Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thay đổi giáo dục dưới góc nhìn ‘được mùa mất giá’

Đổi mới liên tục nhưng khâu đào tạo không bám sát thực tế, nhu cầu xã hội, người học thiếu kỹ năng nghề nghiệp và sự chủ động thì khó có việc làm như ý sau tốt nghiệp.

Đọc tâm thư của “thủ khoa nạng gỗ” Đỗ Duy Hiếu gửi Bộ trưởng GD&ĐT về những “thay đổi luẩn quẩn”, tôi rất chia sẻ sự đau đáu của một người nghị lực nặng lòng với giáo dục nước nhà.

Trước hết phải thừa nhận, giáo dục đã có nhiều thay đổi tích cực, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nhưng, với nhiều thay đổi nhanh mà tôi cho rằng chưa có hệ thống và dài hơi như vừa qua, rõ ràng còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Thư thủ khoa gửi Bộ trưởng Giáo dục về 'thay đổi luẩn quẩn'

Đỗ Duy Hiếu cho biết, những cải cách trong 10 năm qua đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Anh đề xuất chính sách thu hút nhân tài để nền giáo dục tiến bộ.

Ví dụ, hãy nhìn nhận từ “lát cắt” thời sự hiện nay: Giáo dục được ví như “nông sản được mùa nhưng mất giá”.

Báo cáo tại phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về thực hiện Luật giáo dục đại học và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngày 24/4, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, năm 2014 so với 2010, số sinh viên thất nghiệp đã tăng gần gấp đôi.

Giai đoạn 2011 - 2014, trung bình mỗi năm có trên 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, số thất nghiệp luôn tăng cao hơn so với phần tốt nghiệp và có việc làm.

Thực trạng này khiến đại biểu Quốc hội đã ví giáo dục như “nông sản được mùa nhưng mất giá”. Nguyên nhân được cho “việc ai nấy làm”, đào tạo cứ đào tạo, còn khâu tiêu thụ, giải quyết việc làm như thế nào thì không quan tâm.

Giáo dục - đào tạo 'được mùa rớt giá'

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Trường, giáo dục và đào tạo của ta hiện nay chẳng khác gì sản xuất nông nghiệp, cứ suốt ngày loay hoay mãi với câu chuyện “được mùa rớt giá".

Trong 10 năm qua, nhiều giải pháp tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được đưa ra. Từ thi “ba chung” đến “một chung” - THPT quốc gia; từ thi tự luận đến trắc nghiệm, rồi kết hợp cả tự luận - trắc nghiệm; từ cho trường đại học, cao đẳng tự ra đề thi đến Bộ GD&ĐT thống nhất đề thi duy nhất… Tất cả không ngoài mục đích tuyển được người tài để đào tạo.

Nhưng rồi chúng ta đã đào tạo như thế nào để dẫn đến tình trạng “được mùa - mất giá”? Sinh viên thiếu thực tế nghề nghiệp khi việc học chỉ tập trung lý thuyết. Kỹ năng làm việc tập thể yếu, vì có được rèn luyện qua các môn học đâu? Thi vào khó nhưng học thì... gần như tốt nghiệp hết. Việc đào thải sinh viên yếu kém cũng... kém.

Ngoài ra, tính chủ động của nhiều bạn trẻ thấp, chỉ biết dựa vào bố mẹ xin, “chạy” việc mà không tự "chiến đấu" cho cuộc đời mình…

Nếu khâu đào tạo không thay đổi theo hướng thực tiễn, gắn với nhu cầu xã hội và “nhồi” được cho các em sự chủ động lo cho chính mình, kỹ năng nghề nghiệp thực tế…, thì có thay đổi nữa, chúng ta cũng không có được những sản phẩm được mùa được cả giá.

Ngày 23/4, “thủ khoa nạng gỗ” Đỗ Duy Hiếu gửi Bộ trưởng GD&ĐT tâm thư về những “thay đổi luẩn quẩn”, với những ý kiến, đề xuất thẳng về hàng loạt thay đổi trong thời gian qua. (Xem chi tiết).

Tòa soạn mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc về vấn đề này qua địa chỉ email: toasoan@news.zing.vn

Tranh luận về tâm thư thủ khoa gửi Bộ trưởng Giáo dục

Nhiều độc giả cho rằng, sự thay đổi liên tục của Bộ GD&ĐT khiến người học mệt mỏi, vì phải “chạy theo” những kế hoạch đột xuất, trong khi một số ý kiến ủng hộ cách làm hiện nay.

Thi Linh

Bạn có thể quan tâm