Cùng chồng đưa hai con sang một đất nước mới, chị Katy Trần nhận thức rõ tương lai sẽ có nhiều thử thách. Không chỉ với bản thân, điều chị lo lắng nhất là liệu các con có thể hòa nhập được với cuộc sống mới. Đến nay sau gần 4 năm sinh sống tại New Zealand, với sự giúp đỡ của nhà trường và bạn bè đồng trang lứa, các con chị đã có những trải nghiệm không thể nào quên.
Nỗi lo khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ
“Năm 2008, vợ chồng tôi bắt đầu có ý định tìm kiếm một đất nước mới để làm việc và sinh sống. Sau khi cân nhắc và tìm hiểu nhiều yếu tố, tôi nhận thấy New Zealand có những điều kiện lý tưởng, phù hợp cho kế hoạch của cả gia đình”, chị Katy Trần cho biết.
Tuy đã có kế hoạch rõ ràng về định hướng, đến thời điểm chuẩn bị lên đường, chị nhận ra với hai đứa trẻ mới vào mẫu giáo và đang học lớp 3, việc thay đổi môi trường không hề dễ dàng. Hai vợ chồng phải nói chuyện với con về kế hoạch của gia đình, đồng thời có những bước chuẩn bị tinh thần trước để 2 bé vượt qua nỗi sợ ban đầu.
“Lo lắng lớn nhất của tôi là rào cản ngôn ngữ. Bố mẹ có thể giao tiếp tốt ở chỗ làm, nhưng các con thì không. Dù đang theo học trường song ngữ tại Việt Nam, nhưng tôi vẫn không tự tin 100% rằng các con sẽ hòa nhập tốt. Tôi suy nghĩ nhiều vì 2 con còn nhỏ, không thạo tiếng Anh, liệu có bị cô lập hoặc không thể phát triển tốt tại đất nước mới hay không”.
Năm 2018, vợ chồng chị Katy Trần quyết định mang theo con gái Hannah Nguyễn (4 tuổi) và con trai Nick Nguyễn (9 tuổi) qua New Zealand sinh sống và học tập. |
Con gái nhỏ của chị Katy Trần khi đó mới hơn 4 tuổi vẫn chưa đủ nhận thức để cảm nhận được sự thay đổi lớn đang tới với gia đình, nhưng người anh 9 tuổi thì khác. “Cháu liên tục hỏi ‘tại sao lại đi’, ‘ở bên đó liệu có ông bà không’, ‘lỡ con nói tiếng Anh mà họ không hiểu thì sao?’. Chúng tôi đã phải trấn an cháu đây như một khởi đầu mới, nếu không thành công, gia đình vẫn có thể trở lại Việt Nam”.
Bắt đầu một cuộc sống mới
Do không có người thân, bạn bè tại New Zealand, chị Katy Trần buộc phải tự tìm nhà và trường cho hai con đi học. Chị đã chọn North Shore (phía bắc Auckland) là nơi sinh sống của cả gia đình bởi khu vực này khá an toàn và thuận tiện đi lại.
Khi đăng ký nhập học cho 2 con, chị lựa chọn các trường ở gần nhà. Trong quá trình đó, thủ tục đăng ký nhập học nhanh và đơn giản khiến chị khá bất ngờ. “Tôi đăng ký cho con vào ngày hôm trước, sáng hôm sau con tôi đã có thể bắt đầu đến lớp”. Tại đây, các con của chị cũng được miễn học phí như học sinh bản địa, chỉ phải nộp những khoản phí đóng góp tự nguyện và mua sách vở hàng năm.
North Shore, thành phố nơi chị Katy Trần và gia đình đang sinh sống |
Để giúp con nhanh chóng hòa nhập, trường học gợi ý chị tham gia các hoạt động học tập cùng con trong 1-2 tuần đầu tiên. Vì thế, dù có lịch trình khá bận rộn, chị vẫn tranh thủ dẫn con tham quan trường, ngồi cạnh con trong lớp, cùng tham gia một số hoạt động và kết nối với bạn bè, bố mẹ của các bạn con.
Nhờ sự hỗ trợ và quan tâm của mẹ, bé dễ dàng hòa nhập và nhanh chóng kết bạn hơn. Sau một tháng, con đã hiểu được 80% những gì cô giáo nói, có 3-4 người bạn và tự tin tham gia các hoạt động. Không những phát triển vốn tiếng Anh rất nhanh, bé thứ 2 nhà chị còn thể hiện khả năng tư duy tốt khi biết đặt câu hỏi phản biện, đánh giá sự vật, sự kiện ở nhiều góc độ khác nhau.
Khác với em nhỏ, con lớn của chị Katy Trần gặp nhiều thử thách hơn. Được chuyển lên lớp 4, bé phải học theo chương trình cùng phương pháp giáo dục hoàn toàn khác biệt. Tại trường mới, giáo viên chỉ đưa ra các vấn đề chính, học sinh tự tìm hiểu và tìm kiếm thêm kiến thức về chủ đề này. Trong quá trình học tập, con được thầy cô hướng dẫn nghiên cứu thông tin trên mạng, tự quan sát và đánh giá vấn đề.
Hệ thống giáo dục tại New Zealand đem tới nhiều bất ngờ cho chị Katy Trần và gia đình. |
“Trường của bé còn có chương trình Buddy Class, nơi các học sinh lớp trên giúp các em lớp dưới học tập và làm quen môi trường mới. Đây là điểm tôi đánh giá rất cao, vì con không chỉ phát triển về ngôn ngữ mà còn được các anh, chị lớn hướng dẫn phương pháp học tập và kỹ năng khác như thuyết trình, làm việc nhóm... Đây là điều quan trọng vì hầu hết môn tại trường đều yêu cầu học sinh thuyết trình và tham gia hoạt động cùng các bạn”, chị Katy Trần chia sẻ.
Trải nghiệm không thể quên
Nhắc đến phương pháp giáo dục của New Zealand, chị Katy Trần không khỏi bất ngờ. “Tôi rất thắc mắc vì sao một đứa nhỏ 5 tuổi được cô phát mỗi ngày cho một cuốn sách mang về nhà đọc, trong khi còn chưa biết chữ? Sau đó tôi nhận ra chương trình học tập trung vào việc học đọc, nhận diện mặt chữ trước với các hình ảnh minh họa trong sách. Từ đó, con biết cách đọc và phát âm đúng, dù ngữ điệu có thể chưa hay nhưng vốn từ sẽ gia tăng đáng kể”.
Nhắc đến một ưu điểm của hệ thống giáo dục tại New Zealand, chị Katy Trần kể tên chương trình Year 0 - giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non đến tiểu học kéo dài trong 6 tháng. Theo chị, đây là giai đoạn quan trọng nhất của con tại đất nước mới.
Ngay trước khi bắt đầu Year 0, hai mẹ con sẽ được tham gia Orientation week (tạm dịch: Tuần hướng dẫn): “Tại tuần hướng dẫn cho học sinh tiểu học, các con sẽ được cô giáo dạy ở trường tiểu học trực tiếp dạy kèm cặp với mục đích làm quen giáo viên, bạn bè cùng phương pháp học trong tương lai. Kết hợp việc vừa học vừa chơi, tuần hướng dẫn trong 6 tháng với giáo viên nhiều kinh nghiệm sẽ giúp bé có sự chuẩn bị khi liên thông. Đặc biệt, các thầy cô sẽ giảng dạy tiếp đến khi học sinh lên được lớp mới thôi”.
Tại lớp học của con chị Katy Trần, học sinh không được đánh giá bằng điểm số mà qua các mức đo “below”, “beyond” và “within”. |
Việc họp phụ huynh cũng là điều bất ngờ với chị, khi con có thể trực tiếp tham gia vào buổi họp. “Với bé lớn, mỗi buổi họp sẽ có mặt cô giáo, bố mẹ và cả con chứ không họp công khai để đảm bảo sự riêng tư cho các em. Học sinh sẽ trình bày những khúc mắc và mục tiêu trong tương lai của bản thân", chị Katy cho biết. Cũng nhờ đó, các em sẽ có tiếng nói hơn và tự tin chia sẻ mong muốn của bản thân, hình thành sự tự lập trong việc thấu hiểu và phát triển bản thân.
Riêng với các bé nhỏ, cuộc họp phụ huynh chỉ có phụ huynh và cô giáo, diễn ra trong 15 phút. Câu chuyện sẽ không nói về kết quả học tập của con, mà là nhà trường sẽ giúp con cải thiện ra sao. Hầu hết kế hoạch này đều bao gồm cả kiến thức trên lớp và kỹ năng xã hội, thể thao.
Hockey là môn thể thao yêu thích của bé Hannah Nguyễn. |
Quá trình 4 năm học tập tại New Zealand của các con là quãng thời gian đáng nhớ với chị Katy Trần. Không chỉ vì những khó khăn, thử thách các con đã trải qua, mà cả cách các con làm chị bất ngờ bởi sự cố gắng và thành tích đã đạt được.
“Ở Việt Nam, 2 đứa nhỏ rất ít khi ra ngoài, thường tỏ ra lo lắng và ngại ngùng ở chỗ đông người. Thế nhưng ở trường mới, tôi nhìn thấy nhiều sự thay đổi. Bé nhỏ tập chơi hockey từ năm lớp 2 và dù trời mưa, nắng hay rét thế nào cũng tỏ ra rất hào hứng. Bạn lớn theo học trống và chủ động tìm kiếm các môn yêu thích, dù là khoa học, IT hay xã hội học. Nhìn thấy các con trưởng thành và dạn dĩ hơn, tôi nghĩ mình đã có quyết định đúng đắn”.
New Zealand hiện là quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu toàn cầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai. Đây cũng là đất nước có cả 8 trường đại học đều nằm trong top 3% các trường đại học tốt nhất thế giới. Ngoài ra, sinh viên quốc tế còn có cơ hội nhận visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm về giáo dục New Zealand và tra cứu các ngành học tại các trường cụ thể tại đây.