Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh tra giao thông nhận hối lộ: Bị cáo khai dùng tiền để chạy chức

Theo HĐXX, việc các thanh tra giao thông vi phạm có một phần lỗi từ các doanh nghiệp và cá nhân. Nếu họ chấp hành tốt quy định pháp luật, cơ quan chức năng không thể gây khó dễ.

Ngày 22/6, phiên tòa xét xử 7 cán bộ nguyên là cán bộ Thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, cùng hai bị cáo khác về tội Nhận hối lộ tiếp tục diễn ra. 

Nhận hối lộ để "chạy chức"

Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Trần Lưu, Đội trưởng Đội 6 thừa nhận, quá trình làm nhiệm vụ kiểm tra phương tiện đã nhiều lần gây áp lực cho doanh nghiệp (DN) để họ chi tiền. Bị cáo Hồ Công Thiện, Đội phó Đội 7 cũng thẳn thắn khai trong quá trình công tác đã 4 lần nhận tiền của DN và nhiều lần nhờ họ "hỗ trợ" trong việc tiếp khách.

Cũng như 2 bị cáo trên, bị cáo Trần Lập Pháp, cán bộ thanh tra Đội 4 khai đã nhận tiền của 10 DN, cá nhân với số tiền hơn 47 triệu. Dương Minh Tâm, nguyên Phó chánh TTGT khai đã nhận tiền của 13 DN, cá nhân với số tiền hơn 400 triệu. Vị này cho cấp dưới là Lý Hoàng Minh nhận tiền của 4 DN.

Thanh tra giao thong nhan hoi lo anh 1
Bị cáo Dương Minh Tâm, nguyên Phó chánh Thanh tra khai số tiền nhận hối lộ đã dùng một phần để chạy chức. Ảnh: Minh Anh. 

Tâm thừa nhận đã dùng 370 triệu chi cho nguyên Chánh Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ để được nâng đỡ lên chức Phó chánh Thanh tra.

Số tiền nhận từ các các nhân và DN lên đến hơn 500 triệu đồng, bị cáo Võ Hoàng Anh, Đội trưởng Đội 3 khai: "Bị cáo sử dụng số tiền này để chi cho sinh hoạt, ăn uống của anh em trong đội và chi cho cấp trên". Người này cũng khai chi 350 triệu đồng cho nguyên Chánh Thanh tra Sở GTVT Cần Thơ để được lên chức.

Bị cáo khai mang số tiền đến tận nhà cho cấp trên nhưng tại tòa đã không chứng minh được lời nói của mình.

Theo ghi nhận của Zing.vn, trong khi nhiều bị cáo thừa nhận có nhận tiền từ các DN và cá nhân thì báo cáo Đoàn Vũ Duy đã chối tội dù 2 bị cáo là Nguyễn Văn Cần và Trần Trường An thừa nhận đã giúp sức cho anh ta.

Trước tình huống trên, HĐXX đã công khai bút lục lời khai của Duy tại cơ quan điều tra hôm 21/7/2016. Theo đó, Duy khai: "Mỗi DN nhận từ 1 đến 5 triệu đồng/tháng. Tôi nhận tiền từ 2014 đến nay và sử dụng 20 sim điện thoại”.

"Việc này đã xảy ra từ lâu"

Theo lời khai của Võ Hoàng Anh tại tòa, năm 2013, bị cáo được điều động về công tác tại địa bàn Cái Răng. Thời điểm này, Hoàng Anh có nghe việc lãnh đạo TTGT nơi đây nhận tiền bảo kê DN.

Từ lời khai trên, HĐXX đã làm rõ tính chất bảo kê có hệ thống giữa các đội TTGT với nhau. Theo đó, khi đội 1 đã nhận tiền của DN và cá nhân thì đội 3 không nhận nữa.

Bị cáo Tâm thừa nhận, các TTGT chỉ làm khó xe tải, DN kinh doanh vận tải, đặc biệt là chủ các cơ sở vật liệu xây dựng. Bởi, những phương tiện này thường xuyên chở quá tải và gây mất an toàn. 

"Việc bảo kê DN thì đội nào cũng có xảy ra tiêu cực. Việc này đã xảy ra từ lâu. Khi bị cáo làm đội trưởng và lên chức Phó chánh thanh tra thì chuyện này đã vậy", nguyên Phó chánh Thanh tra thừa nhận.

Thanh tra giao thong nhan hoi lo anh 2
Bị cáo Đoàn Vũ Duy tại phiên toà. Ảnh: Minh Anh. 

TTGT vi phạm có một phần lỗi của DN

Theo HĐXX, phạm vi vụ án này chỉ xét xử tội danh Nhận hối lội, chưa xử đến tội Đưa hối lộ. Việc đưa hối lộ không chỉ là những DN, chủ xe mà ngay chính các bị cáo tại phiên tòa. Các vi phạm phần lớn diễn ra trong 2013 đến 2014, còn "cao trào" ở các đội TTGT diễn ra từ 2014 - 2016.

HĐXX cũng phân tích, các bị cáo sai phạm đều ở độ tuổi 30 đến 40. Đây là độ tuổi cống hiến, tạo lập sự nghiệp và lo cho gia đình. "Số tiền lấy từ DN, cá nhân có xứng đáng để đánh đổi gia đình, sự nghiệp hay không”, HĐXX đặt câu hỏi.

Trước câu hỏi của HĐXX, các bị cáo đều cúi mặt và im lặng.

Theo HĐXX, việc các TTGT vi phạm có một phần lỗi của các DN, cá nhân. Nếu các DN, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải đều chấp hành đúng các quy định pháp luật, phương tiện đảm bảo an toàn thì làm sao các TTGT có thể gây khó dễ. “DN đã sai về phương tiện hoạt động rồi dẫn đến cái sai nữa là đưa hối lộ và làm hư hỏng cán bộ...”, một cán bộ trong HĐXX nói.

Chiều 22/6, cho rằng trong quá trình thẩm tra tại tòa thấy số liệu quy kết sẽ làm bất lợi cho các bị cáo nên cơ quan công tố đề nghị cho rút hồ sơ để làm lại cáo trạng. Sau khi thống nhất, HĐXX đã đồng ý và thông báo tạm hoãn phiên xử. 

Trước đó, phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày (21- 23/6).

Cuối tháng 7/2016, cảnh sát bắt quả tang Lý Hoàng Minh nhận hối lộ của doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ. Sau Minh, các cán bộ Võ Hoàng Anh, Đoàn Vũ Duy, Dương Minh Tâm, Trần Lập Pháp, Hồ Công Thiện và hai "cò" là Trần Tường An và Nguyễn Văn Cần lần lượt sa lưới pháp luật.

Theo cáo trạng, từ năm 2013 đến 2016, 7 TTGT nói trên đã cấu kết với Cần, An thoả thuận với 1 số DN, nhà xe để không bắt hoặc bắt nhưng phạt với các lỗi nhẹ khi vi phạm luật giao thông. Hàng tháng hoặc mỗi lần vi phạm, các DN và cá nhân giao nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản cho các cán bộ TTGT, với số tiền ít nhất là 1 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là 28 triệu đồng/tháng.

Tổng số tiền, các bị cáo này đã nhận hối lộ gần 4 tỷ đồng. Trong đó, Đoàn Vũ Duy nhận hối lộ hơn 2,799 tỷ đồng. VKSND Cần Thơ truy tố, Duy, Tâm, Anh, Cần và An theo điểm a khoản 4 Điều 279 Bộ luật hình sự, với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Đường dây TTGT bảo kê cho doanh nghiệp, cá nhân bị Công an TP Cần Thơ phát hiện được cho là lớn nhất từ trước đến nay tại miền Tây.

Thanh tra giao thông 'hỏi thăm' xe có logo 'A Di Đà Phật'

Có trường hợp xe treo logo có dòng chữ “A Di Đà Phật” bị thanh tra giao thông 'biến chất' tại Cần Thơ kiểm tra vì cho rằng dòng chữ này chỉ được treo trên xe từ thiện...

Nhóm bán logo bảo kê 'xe vua' khai hối lộ tiền tỷ cho 62 CSGT

Bán logo "giải cứu" cho gần 1.700 xe, nhóm của Thới khai đã chi nhiều tỷ đồng để hối lộ 80 cảnh sát, thanh tra giao thông ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm