![]() |
Cân bằng công việc - cuộc sống không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành một tiêu chí quan trọng khi lựa chọn công việc của Gen Z. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Sau khoảng một tháng được khởi tạo, một sự kiện trực tuyến mang tên “Cùng phòng chống OT, tan ca đúng giờ!” thu hút hơn 18.000 lượt quan tâm trên mạng xã hội, trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự kiện ảo do một đơn vị giải trí thiết lập từ đầu tháng 3, không có thời gian hay địa điểm tổ chức thực tế.
Từ lâu, việc bấm nút “quan tâm” sự kiện trên mạng xã hội trở thành cách giới trẻ giao tiếp và bày tỏ mong muốn một cách hài hước, thay vì thực sự xuất hiện ở sự kiện đó. Chẳng hạn, sự kiện “Đi ngủ sớm đi” nhận hơn 138.000 lượt quan tâm, hay sự kiện “Về nhà ăn Tết 2026” thu hút gần 18.000 người quan tâm như một cách bày tỏ sự háo hức đón chờ kỳ nghỉ Tết Bính Ngọ.
Sự kiện “Phòng chống OT, tan ca đúng giờ” lần này không chỉ là một trào lưu vui vẻ, mà còn cho thấy mong muốn của nhiều người lao động về một sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, cũng như hạn chế tình trạng làm thêm giờ (OT) kéo dài.
Thế hệ từ chối OT
Ngày càng nhiều người không còn muốn “bán mình” cho công việc và chấp nhận làm việc quá giờ một cách vô điều kiện, đặc biệt Gen Z (sinh năm 1997-2012), thế hệ mới nhất gia nhập lực lượng lao động toàn cầu.
![]() |
Sự kiện "ảo" tiếp tục được nối dài sang tháng 4. |
Theo khảo sát của Randstad với hơn 26.000 lao động tại 35 quốc gia, 74% Gen Z ưu tiên cân bằng công việc và cuộc sống hơn bất kỳ yếu tố nào, cao hơn so với 68% coi mức lương là quan trọng nhất. Đáng chú ý, 51% Gen Z tham gia khảo sát sẵn sàng nghỉ việc nếu công việc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Keri Mesropov, người sáng lập Spring Talent, doanh nghiệp tư vấn nhân sự quốc tế, nhận định rằng Gen Z không còn cách nhìn về công việc như các thế hệ trước.
"Gen Z chứng kiến cha mẹ mình làm việc quá sức, đánh đổi sức khỏe và hạnh phúc cho sự nghiệp mà không thực sự thỏa mãn. Họ muốn thoát khỏi tình trạng này", bà nói với Newsweek.
Xu thế Gen Z không muốn làm thêm giờ, kêu gọi một môi trường làm việc lành mạnh và hiệu quả càng được nhìn thấy tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Weibo, Gen Z tại Trung Quốc đã tập hợp tiếng nói phản đối văn hóa làm việc khắc nghiệt thông qua hashtag “hậu 00s (thế hệ sinh sau năm 2000 - PV) chấn chỉnh nơi làm việc”. Họ chia sẻ những câu chuyện mang tính nổi loạn và trao đổi mẹo để bảo vệ quyền lợi của mình.
"Khi sếp đến sớm, tôi đến đúng giờ. Khi sếp làm việc chăm chỉ, tôi đi ngủ. Khi sếp tăng ca, tôi nói mình mệt," một người dùng Weibo viết dưới hashtag.
Những bài đăng sử dụng hashtag này phản ánh rõ ràng rằng Gen Z tại Trung Quốc không muốn chạy đua với công việc như các thế hệ Millennials đi trước, không chấp nhận làm thêm giờ trừ khi bị ép buộc nghiêm trọng và sẵn sàng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, Business Insider nhận định.
Một số người trẻ tại Mỹ còn cho rằng mô hình làm việc "9 to 5" (từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều) đã lỗi thời và kêu gọi xem xét lại cách xác định thời gian làm việc hợp lý.
"Khái niệm làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều bắt nguồn từ các công đoàn lao động Mỹ vào những năm 1800 và được Henry Ford áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, mô hình ngày làm việc 8 tiếng giờ đây không còn phù hợp với bối cảnh hiện đại nữa”, Gabrielle Judge, một nhà sáng tạo nội dung và là người sáng lập The Anti Work Girlboss, chia sẻ.
Doanh nghiệp thay đổi để giữ chân nhân sự Gen Z
Khi thế hệ lao động mới ưu tiên sự cân bằng, các doanh nghiệp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi nếu muốn giữ chân nhân sự trẻ. Một số công ty bắt đầu triển khai các chính sách linh hoạt hơn và loại bỏ văn hóa làm việc OT.
![]() |
Nhóm nhân sự trẻ ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, lên tiếng chống lại văn hóa làm việc độc hại. Ảnh minh họa: VCG. |
Tại Trung Quốc, văn hóa làm việc độc hại "996” (từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối suốt 6 ngày/tuần) dần bị nhiều doanh nghiệp loại bỏ. Tập đoàn công nghệ Lenovo đã áp dụng chính sách tắt đèn vào lúc 20h tại trụ sở chính ở Bắc Kinh. DJI Technology cũng yêu cầu nhân viên rời công ty trước 21h, chấm dứt tình trạng tăng ca vào ban đêm.
Wang Qian, Tổng giám đốc LinkedIn Trung Quốc, nhận định: "Thế hệ lao động mới ngày càng coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những công ty tiên phong cũng hiểu rằng một môi trường làm việc lành mạnh chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững".
Không chỉ “phòng chống” OT, Gen Z còn kêu gọi các doanh nghiệp tăng tính linh hoạt trong chính sách làm việc. Họ mong muốn các mô hình làm việc linh hoạt như kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng, tuần làm việc 4 ngày hoặc linh hoạt lựa chọn khung giờ làm việc.
Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 73% nhân sự Gen Z mong muốn có các lựa chọn làm việc linh hoạt lâu dài, thay vì tuân theo lịch làm việc truyền thống 40 giờ mỗi tuần từ 9h đến 17h.
Tính linh hoạt cho phép Gen Z chủ động sắp xếp công việc theo nhịp sống và trách nhiệm cá nhân, đồng thời giúp họ giảm kiệt sức, nâng cao năng suất và duy trì động lực làm việc. Bên cạnh đó, thế hệ này tận dụng công nghệ để làm việc hiệu quả từ xa, chứng minh rằng năng suất không nhất thiết phải gắn liền với việc có mặt tại văn phòng 5 ngày mỗi tuần, theo Forbes.
Nhìn chung, sự dịch chuyển này không chỉ mang lại lợi ích cho Gen Z mà còn góp phần tạo ra môi trường làm việc bền vững hơn cho tất cả.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.