Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thầy cô mong mỏi được đàng hoàng dạy thêm

Các giáo viên mong mỏi được đàng hoàng dạy thêm tại nhà để tăng thu nhập chính đáng, thay vì phải 'lén lút', 'dạy chui' như hiện nay.

giao vien mong day them anh 1

Hai năm nay, thứ bảy hàng tuần, cô Lan Hương (giáo viên tiểu học tại Hà Nội) đều tổ chức một lớp dạy thêm tại nhà với những học sinh có nhu cầu.

“Dạy thêm là cách giáo viên kiếm tiền chính đáng, nhưng phải ‘lén lút’ vì việc này vẫn đang bị cấm”, cô Hương nói, mong muốn được dạy thêm đàng hoàng.

Dạy “chui” làm tổn hại hình ảnh nhà giáo

Hơn hai năm trước, cô Hương ký hợp đồng lao động với trường, mức lương chỉ 2 triệu đồng/tháng. Cả tiền dạy tăng tiết, mỗi tháng cô chỉ nhận khoảng 5-6 triệu đồng. Với thu nhập này, để nuôi con, chăm lo gia đình, cô buộc phải dạy thêm.

Theo quy định tại thông tư 17, giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, vì ở quê, chẳng có trung tâm nào để đăng ký dạy, cô Hương đành mở lớp dạy thêm tại nhà, phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng ký cho con học, không ép buộc hay gợi ý trò nào phải đi học thêm.

“Biết dạy chui là sai, song vì gánh nặng mưu sinh, tôi và nhiều giáo viên khác buộc phải làm thế”, cô Hương cho biết dạy khoảng 20 học sinh, mỗi em, cô giáo chỉ thu 40.000 đồng/buổi, mỗi tháng có thêm khoảng 3-4 triệu đồng, gọi là có thêm đồng ra đồng vào.

Thầy G.V.Đ. (giáo viên THCS tại TP.HCM) cũng nhận định các quy định về quản lý dạy thêm đang quá khắt khe với nhà giáo. Theo thầy, việc dạy thêm chỉ được xem là đúng quy định khi giáo viên phải dạy ở trung tâm, điều này là hợp lý nhưng chưa toàn diện. Bởi nhiều giáo viên có điều kiện về cơ sở vật chất tại nhà lại không thể tổ chức lớp học một cách công khai, đàng hoàng như các ngành nghề khác có thể mở văn phòng, phòng khám làm thêm tại nhà.

Mặt khác, việc này khiến nhiều giáo viên bị “bóc lột” công sức, đặc biệt là các giáo viên trẻ nếu không may dạy ở các trung tâm mục đích là để kinh doanh giáo dục.

Thầy Đ. cũng chỉ ra từng có việc giáo viên bị quản lý quá khắt khe, bị lập đoàn kiểm tra đột xuất, lập biên bản tại nơi mình đang lao động chân chính. Việc này làm tổn thương giáo viên về mặt tinh thần rất lớn. Thậm chí có trường hợp giáo viên đã bị tống tiền để không bị tố cáo khi tổ chức dạy thêm tại nhà.

Ngoài ra, trước đây, trung tâm dạy thêm, học thêm được thuê cơ sở vật chất của nhà trường để tổ chức lớp dạy thêm sau giờ học. Tuy nhiên, từ năm 2017, các trường không được phép cho thuê cơ sở vật chất.

Điều này gây ra lãng phí và bất tiện cho việc di chuyển của người dạy lẫn người học. Nếu được thuê địa điểm dạy tại trường, giáo viên sẽ có cơ hội được dạy thêm công khai, minh bạch. Đồng thời, dạy trong trường ngoài sự quản lý của trung tâm, ban giám hiệu cũng có thể quản lý và theo dõi việc dạy thêm, học thêm để tránh xảy ra những tiêu cực đáng tiếc.

giao vien mong day them anh 2

Nhiều thầy cô vì mưu sinh nên vẫn tổ chức lớp dạy thêm tại nhà. Ảnh minh họa: Ngọc Bích.

Chính những quy định trên khiến việc dạy thêm của nhiều giáo viên trở thành công việc “lén lút”, dù là kiếm tiền chính đáng. Thầy Đ. kể có lần, để tránh thanh tra, tránh bị lập biên bản trước mặt, thầy phải nhắn tin, gọi từng phụ huynh học sinh để báo nghỉ học. Chính các phụ huynh cũng rất bức xúc vì con họ bị nghỉ học thêm bởi những quy định mà họ cho là “vô lý, thiếu tính nhân văn”.

“Bản thân tôi lúc đó mang tâm trạng của người buôn lậu hay kinh doanh trái phép”, thầy Đ. chia sẻ.

Đến hiện tại, thầy Đ. vẫn “dạy chui”, dù ký cam kết không vi phạm quy định dạy thêm học thêm hàng năm. Thầy nói may mắn là không bị ai phản ánh, nên vẫn duy trì được đến giờ.

Trong khi đó, có những đồng nghiệp của thầy đã chuyển sang công việc khác để làm. Lương của giáo viên khi đó chỉ hơn 5 triệu/tháng, không bằng được các công việc lao động tay chân khác. Vừa lương thấp, vừa nhiều áp lực, vừa bị xã hội xem thường, họ không muốn tiếp tục cống hiến cho giáo dục.

Giáo viên dạy thêm phải có lương tâm và trách nhiệm

Thầy Đ. cho rằng việc dạy thêm, học thêm là vì quyền lợi của cả người dạy lẫn người học. Đối với giáo viên, họ có cơ hội được lao động chính đáng, trong sạch từ chính chuyên môn của mình. Đối với người học, họ có nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao kiến thức một cách tự nguyện, tự giác.

Cha mẹ học sinh cũng rất có nhu cầu cho con mình được học với những thầy cô giáo có chuyên môn giỏi, có tiếng trong công tác giảng dạy. Nếu có điều kiện thì cha mẹ nào cũng muốn cho con mình có được điều kiện giáo dục tốt nhất. Vậy, tại sao thầy cô lại không được đàng hoàng dạy thêm?

Không riêng cô Hương hay thầy Đ., theo nghiên cứu của Viện Phát triển Chính sách (Đại học Quốc gia TP.HCM) về đời sống giáo viên tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang, hơn 63% trong số 12.500 giáo viên muốn được hợp pháp dạy thêm tại nhà và dạy thêm online, để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình.

"Nhiều thầy cô đặt câu hỏi, rằng ‘Vì sao những ngành, nghề khác được làm thêm nhưng nghề giáo thì không?’, hay ‘Vì sao giáo viên dạy ở trường không được dạy thêm, còn giáo viên tự do có thể mở lớp?’. Đây là những câu hỏi cần có lời giải thích", nhóm nghiên cứu nêu vấn đề.

giao vien mong day them anh 3

Quản lý dạy thêm - học thêm là một việc không dễ, nhưng không phải không có cách giải quyết. Ảnh minh họa: Thế Bằng.

Theo thầy Đ., việc quản lý dạy thêm - học thêm là một việc không dễ, nhưng không phải không có cách giải quyết. Theo đó, việc học thêm, dạy thêm ra đời từ việc quản lý về kiểm tra và thi. Chúng ta cần tập trung giải quyết vấn đề kiểm tra, thi cử có chất lượng, chú trọng năng lực, phẩm chất hơn là học thuộc lòng.

Đề thi không được thuộc về "độc quyền" của bất kỳ một giáo viên hay một nhóm giáo viên nào, như cách các kỳ thi ngôn ngữ quốc tế tổ chức. Khung đề thi, cách ra đề đã được công bố sẵn. Các trung tâm ngoại ngữ cần biên soạn giáo trình, lộ trình phù hợp để khi đơn vị tổ chức thi/kiểm tra ra bất cứ đề thi nào, người học cũng có năng lực giải quyết. Như vậy mới là học và dạy thực chất.

Cuối tháng 8/2024, Bộ GD&ĐT ra dự thảo thông tư sửa đổi về dạy thêm, học thêm, loại bỏ các thủ tục hình thức, như giáo viên cần xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành.

Thay vào đó, thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Thầy Đ. ủng hộ quy định này, cho rằng phù hợp và tiến bộ, thể hiện sự trân trọng thầy cô giáo của các cấp lãnh đạo.

Ngoài ra, dự thảo cũng có quy định giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra trên lớp. Thầy Đ. cho rằng điều này hợp lý và chính xác. Nó liên quan trực tiếp đến danh dự, đạo đức và lòng tự trọng của nhà giáo.

“Việc dùng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra trên lớp là hình thức kinh doanh giáo dục trái phép. Hành vi bán đề, bán đáp án, lời giải không được chấp nhận trong môi trường giáo dục”, thầy giáo cho rằng đó chính là vấn đề khiến dạy thêm gây bức xúc như hiện nay.

Để giải quyết điều này, cốt lõi vẫn là sự đồng thuận giữa giáo viên và phụ huynh. Trong đó, phụ huynh sẽ là người chủ động tìm thầy cô giáo cho con của mình. Lý tưởng nhất là học sinh đề nghị với cha mẹ cho mình được học với thầy cô mà các con yêu thích.

“Giáo viên tuyệt đối không được chủ động giới thiệu, gợi ý về việc mình có dạy thêm ở lớp học chính khóa do mình phụ trách”, thầy Đ. nhấn mạnh với giáo viên dạy thêm, thứ cần có nhất là lương tâm và trách nhiệm.

Nội dung dạy thêm không thể nào là dạy trước bài, dạy lại kiến thức trên lớp hay “bán” đề kiểm tra. Nội dung dạy thêm nên là việc củng cố, luyện tập kiến thức đối với đối tượng học sinh phổ thông. Đối với đối tượng học sinh giỏi, ngoài củng cố, luyện tập thì học sinh cần được nâng cao và mở rộng kiến thức khi đến với lớp học thêm.

Ngoài ra, học sinh và phụ huynh khi đưa con đến học thêm cũng không nên có tâm lý “trăm sự nhờ thầy” và cho rằng khi học thêm thầy/cô này, con mình sẽ được luyện trước các nội dung có trong bài kiểm tra hoặc cho rằng con mình sẽ thành “thiên tài” chỉ sau một thời gian ngắn học tập.

Phụ huynh cần theo dõi từng bước sự tiến bộ của con mình, ghi nhận sự tiến bộ đó, trao đổi thêm với thầy cô giáo dạy thêm về những khuyết điểm của con để hợp tác cùng thầy cô giúp con tiến bộ.

Thầy Đ. cũng đề xuất về phía cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể, hợp tình, hợp lý, yêu cầu giáo viên cam kết không vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong quá trình dạy thêm.

Cho phép các trường học cho thuê cơ sở vật chất tại trường để mở lớp học thêm, dạy thêm để không lãng phí. Ngược lại, tiền thu được từ chi phí quản lý có thể dùng để nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường và nâng cao chất lượng đời sống của giáo viên.

Ngoài ra nên có kênh thông tin tố giác các hành vi ép học thêm, dạy thêm. Kênh thông tin này nên được cấp trên của nhà trường quản lý để tránh những tiêu cực trong nội bộ được bao che, kéo dài, gây những bức xúc cho phụ huynh, học sinh lẫn đồng nghiệp.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Thầy cô ngày càng ‘co mình’ trước phụ huynh

Không ít giáo viên cho hay việc bị phụ huynh chửi bới, hành hung hay quay clip, ghi âm tung lên mạng không còn là điều hiếm thấy trong xã hội hiện tại.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm