND TP như nhiều tòa án chuyên trách khác.
Theo bà Hương, hiện tại án ly hôn, gia đình chiếm khoảng 40% lượng án hàng năm của TAND TP HCM, trong số đó nhiều cặp vợ chồng ly hôn có con dưới 18 tuổi. Hiện tại, 12 thẩm phán đã được TAND TP HCM điều động từ các tòa chuyên trách khác phụ trách xét xử tại Tòa gia đình và người chưa thành niên, sắp tới sẽ nâng số thẩm phán lên 18 người.
Do tòa này đặc thù chuyên giải quyết những vấn đề liên quan đến gia đình, phụ nữ về trẻ em nên các thẩm phán được chọn là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác xét xử và tính cách mềm mỏng để có thể nói chuyện với các đương sự về các vấn đề. Ngoài ra, còn có đội ngũ chuyên gia tâm lý để hỗ trợ tốt nhất cho đương sự, trẻ em và thẩm phán khi giải quyết các vụ án.
Tòa gia đình và người chưa thành niên được bố trí 3 phòng xét xử cùng nhiều phòng chuyên trách với mô hình thân thiện. Phòng xét xử được bố trí theo hình vuông, phía trên là HĐXX, 2 bên là VKSND và luật sư, ở giữa không có vành móng ngựa như những tòa khác mà thay vào đó là một bàn vuông cho đương sự hoặc bị cáo chưa thành niên.
"Mô hình này khác biệt so với những phòng xét xử hình sự thông thường, tạo cảm giác thân thiện, giống như một cuộc nói chuyện chứ không phải xét xử", bà Hương nói.
Phòng trẻ em bên trong tòa án. Ảnh: Khắc Thành. |
Ngoài phòng xét xử, Tòa gia đình và người chưa thành niên còn có các phòng chức năng như phòng hòa giải, phòng trẻ em, phòng y tế và phòng cho người giám hộ. Khi trẻ em gặp vấn đề đến tòa sẽ được bố trí vào phòng trẻ em, dưới sự quan sát của cha mẹ, người giám hộ, luật sư và các chuyên gia tâm lý.
Ông Youssouf Abdel-Jelil, Đại diện UNICEF Việt Nam đánh giá cao việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên tại TP HCM. "Sự ra đời của tòa án này là cột mốc quan trọng trong việc bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam, và tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới, với tư cách là quốc gia đầu tiên ở châu Á, và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em", ông Abdel-Jelil phát biểu.
Đại diện UNICEF tại Việt Nam mong muốn Tòa án gia đình và người chưa thành niên sẽ là thành tố trung tâm của hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia, tòa án này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các lĩnh vực xã hội, đặc biệt là phúc lợi xã hội, an ninh, tư pháp, giáo dục, y tế, để hỗ trợ việc phòng ngừa và ứng phó với các nguy cơ liên quan đến bảo vệ trẻ em.