Thời gian qua, thầy giáo Phạm Văn Dũng (sinh năm 1977, quê Thanh Hóa, là giảng viên CĐ Sư phạm Đắc Lắc) được biết đến với lời nhắn nhủ “học giỏi cũng là yêu nước” bên dưới đề thi môn Toán. Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, lời nhắn này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều thầy cô giáo và các bạn học sinh. Ngoài đời, thầy Dũng là một giáo viên dạy ôn thi có tiếng, nhiều thế hệ học trò được thầy truyền kiến thức và đỗ đại học.
- Những ngày qua, lời nhắn nhủ tâm huyết của thầy dành cho học sinh đã nhận được sự đồng tình từ rất nhiều người. Thầy có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Hiện nay, những câu chuyện về biển đảo đang trở thành vấn đề thời sự, ai ai cũng quan tâm, ai ai cũng hướng về. Điều này thực sự tốt bởi nó đã khơi gợi lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ đã nóng nảy mà dẫn tới hành động nông nổi, bồng bột như kêu gọi biểu tình rồi đập phá, gây mất an ninh trật tự. Nhiều bạn khác rảnh hơn thì lên mạng tranh luận chém gió mất thời gian.
Thầy Dũng chụp cùng học sinh (áo kẻ). |
Vì thế, mình muốn nói với học trò rằng: Ai cũng có nhiệm vụ riêng. Bác sĩ có nhiệm vụ chữa bệnh, giáo viên có nhiệm vụ đi dạy, giữ gìn bảo vệ biên cương Tổ quốc đã có các chú bộ đội, các bạn trẻ đang đến trường vì thế học giỏi là nhiệm vụ của các bạn. Làm tốt những việc đó chính là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Khi nhận được đề thi kèm lời nhắn, học trò của thầy phản ứng thế nào?
- Học trò đọc xong đều cười. Sau đó, mình thấy kết quả bài thi tốt hơn. Bản thân mình nghĩ rằng tin nhắn này là hiệu quả, vì đã dẫn dắt học trò đến việc học tốt. Ngoài ra sự động viên, yêu thương trong giai đoạn này cũng cần thiết, dường như bản thân mỗi học sinh đã có được cho mình một động lực để phấn đấu.
Mình nghĩ rằng tất cả mọi giáo viên đều mong học sinh hiểu được thế nào là yêu nước và cần phải hành động như thế nào. "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình", không phải cứ đao to búa lớn mới là yêu nước.
Mình cũng mong học trò hiểu, đôi khi mình khó tính trong việc dạy học nhưng dù thế nào đi nữa, thầy vẫn yêu thương và chăm lo cho chúng. Vì thế, mong rằng mỗi học trò hãy cố gắng hết sức trong 2 kỳ thi sắp tới.
Lời nhắn nhủ của thầy giáo dưới bài kiểm tra. |
- Trong những bài giảng của ở lớp, câu chuyện về Biển Đông và tình yêu nước có được nhắc tới?
- Nhiệm vụ chính vẫn là học, tuy nhiên nhiều lúc căng thẳng mình cũng nhắc qua, vừa là nói chuyện bám sát tình hình thời sự, vừa là câu chuyện để trao đổi với học sinh. Mình cũng chỉ nhắc nhẹ nhàng như hỏi thăm xem các bạn định thi trường nào, ngành gì? Có bạn đứng lên trả lời, em định thi Bách khoa, ngành Điện – Điện tử. Mình bảo: Thế là tốt, nếu đỗ Đại học, sau này cậu có thể chế tạo tên lửa hành trình bảo vệ Tổ quốc. Mình nghĩ là với học trò vừa trò chuyện vừa răn dạy sẽ hiệu quả hơn là quá nghiêm khắc với chúng.
- Hiện nay, rất nhiều trường học từ mầm non đến đại học đều đang có các hoạt động tuyên truyền và bồi đắp tình yêu quê hương, biển đảo cho học sinh. Theo thầy, những việc làm này đã đủ để thay đổi nhận thức của học sinh hay chưa?
- Nếu ta làm thường xuyên, nhưng lồng ghép vào các hoạt động khác như vui chơi thì sẽ tác động đến nhận thức của mỗi đứa trẻ. Còn với các học sinh cấp 2, cấp 3 nên lồng ghép vào các bài giảng, đề thi. Làm thường xuyên, nhẹ nhàng, mình nghĩ sẽ hiệu quả, tránh hình thức thi cử tìm hiểu rầm rộ, lúc đó sẽ nhiều cô cậu làm đối phó, hình thức, mà chất lượng lại không có.
- Trên Facebook cá nhân của thầy có đăng tải khá nhiều lời phê dí dỏm, hài hước dành cho học sinh. Vì sao thầy lại chọn cách phê bình hoàn toàn khác như vậy?
- Học trò bị phê bình nghiêm khắc nhiều rồi, không phải ông bố bà mẹ nào cũng có thời gian để dí dỏm, để nhẹ nhàng với con cái mình. Vì vậy, bản thân mình luôn cố gắng cân bằng điều này.
Thứ nữa là tuổi các em đang hình thành cái tôi mạnh mẽ, dễ tự ái nên đôi khi căng thẳng quá sẽ có tác dụng ngược. Dĩ nhiên không phải lúc nào mình cũng nhẹ nhàng, có nhiều em lười nhác cũng sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc.
- Nhiều học sinh của thầy đã không tiếc lời khen thầy Dũng toán là dạy hay, có phương pháp lại hiểu tâm lý học sinh?
- Mình nghĩ mấy đứa nhỏ nói xạo đó, hoặc có thể chúng đang nịnh, mình cũng chỉ làm việc bình thường như những người khác. Bản thân luôn nghĩ, mình yêu thương học trò thì chúng cũng sẽ như vậy với mình.
- Nhưng có một số học sinh không thích lời phê như vậy, hoặc cho rằng đó là lời mỉa mai, thầy có phản biện gì không?
- Có, phản hồi như vậy cũng khá nhiều. Đôi khi nó cũng làm mình băn khoăn nhưng cũng đã thử nhiều cách khác, thực tế cho thấy cách mình đang làm hiện tại thu được kết quả cao hơn.
- Thầy có thể chia sẻ kỷ niệm khó quên trong thời gian dạy học?
- Một câu chuyện nhỏ nhưng có lẽ sẽ không bao giờ quên. Hồi mới đi dạy, có một cô học trò hơi chậm, nhưng chăm chỉ lắm, ngày nào mình cũng dò bài tập. Một hôm trò ấy không làm bài tập, mình giận luôn, cả buổi chẳng hỏi câu nào, cuối buổi trò này xém khóc vì sợ. Từ đó trở đi không bao giờ dám làm thiếu bài tập nữa. Sau này, cô bé đã đỗ ĐH Ngoại thương. Đó có lẽ là kỷ niệm vui nhất đến giờ, nghĩ lại vẫn thấy hồi hộp.
- Mùa thi ĐH - CĐ đang đến gần, thầy có điều gì muốn nhắn với các học sinh của mình?
- Các bạn cố lên, các bạn rồi sẽ là chủ nhân của đất nước này, phải chuẩn bị tốt hành trang cho mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì Tổ quốc, vì niềm tin của gia đình, vì tương lai của bản thân và vì tình yêu thương vô bờ bến mà thầy cô giáo dành cho các bạn, cố lên nào.