Sau 6 tháng start-up, tôi đã có đối tác là các doanh nghiệp lớn và mở được cửa hàng đầu tiên ở Thảo Điền.
Zing chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của Nguyễn Minh Thùy (Tơ).
Khởi nghiệp sau khi thất nghiệp
Tháng 4/2021, tôi chấm dứt cả công việc quản lý nghệ sĩ lẫn công việc văn phòng. Trước đó, tôi đã có thời gian loay hoay giữa việc đi làm văn phòng hay làm tự do. Tôi nghỉ công việc văn phòng rồi đi làm lại rồi lại nghỉ chỉ sau 2 tuần vì thấy rất gò bó về mặt thời gian. Tôi nhận ra mình thực sự không muốn quay lại làm việc giờ hành chính.
Thất nghiệp ở nhà, tôi tìm đến thú vui làm đồ handmade để giết thời gian.
Ban đầu, tôi không mơ tưởng đến việc xây dựng thứ gì đó thật to tát, lớn mạnh. Tôi không nghĩ mình sẽ kinh doanh, buôn bán mà chỉ làm với mục tiêu đơn giản là có thêm niềm vui, để bớt căng thẳng vì phải ở nhà.
Sau một thời gian suy nghĩ, tôi “chốt đơn” với ý tưởng lọ nến xi măng khắc tên.
Thế rồi tôi mất khoảng hơn 1 tháng để lên ý tưởng và nghiên cứu công thức. Thời gian đầu, tôi dùng tiền tiết kiệm để mua nguyên vật liệu
Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải chắc chắn là làm sao để đáp ứng được bản thân. Tôi tự đặt cho bản thân những tiêu chuẩn thật cao và cố gắng làm ra sản phẩm khác biệt và có chiều sâu.
Vốn không có kiến thức gì về vật liệu nên tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chất liệu đảm bảo yêu cầu làm lọ nến. Lọ làm ra lúc thì dễ vỡ, lúc thì bám bụi bẩn, lúc thì bị thấm dầu ra ngoài. Tôi chỉ có cách thử hết lần này đến lần khác, mix đủ thứ nguyên vật liệu lại với nhau.
Đó là những tháng ngày tôi làm xong sản phẩm lỗi, chưa kịp chán nản buồn rầu thì lại vùng dậy tìm cách giải quyết.
Rồi dần dần tôi cũng hoàn thiện sản phẩm của mình. Các mùi hương được đặt tên theo những câu chúc dễ thươnng như sleep tight, sweet dream, be you… Tôi cũng tự thiết kế post card, túi vải, hộp đựng để sản phẩm trông xinh xắn như một món quà. Ngay khi mở bán, tôi đã có 100 đơn hàng đầu tiên nhờ bạn bè, một số người nổi tiếng hỗ trợ chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Tôi gần như được lớn lên, được phát triển song song trong quá trình làm nên sản phẩm. Lấy concept là “hạnh phúc”, mỗi lọ nến làm ra là mỗi lời nhắc nhở rằng mỗi người đều không hoàn hảo. Việc chấp nhận sự không hoàn hảo đó chính là cách để bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn.
Tiếp đó là hình thức khắc tên lên lọ nến. Quá trình tìm cách để có thể khắc tên lên lọ khá gian truân, tốn khá nhiều công sức. Vậy nên khi “thành hình”, đó là điều khiến tôi hạnh phúc.
Sau nửa năm hoạt động, tôi thấy mình chưa gặt hái được nhiều thành quả thực tế. Những thứ như doanh thu, doanh số,… vẫn chỉ là con số khiêm tốn so với các start-up khác.
Tuy nhiên, điều khiến tôi tự hào là thương hiệu nhận được khá nhiều sự tin tưởng. Tỷ lệ khách cũ quay trở lại rất cao, cả khách đến mua hàng vì được tặng trước đó cũng khá nhiều.
Sau nhiều tháng đổ tiền, tôi đã bắt đầu có doanh thu để nuôi sống bản thân và tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh.
Mở cửa hàng ở Thảo Điền
Sát Tết, tôi quyết định mở cửa hàng đầu tiên của mình ở Thảo Điền. Mở cửa hàng chỉ sau nửa năm hoạt động trong thời điểm dịch bệnh, tôi thấy mình khá mạo hiểm.
Nhưng tôi tin mạo hiểm là một yếu tố quan trọng trong con đường dẫn tới thành công.
Có khá nhiều lý do dẫn đến việc tôi mở cửa hàng vào thời điểm này. Cửa hàng của tôi bắt đầu có doanh thu ổn định từ tháng 10. Kho luôn trong tình trạng cháy hàng vì tôi không thể làm kịp các order. Vậy nên, tôi cần thêm người phụ giúp việc buôn bán để có thể tập trung phát triển sản phẩm. Ngoài ra, mở cửa hàng và chăm chút từng ngóc ngách là một cách để tôi nói với khách hàng: “tôi thật sự nghiêm túc với việc này, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng!”.
Vì tôi đã mường tượng trong đầu rõ rệt về cảm giác và hình thức của cửa hàng nên việc tìm kiếm địa điểm khá dễ. Tôi muốn tìm một nơi có nhiều cây xanh, có không khí dễ chịu, có cảm giác an yên khi ngồi lại, không xô bồ hối hả. Sau khi xem xét, tôi thấy Thảo Điền là khu vực phù hợp nhất với mong muốn. Thế là tôi khoanh vùng và tìm kiếm tất cả các khu phức hợp và tìm được đích đến hiện tại.
Khu tôi chọn làm điểm dừng chân được xây dựng theo kiểu phố Nhật Bản. Từng gian nhà, hàng cây đều rất “Nhật”. Trùng hợp là start-up của tôi lấy tên Kofuku, vốn là “hạnh phúc” trong tiếng Nhật. Tôi cũng bị ảnh hưởng từ phong cách “wabi-sabi”.
Thế là tôi nhanh chóng đặt cọc thuê, dù chi phí chênh khá nhiều so với dự định ban đầu.
Để tiết kiệm thời gian, tôi đặt ngay nội thất, tủ kệ bảng hiệu ngay khi hợp đồng còn đang thực hiện.
Khi vừa đặt bút ký, 2 ngày sau mọi thứ đã gần như hoàn tất. Bên ngoài, tôi setup một tấm biển hiệu bằng vải như rèm noren của Nhật. Hai bên hông cửa là ghế ngồi, phía sau lưng là cả dàn cây. Đây vừa là góc nghỉ ngơi, vừa là nơi check-in tôi tâm đắc.
Phía trong, tôi sắp xếp thêm vài chiếc ghế và bàn nhỏ để khách ngồi đợi khắc tên. Ngoài mấy lọ đào, tuyết mai mang không khí Tết, tôi bày trí thêm vài cây cầu thang, kim thuỷ tùng được gói ghém theo hình thức kokedama - cũng là một nét mộc mạc đến từ Nhật Bản.
Vậy là sau 6 tháng khởi nghiệp, tôi đã có cửa hàng đầu tiên của mình. Tôi biết, tất cả chỉ mới bắt đầu và chặng đường phía trước sẽ còn dài. Gian nan phía trước là làm sao để liên tục đổi mới, liên tục tạo ra sự khác biệt mà vẫn bám chặt cái cốt lõi của thương hiệu. Đồng thời, tôi cũng cần tìm cách adapt tính chất nổi bật của sản phẩm để phù hợp với nhiều hình thức hoạt động khác như popup, flea market, workshop,…