PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho hay không phải người nhiễm HIV đều có thể lây virus cho người khác. Hiện bệnh nhân HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) hoàn toàn có cuộc sống bình thường.
Không lây kể cả khi không dùng bao cao su
Theo PGS Hương, một người có HIV uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ không có nguy cơ làm lây truyền HIV qua đường tình dục sang cho bạn tình không có HIV. Tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện được quy ước là dưới 200 bản sao/1 ml máu.
Ít nhất đã có 4 nghiên cứu khác nhau trên hàng chục nghìn người không có HIV, với tổng số 128.000 lần quan hệ tình dục với người có HIV đang điều trị ARV có tải lượng virus dưới 200 bản sao/1 ml máu (không phát hiện). Kết quả cho thấy không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV (không lây truyền).
Những người không có HIV trong các nghiên cứu trên gồm những người có quan hệ tình dục đồng giới, khác giới và không sử dụng bao cao su hay thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện được quy ước là dưới 200 bản sao/1 ml máu. Ảnh: Goodhousekeeping. |
Các bằng chứng khoa học này đã được công bố ở các Hội nghị toàn cầu về Phòng, chống về HIV/AIDS năm 2017 tại Pháp và năm 2018 tại Hà Lan.
Đến nay, hơn 1.000 tổ chức quốc tế tuyên bố đồng thuận, xác nhận với phát hiện này bao gồm các tổ chức uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Tổ chức Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS); Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (U.S CDC)...
Tỷ lệ ức chế HIV của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới
"Hiện nay, tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế (<1.000 copy/ml máu) đạt 96%, dưới ngưỡng phát hiện (<200 copy/ml máu) đạt 94%. Việt Nam được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ thông báo là nước đạt tỷ lệ rất cao trên thế giới, cao nhất trong các nước mà PEPFAR đang hỗ trợ”, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ.
Hiện Việt Nam là một những thành viên tích cực của chiến dịch Không phát hiện = Không lây truyền (K=K) trong việc chấm dứt đại dịch AIDS. Đây là chiến dịch do cộng đồng lãnh đạo và phát triển mạnh mẽ gồm những người ủng hộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS, những nhà hoạt động, nhà nghiên cứu và hơn 1.050 đối tác cộng đồng từ 105 quốc gia.
Từ năm 2019 Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phát động chiến dịch quốc gia về K=K, đồng thời có văn bản hướng triển khai cho tất cả 63 tỉnh, thành phố. Đây đươc xem là giải pháp để thực hiện mục tiêu “Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”.
PGS Hương khuyến nghị người dân nên chủ động đi xét nghiệm HIV sớm hoặc định kỳ để nếu có HIV sẽ được điều trị ARV sớm giúp đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện.
"Không kỳ thị với những người có HIV vì dù họ HIV nhưng nếu được điều trị ARV và đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, họ vẫn sống khỏe mạnh và không làm lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục", PGS Hương phân tích.
Người có HIV cần tiếp cận điều trị ARV và tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Đồng thời, người nhiễm cần xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ để biết mình có ở mức “dưới ngưỡng phát hiện” hay không.
Người dân cần tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị ARV liên tục, lâu dài và miễn phí.
Tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên, Việt Nam trải qua 30 năm ứng phó với căn bệnh này. Với người nhiễm HIV, nếu được điều trị sớm (chỉ số CD4 trên 350 tế bào/uL), bệnh nhân ở tuổi 20 có thể sống thêm 50-60 năm. Tuổi thọ của người nhiễm gần như người bình thường khi được điều trị sớm, tuân thủ theo phác đồ.
Mục tiêu của nước ta là chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Cụ thể, số ca nhiễm mới được phát hiện dưới 1.000/năm và tỷ lệ tử vong liên quan bệnh này dưới 1/100.000 dân, HIV/AIDS không còn là mối lo ngại về sức khỏe của cộng đồng.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.