Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh niên 19 tuổi mắc bệnh giang mai ác tính hiếm gặp

Suốt thời gian dài, nam thanh niên sống trong lo âu với triệu chứng vết loét chảy dịch mủ ở miệng, cằm kèm sưng các khớp.

Xoắn khuẩn giang mai là tác nhân gây ra bệnh giang mai. Ảnh: biologydictionary.

Trường hợp hiếm gặp này được bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, báo cáo tại Hội nghị khoa học thường niên của Liên chi hội Da liễu TP.HCM lần thứ 19, tổ chức chiều 21/5.

Giang mai là bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục khá phổ biến hiện nay và đã có phác đồ điều trị hiệu quả. Người nhiễm xoắn khuẩn giang mai có thể có hoặc không có triệu chứng trên da và toàn thân. Tuy nhiên, giang mai ác tính là thể nghiêm trọng hiếm gặp của giang mai thứ phát.

Trường hợp đầu tiên được bác sĩ Thơ báo cáo là bệnh nhân H.T.T., nam, 19 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp. Trước đó, bệnh nhân phát hiện cơ thể có nhiều vết loét chảy dịch mủ trắng, đục ở miệng, cằm kèm sưng các khớp.

Bệnh nhân khám bệnh viện tỉnh, điều trị kháng sinh, kháng viêm và giảm đau không đỡ. Khi vết loét cũ đóng mài đen, xuất hiện nhiều loét mới, nam thanh niên lo lắng và đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tiền sử mắc HIV từ 5 năm trước và đang điều trị thuốc ARV. Bệnh nhân từng quan hệ đồng giới, có 2 bạn tình trong vòng 6 tháng.

"Chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân nhiễm giang mai trên nền HIV sẵn có nên hướng dẫn bệnh nhân làm xét nghiệm sàng lọc tất cả bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Kết quả cho thấy bệnh nhân nhiễm giang mai ác tính. Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng Penicillin G theo phác đồ", bác sĩ Thanh Thơ cho biết.

Một trường hợp khác là N.H.T. (nam, 27 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM), tiền sử nhiễm HIV và có quan hệ tình dục đồng giới, đến khám với tình trạng loét da cạnh hậu môn kéo dài một tháng.

Ngoài ra, vùng da toàn thân của bệnh nhân nổi nhiều vết loét sâu, rỉ dịch có mùi hôi ở trước tai, bụng... nhưng không đau, sốt nhẹ.

"Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy bệnh nhân mắc giang mai ác tính. Sau 6 tháng điều trị theo phác đồ bệnh viện, các sang thương da của bệnh nhân lành lại gần như hoàn toàn", bác sĩ Thơ chia sẻ.

Theo bác sĩ Thanh Thơ, giang mai ác tính có thời gian ủ bệnh ngắn, khởi đầu với triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp… Biểu hiện da tiến triển từ các nốt, mụn mủ thành nốt loét, mảng loét chảy dịch, trên bề mặt tạo thành lớp mài dày như vỏ sò, màu nâu hoặc đen.

Việc chẩn đoán dựa vào thăm khám bệnh nhân phối hợp cùng xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể diễn tiến toàn thân, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, thần kinh trung ương, thị lực, thính lực, cơ xương khớp, tiêu hóa, thận niệu... May mắn là bệnh có thể được điều trị mang lại hiệu quả với kháng sinh Penicillin G.

Theo bác sĩ Thơ, giang mai ác tính hiếm gặp do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra, lần đầu được phát hiện năm 1859. Bệnh có thể gây biến chứng trên các hệ cơ quan và đe dọa tính mạng.

"Bệnh lý này nên được nghĩ tới khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm HIV, tiền sử quan hệ tình dục đồng giới, có tổn thương loét hoặc hoại tử, có thể đi kèm các triệu chứng toàn thân. Tiên lượng bệnh tốt khi được điều trị sớm, đúng và đủ liều kháng sinh theo phác đồ bệnh viện", bác sĩ Thơ nhận định.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Thoát vị đĩa đệm ở tuổi 21

Thoát vị đĩa đệm do tập gym sai cách về lâu dài có thể chèn ép dây thần kinh, gây đau, tê liệt các cơ. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị yếu, liệt các cơ quan vùng chậu.

Bích Huệ - Huy hoàng

Bạn có thể quan tâm