Đối với Gen Z, “thao túng tâm lý” dùng để chỉ việc tự đánh lừa cảm xúc cá nhân hoặc của người khác qua những hành động đời thường, mang tính chất gây cười.
Tháng 9, thuật ngữ này bất ngờ trở nên phổ biến sau một vụ lừa đảo bạc tỷ gây xôn xao trên mạng xã hội. Thủ phạm là một cô gái 27 tuổi, sử dụng nhiều chiêu trò để gây dựng cuộc sống sang chảnh giả mạo, sau đó lừa hàng chục nạn nhân với số tiền hàng tỷ đồng.
Giữa vô số thắc mắc rằng làm thế nào mà cô gái này có thể lừa đảo trót lọt nhiều lần, một số người đã lên tiếng giải thích và đề cập tới thuật ngữ “thao túng tâm lý”.
Họ chỉ ra những nét tương đồng của sự việc này với những phi vụ chấn động khác ở nước ngoài, như "tiểu thư dựng chuyện" Anna Sorokin và "nữ tỷ phú lừa đảo" Elizabeth Holmes.
Từ vụ việc, nhiều người trẻ nhanh chóng áp dụng cụm từ “thao túng tâm lý” vào các tình huống trong đời sống, nhưng với mục đích gây cười.
Một số ví dụ có thể kể đến như “Đừng để mưa gió thao túng tâm lý khiến bạn muốn nghỉ làm”, “Hết tiền nhưng tự thao túng tâm lý để nghĩ rằng mình vẫn sống ổn tới cuối tháng”, “Thao túng tâm lý bạn trai để được mua trà sữa”...
Tuy nhiên, dù nhận được sự hưởng ứng lớn của Gen Z, thuật ngữ nên được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ để tránh gây hiểu lầm, tạo cái nhìn thiếu nghiêm túc về hành vi độc hại này.
Theo Healthline, “thao túng tâm lý” là một hình thức lạm dụng cảm xúc, đánh lừa hoặc kiểm soát ai đó bằng cách khiến đối phương tin rằng nhận thức, niềm tin của họ là sai.
Người bị thao túng sản sinh các loại cảm xúc tiêu cực như cảm giác thất bại, tội lỗi, sợ hãi… Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy lạm dụng tình cảm có thể gây hại tương tự lạm dụng thể chất, bởi cả hai đều có thể hạ thấp lòng tự trọng và gây trầm cảm.