"Đào tạo thì cứ đào tạo, còn khâu tiêu thụ, giải quyết việc làm như thế nào thì kệ dẫn đến tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp vẫn rất cao”, Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) nói như vậy trong Phiên giải trình về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng 24/4.
Ảnh: Tiền Phong. |
Sau 4 năm, thất nghiệp tăng gấp đôi
Báo cáo về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng GD&ĐT cho hay, trong giai đoạn 2011 - 2014, trung bình mỗi năm có trên 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp CĐ, ĐH. Tuy nhiên, số thất nghiệp luôn tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm, trong đó, năm 2014 so với năm 2010 thì số thất nghiệp đã tăng gần gấp đôi.
“Đào tạo thì cứ đào tạo, còn khâu tiêu thụ, giải quyết việc làm như thế nào thì kệ dẫn đến tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp vẫn rất cao”.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng, nguyên nhân chính chưa chú trọng mối quan hệ giữa đào tạo và giải quyết việc làm. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính và các bộ liên quan việc cấp kinh phí cho đào tạo.
“Đào tạo ra mà không tiêu thụ được, không giải quyết được việc làm mà vẫn cứ cấp ngân sách đều đều là không phù hợp. Tôi đề nghị cần phải xem xét làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính”, bà Minh nói.
Đào tạo phải phù hợp nhu cầu xã hộiVề tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng, giải quyết việc này không có nghĩa là Nhà nước cứ phải đi lo, đi kiếm việc làm cho từng người.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) phát biểu ý kiến. Ảnh: Tiền Phong. |
“Khi chúng tôi sang Singapore, ông Lý Quang Diệu hỏi rằng: Tại sao Việt Nam cứ nói là Nhà nước giải quyết việc làm cho người dân? Nhà nước làm sao mà làm hết được. Cái chính là làm sao đào tạo tính chủ động, sáng tạo cho sinh viên trong việc tìm kiếm việc làm. Nếu đào tạo tốt, họ không những giải quyết việc làm cho bản thân mà còn giải quyết việc làm cho nhiều người khác”, ông Hòa kể.
Theo ông Hòa, sau khi du học ở nước ngoài về, nhiều sinh viên Việt Nam không chỉ tạo việc làm cho mình mà còn cho người khác.
“Cái này mới là quan trọng nhất trong giáo dục và đào tạo. Chứ Bộ LĐ-TB & XH làm sao mà có chức năng đi giải quyết việc làm cho mọi người dân”, ông Hòa nêu ý kiến.
Bộ trưởng Luận nhấn mạnh, việc giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường nếu chỉ Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH không thể làm được. Chúng ta phải thay đổi nhận thức về việc làm theo hướng không phải cứ làm ở đơn vị nhà nước mới là có việc làm, vì chúng ta đang giảm biên chế rất nhiều, không có tuyển dụng mới.
Bà Ngô Thị Minh cho rằng, Bộ Tài chính và các bộ ngành khi cung cấp tài chính cho giáo dục và đào tạo thì phải có trách nhiệm xác định đầu ra, chứ không chỉ là tính mỗi đầu vào.
“Tôi cũng có chung quan điểm là cơ quan quản lý nhà nước không thể giải quyết hết được câu chuyện việc làm. Cái chính Bộ LĐ- TB&XH phải xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, ngành để đưa các dự báo nhân lực một cách chính xác. Không có dự báo đó làm sao đào tạo phù hợp thực tế được. Muốn đào tạo được thì phải chú ý đến nhu cầu xã hội chứ”, ông Nguyễn Xuân Trường nói.
Nhắc lại câu chuyện dưa hấu ế vừa qua, ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng, chúng ta có cố gắng mua bao nhiêu thì cũng chỉ là để động viên người nông dân; chúng ta làm sao có thể ăn dưa hấu mãi được.
“Giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cũng như thế thôi. Chúng ta phải giải quyết từ gốc, phải làm sao đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội, chứ cứ giải quyết phần ngọn khó mà xử lý được”, ông Trường nói.