Dù chọn học Thạc sĩ Tesol (phương pháp giảng dạy tiếng Anh) hay chứng chỉ Sư phạm Tiểu học tại New Zealand thì Ngọc Sơn, Thuỳ Trang và Như Quỳnh đều chủ động hoạch định cho mình con đường riêng để tiến xa hơn trong ngành sư phạm.
Thăng tiến trong sự nghiệp bằng đam mê
“Nếu phải dùng một từ để diễn tả con đường tôi theo đuổi ngành sư phạm thì chắc là ‘passion’ - đam mê”, Thái Ngọc Sơn - giảng viên Viện Đào tạo Quốc tế ĐHQG TP.HCM - nói về bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh.
Vốn là cử nhân khoa Ngoại ngữ chuyên ngành Hành chính văn phòng, sự nghiệp của Thái Ngọc Sơn rẽ hướng khi anh nhận thấy niềm đam mê với ngành sư phạm. Quyết định trau dồi kỹ năng giảng dạy với khóa học nghiệp vụ sư phạm, Ngọc Sơn bắt đầu sự nghiệp “gõ đầu trẻ” tại một trường cấp 2 ở TP.HCM. Trong quá trình đi dạy, khao khát học hỏi cái mới và khám phá môi trường giáo dục quốc tế đã thôi thúc thầy giáo trẻ đến với chương trình liên kết Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp Giảng dạy tiếng Anh (Tesol) của Đại học Sư phạm TP.HCM và Đại học Victoria Wellington, New Zealand.
“Có nhiều hơn một lý do để tôi chọn nền giáo dục New Zealand - quốc gia có nền tảng chuyên môn cao về giáo dục nói chung và phương pháp giảng dạy ngoại ngữ nói riêng. Trong đó, Đại học Victoria Wellington là ngôi trường có chất lượng trong top 2% thế giới theo bảng xếp hạng QS Ranking toàn cầu”, Ngọc Sơn chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Victoria Wellington, Ngọc Sơn có hai năm làm việc tại New Zealand. |
Nhờ được thụ hưởng nền giáo dục quốc tế cùng kinh nghiệm làm việc tại New Zealand, Ngọc Sơn tự tin hơn khi trở về Việt Nam và trở thành giảng viên Viện Đào tạo Quốc tế ĐHQG TP.HCM.
“Tấm bằng Thạc sĩ Tesol mang đến cho tôi cơ hội trở thành giảng viên đại học với nhiều cơ hội thăng tiến sau này”, Ngọc Sơn nói thêm.
Phát triển chuyên môn theo cách riêng
Hai lý do chính giúp Nguyễn Thùy Trang - Trưởng phòng Nghệ thuật và Điều phối chương trình học tại trường mầm non quốc tế Amanaki School of Viet Nam (ASVN), quyết định chọn chương trình liên kết Thạc sĩ Tesol của New Zealand là học phí hợp lý và thời gian hoàn thành khóa học nhanh.
“Thời điểm theo học thạc sĩ tại New Zealand, tôi đã có gia đình và con nhỏ. Chương trình học nửa năm ở Việt Nam và một năm tại New Zealand rất phù hợp với tôi lúc đó. Nếu các nước như Australia, Canada… bậc thạc sĩ mất đến 2 năm học thì New Zealand chỉ mất một nửa thời gian, giúp tiết kiệm nhiều chi phí mà giá trị bằng cấp vẫn tương đương”, Thùy Trang nói.
Nền tảng Sư phạm Mỹ thuật kèm theo kỹ năng ngôn ngữ Anh mang đến cho Thùy Trang nhiều cơ hội nghề nghiệp. |
Cầm trong tay tấm bằng cử nhân Sư phạm Mỹ thuật, Thùy Trang từng gặp khó khăn khi tìm việc làm. Với đam mê ngôn ngữ và yêu thích trẻ em, Trang quyết định rẽ hướng nghiệp vụ sang sư phạm Anh để phát triển chuyên môn phù hợp với tính cách của mình.
“Ở New Zealand, tôi học được phương pháp giảng dạy ‘cá nhân hóa’ theo từng nhu cầu, năng lực để người học phát huy tối đa thế mạnh. Đơn cử, tôi có thể dùng mỹ thuật là kiến thức nền tảng để truyền tải ngoại ngữ, giúp trẻ tiếp cận dễ dàng hơn”, Thùy Trang nói.
Thùy Trang phân tích, không chỉ mỹ thuật mà cả với những ngành học khác như kinh doanh, tài chính, truyền thông… sinh viên đều có thể tận dụng thế mạnh chuyên môn để áp dụng vào quá trình giảng dạy ngoại ngữ.
“Bên cạnh sư phạm, người học cũng có cơ hội trau dồi thêm các nghiệp vụ khác như điều phối chương trình học là công việc mình đang làm tại Việt Nam”, Thùy Trang chia sẻ.
Tự tin trở thành giáo viên ở New Zealand
Yêu thích nghề giáo và có sự đồng cảm với triết lý giáo dục New Zealand, Nguyễn Như Quỳnh cảm thấy may mắn khi có cơ hội trở thành một giáo viên tiểu học tại vùng đảo nam xứ sở kiwi, sau một năm trau dồi tại Đại học Canterbury.
“Trước khi sang New Zealand, tôi quyết định ‘đầu tư thông minh’ bằng cách dành nhiều thời gian để tìm hiểu thị trường việc làm tại đất nước này. Sau khi biết được giáo viên tiểu học và mầm non là hai ngành đang thiếu nhân lực, tôi quyết định theo học chứng chỉ sau đại học, ngành Sư phạm tiểu học. Một điểm đặc biệt là chương trình không yêu cầu phải bằng cấp cử nhân liên quan đến sư phạm nên tôi có đủ điều kiện ứng tuyển”, Như Quỳnh cho hay.
Như Quỳnh đang theo nghiệp “gõ đầu trẻ” tại trường Beckenham Te Kura o Pūroto, New Zealand. |
Chương trình chỉ kéo dài một năm nhưng cô giáo trẻ có cơ hội trải nghiệm 2 lần thực giảng, mỗi lần kéo dài 7 tuần. Nhờ đó mà Như Quỳnh học hỏi được nhiều về cách dạy của giáo viên và có cơ hội đứng lớp như một cô giáo thực thụ.
Theo Như Quỳnh, cơ hội việc làm tại New Zealand vừa dễ vừa khó. “Thực tế, bạn không được nhận có thể vì chưa phù hợp với định hướng giáo dục của trường chứ không phải do năng lực và trình độ. Đó là lý do trong bộ hồ sơ ngoài những thông tin về năng lực và bằng cấp, ứng viên cần thể hiện được triết lý giáo dục của mình. Trong lúc tìm việc, thầy cô trong trường đã hỗ trợ rất nhiều, giúp mình chỉnh sửa CV, viết thư giới thiệu…”, Như Quỳnh chia sẻ.
Một trong những bí quyết giúp Như Quỳnh đạt được công việc mong muốn là xác định rõ định hướng giảng dạy ngay trong quá trình học. Là giáo viên tiểu học, Như Quỳnh chú trọng duy trì mối quan hệ với trẻ để giúp các bé cảm thấy yên tâm và an toàn khi đến lớp. Nhờ triết lý này, cô giáo trẻ ghi điểm với những ngôi trường tại xứ sở kiwi và nhanh chóng có công việc đầu tay sau tốt nghiệp.
Cũng theo Như Quỳnh, Ngành Sư phạm Tiểu học ở New Zealand có nhiều triển vọng nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Giáo viên tiểu học ở New Zealand có thể nhận được mức lương 48.000 NZD-80.000 NZD/năm tùy theo năng lực và kinh nghiệm.
Phụ huynh, học sinh tìm hiểu chương trình liên kết thạc sĩ ngành sư phạm cũng như những chương trình liên kết khác giữa đại học New Zealand và Việt Nam tham khảo cẩm nang “Tôi chọn chương trình liên kết New Zealand” tại đây.
Bình luận