Càng gần sát ngày tổ chức tiệc cuối năm tại công ty, Hương Mai (23 tuổi, làm việc trong ngành PR ở Hà Nội) càng thấy sốt ruột khi đơn hàng mua váy và kem nền đặt săn sale cuối năm vẫn chưa về tay.
“Khi đặt, mình đinh ninh đã tính dư dả gần nửa tháng trước ngày diễn ra tiệc. Tuy nhiên, mình chờ 10 ngày vẫn chưa thấy đồ đâu, làm mình lo lắng không biết có gặp trục trặc gì không và sợ lỡ dở kế hoạch”, cô nói.
Nếu hàng về không kịp, Mai sẽ phải mặc tạm váy cũ để "chữa cháy". Nhiều lần trong ngày, cô vào ứng dụng kiểm tra xem liệu đã có cập nhật gì mới về đơn hàng và ngóng đợi cuộc gọi từ shipper.
Hai đơn hàng vẫn đang trên đường vận chuyển của Hương Mai. |
Trên thực tế, cảm giác ngóng chờ xuất hiện ngay từ lúc Mai ấn nút “đặt hàng” thành công. Chiếc đầm đã "tia" từ lâu lại săn được giá hời khiến cô háo hức, muốn mau chóng mặc thử.
Sự phấn khích tiếp tục kéo dài sang cả hôm sau và những ngày tiếp đó, khi Mai thỉnh thoảng lại kiểm tra không chỉ 1 mà tất cả đơn hàng khác đang ở bước nào: đã xác nhận, người gửi đang chuẩn bị hàng hay bưu kiện đã đến kho.
Không riêng gì Mai, cảm giác háo hức, hồi hộp cho đến lo lắng diễn ra thường xuyên và phổ biến với những người mua hàng online, diễn ra sau khi đặt hàng xong và đợi món đồ được chuyển tới.
Ngóng chờ từng ngày
“Hiểu rõ là các đơn online chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn cho các khâu đóng gói, vận chuyển nhưng bản thân vẫn thấy bồn chồn”, Mai kể. Lần nào đặt hàng trực tuyến cô cũng trải qua chuyện thấp thỏm chờ ship.
Giống với Hương Mai, có những ngày, Hà Anh (26 tuổi, nhân viên bán hàng) vào xem đơn hàng cả chục lần.
“Mỗi lần đặt đồ, dù giá gốc hay giá giảm, cần gấp hay không, mình đều có thói quen check quá trình vận đơn. Thú vui này khó giải thích nhưng mỗi khi thấy thông báo đơn đã đóng gói hay giao cho shipper, mình đều phấn khởi. Những lần vui nhất là khi thấy đơn vừa đặt buổi trưa, chiều hàng đã chuyển đến kho, tới trung tâm trung chuyển, sáng hôm sau shipper đang trên đường giao”, Hà Anh bày tỏ.
Không ít người mua hàng trực tuyến có thói quen đều đặn kiểm tra quá trình vận đơn. |
Với cô, quá trình chờ đợi này nhiều khi còn đem lại phấn khích và hồi hộp hơn so với lúc đem món đồ đã mua ra sử dụng.
Trong tiếng Anh, hiện tượng tâm lý này có tên gọi là delivery anxiety hay pre-parcel anxiety.
Theo từ điển Urban Dictionary, pre-parcel anxiety là cảm giác lo lắng khi chờ đợi hàng hóa vừa mua được vận chuyển đến tận tay. Tâm trạng này thường đi kèm với thói quen kiểm tra đơn hàng hay chờ đợi cuộc gọi từ người giao hàng.
Khi đặt hàng online, người dùng buộc phải có một khoảng thời gian chờ đợi trước khi cầm nắm, sử dụng. Điều này khác với mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng truyền thống, khi khoảng cách giữa việc mua và dùng không đáng kể.
Mức độ sốt ruột khi chờ đợi cũng tỷ lệ thuận với giá trị đơn, độ yêu thích của người mua với món đồ. Mặt khác, khi mua đồ trực tuyến, tâm trí của khách hàng nảy sinh cảm giác sở hữu ảo và hiệu ứng gắn bó xuất hiện.
Theo nhà kinh tế học người Mỹ Richard Thaler, hiệu ứng gắn bó xảy ra khi cá nhân mua sắm. Quá trình chọn lựa, mua hàng hình thành sợi dây kết nối giữa khách hàng và món đồ, khiến bạn bắt đầu hình dung tất cả niềm vui, sự cải thiện trong cuộc sống mà nó mang lại.
Ngoài ra, theo nhà trị liệu tâm lý Owen O'Kane, ngay cả những sự kiện tích cực nhỏ nhất trong tương lai cũng có thể thúc đẩy tâm trạng của con người.
“Đó là lý do mọi người mong chờ một bữa tối đã đặt trước, một cuộc hẹn làm tóc hay cả một gói hàng đang trên đường giao đến”, Owen phân tích.
Về mặt tâm lý hành vi, sự mong đợi những gì chưa xảy đến luôn đem lại cảm giác mãnh liệt lớn hơn so với những gì đã hoàn thành. Vì vậy, việc sử dụng sản phẩm thoải mái theo ý thích lại thường kém thú vị hơn nhiều so với những kỳ vọng ban đầu của người mua.
Háo hức cho đến hồi hộp, lo lắng là tâm trạng chung ở những người mua sắm online khi hàng hóa chưa đến tay họ. |
Lo lắng, thấp thỏm
Tuy nhiên, sự phấn khích khi chờ hàng tới cũng rất dễ thay đổi thành lo lắng, bồn chồn khi hàng hóa vận chuyển lâu như trong câu chuyện của Hương Mai.
Dù đã mua món đồ trên danh nghĩa nhưng vì chưa thể chắc chắn về tình trạng món hàng cũng là lý do khiến bất an nảy sinh.
Là người tiêu dùng, mọi khách hàng đều từng trải qua nỗi lo mơ hồ rằng món hàng của mình đến nơi có thể sẽ bị hỏng, khác với thứ mình đã đặt hay đơn giản là bị thất lạc trong vô số gói hàng được giao mỗi ngày, theo USA Today.
Trong những tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, việc vận chuyển, đi lại gặp khó khăn, Hà Trang (24 tuổi) lần đầu trải qua chuyện mòn mỏi chờ ship hàng.
"Thông thường, mình chỉ mất 3-5 ngày là nhận được hàng với đơn trong thành phố, đơn từ TP.HCM và các tỉnh xa khác cũng chỉ mất 1 tuần. Nhưng vào thời điểm đó, trung bình mình phải đợi 3 tuần đến 1 tháng. Cá biệt, có đơn hàng bị bên giao hàng tự ý hủy, trả hàng mà không hề liên lạc với mình hay lưu kho, khiến mình mất công đặt lại và chờ đợi lần nữa", Trang kể lại.
Đơn hàng bị bên giao hàng tự ý hủy của Hà Trang. |
Cô cho hay vì chủ động chọn thanh toán trước, nên nỗi lo bị mất hàng, mất tiền càng lớn hơn, cộng với cả sự bực tức khi mãi không có đồ để dùng, sợ hàng khi đến nơi đã không còn chất lượng ban đầu, nhất là đơn đồ ăn, thực phẩm.
“Cũng có một số lần hàng giao rất chậm khiến mình rơi vào ức chế. Đặt xong, mình thường nóng lòng mong sớm đập hộp. Nếu đợi lâu, sự phấn khích cũng giảm đi làm mình kém vui”, Hà Anh kể thêm.
Có lần, Hà Anh đặt đôi giày giá 3,2 triệu đồng, giảm 50%, và áp thêm các voucher khác giúp giá cuối phải trả chỉ còn 1,2 triệu đồng. Săn sale thành công, song cảm giác của Hà Anh lại lẫn lộn. Ngoài vui sướng, cô rất sợ bị huỷ đơn bất ngờ.
Một tuần sau đó, người bán vẫn chưa giao cho bên vận chuyển làm cô sốt ruột.
“Suốt những ngày đó, trong đầu mình lúc nào cũng sợ đơn sẽ bị huỷ, vì từng biết nhiều người đặt hàng xong xuôi nhưng lại gặp tình trạng người bán hàng hủy đơn sau đó".
Sau 10 ngày, Hà Anh nhắn tin hỏi bên cửa hàng thì nhận được thông báo số lượng đơn lớn, bị dồn ứ nên giao muộn.
“Mình kiên nhẫn chờ thêm và cuối cùng nhận được hàng sau gần 2 tuần chờ đợi. Nhưng sự phấn khích đã mất đi một nửa, dù đôi giày rất đẹp và vừa ý mình. Mình có chút 'ám ảnh cưỡng chế' với thời gian giao hàng, rất dễ khó chịu nếu đơn giao quá lâu hoặc không biết bao giờ mới được nhận", cô bày tỏ.