Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Thấy gì khi fan bênh vực Quang Linh Vlogs mù quáng?

Theo chuyên gia truyền thông, việc một số người bênh vực Quang Linh Vlogs mù quáng có thể làm đảo lộn "la bàn đạo đức", suy yếu niềm tin vào quy tắc xã hội.

fan benh Quang Linh Vlogs anh 1

"Làm bao nhiêu việc tốt không ai nhắc, chỉ làm một việc sai đã bị dìm", "Tôi tin Quang Linh Vlogs là người tốt, chỉ bị những người kia dụ dỗ nên lầm lỡ, sai đường", "Những người yêu quý vẫn ở đây để ủng hộ anh"...

Đó là một số trong rất nhiều bình luận ủng hộ từ những người tự xưng là fan của Quang Linh Vlogs. Họ vẫn đứng về phía nam YouTuber sau khi anh bị tạm giam và khởi tố về tội sản xuất hàng giả, thậm chí coi hành vi này chỉ là “lỗi lầm nhỏ”.

Bên cạnh số đông ý kiến cho rằng nên xử lý nghiêm những KOL, KOC liên quan vụ kẹo rau củ Kera, vẫn có những người một mực tin tưởng vào thần tượng là Quang Linh Vlogs.

Theo các chuyên gia truyền thông, việc fan bênh vực Quang Linh Vlogs một cách mù quáng xuất phát từ sự yêu quý, song có thể gây ra hệ lụy, làm suy giảm niềm tin vào hệ thống pháp luật và khuyến khích thái độ thờ ơ với quy tắc xã hội.

Cảm xúc dường như lấn át lý trí trong những bình luận bênh vực nam TikToker còn cho thấy "la bàn đạo đức" của cộng đồng mạng dễ bị xáo trộn bởi cảm xúc, thông tin không đầy đủ, và ảnh hưởng của người nổi tiếng. "La bàn" này cần được xây dựng trên nền tảng vững chắc hơn.

Tình yêu thần tượng tạo ra sự dễ dãi?

Theo ông Lê Quốc Vinh, Tổng Giám đốc Le Group, việc cộng đồng mạng vẫn bênh vực, tiếc nuối cho Quang Linh Vlogs đơn giản là đang nhắc lại những hình ảnh tích cực mà họ từng trân trọng.

"Tuy nhiên, việc dùng những hình ảnh tốt đẹp trong quá khứ để phủ định các sai lầm mà cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra là một thái độ không đúng đắn", ông Vinh nhấn mạnh.

fan benh Quang Linh Vlogs anh 2

Ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh không thể lấy cái tốt ở quá khứ để bao biện cho sai lầm ở hiện tại. Ảnh: Đức Huy.

Việc một người từng làm điều tử tế không thể là lý do để miễn trừ cho mọi sai phạm, nhưng cũng không nên bị phủ định hoàn toàn những điều đã từng tốt đẹp chỉ vì một sai lầm.

"Một số người vẫn không quên hình ảnh của Quang Linh Vlogs đơn giản là một điều nhân văn. Tôi không tin vào thuyết âm mưu rằng có đội ngũ nào đó muốn làm truyền thông để dẫn dắt dư luận", ông Vinh nêu quan điểm.

Thực tế, pháp luật vẫn ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ dựa trên quá trình sống và cống hiến của bị cáo, như một biểu hiện của tinh thần nhân văn và sự công tâm trong xét xử.

Quang Linh Vlogs (Phạm Quang Linh, sinh năm 1997) là một idol trên mạng xã hội, trở thành hình mẫu được công chúng ngưỡng mộ với hành trình tại Angola, đất nước anh sang xuất khẩu lao động từ năm 19 tuổi.

Theo chuyên gia truyền thông Phan Lê Khôi, Giám đốc Marketing CTCP Bitexco JSC, khi dân mạng theo dõi Quang Linh qua mạng, họ thấy mình như đang tham gia vào hành trình của thần tượng, từ đó tạo thành mối liên kết tình cảm.

"Lý tưởng hóa thần tượng xảy ra khi fan gán cho họ những phẩm chất hoàn hảo, đôi khi vượt xa thực tế. Với Quang Linh Vlogs, những hoạt động thiện nguyện của anh có thể được xem như biểu tượng của lòng tốt, khiến fan bỏ qua hoặc không muốn tin vào những khuyết điểm hay sai phạm của anh. Bộ não con người cũng có xu hướng lọc thông tin tích cực và bỏ qua tiêu cực để duy trì hình ảnh đẹp về thần tượng", ông Khôi phân tích.

Ngoài ra, "Hiệu ứng hào quang" (Halo Effect) cũng khiến fan tin rằng người họ thần tượng tốt về mọi mặt. Với Quang Linh Vlogs, những đóng góp thiện nguyện có thể tạo "hào quang", che mờ các hành vi không phù hợp, dẫn đến việc fan lý tưởng hóa và giảm nhẹ lỗi lầm của anh.

"Tuy nhiên, việc fan coi vi phạm của thần tượng là 'lỗi lầm nhỏ' và tiếp tục ủng hộ có thể gửi đi thông điệp rằng hành vi xấu không cần chịu hậu quả nghiêm trọng, miễn là người đó có đóng góp tích cực trong quá khứ", ông Khôi nhấn mạnh.

fan benh Quang Linh Vlogs anh 3

Theo ông Khôi, việc fan bảo vệ Quang Linh Vlogs bất chấp có thể tạo tiền lệ nguy hiểm. Ảnh: NVCC.

Củng cố "la bàn đạo đức"

Theo ông Khôi, cộng đồng mạng không hẳn hoàn toàn thiếu "la bàn đạo đức", mà đúng hơn là "la bàn" này thường bị xáo trộn bởi cảm xúc, thông tin không đầy đủ, và ảnh hưởng của người nổi tiếng. Phản ứng của họ phụ thuộc vào cảm xúc, sự trung thành với thần tượng, và bối cảnh cá nhân.

Ví dụ, trong trường hợp Quang Linh Vlogs, một số người xem hành vi vi phạm của anh là không thể tha thứ, trong khi fan lại cho rằng những đóng góp thiện nguyện trước đây "đủ để bù đắp". Sự thiếu nhất quán này cho thấy cộng đồng mạng không áp dụng một tiêu chuẩn chung, mà thường bị chi phối bởi thiên kiến cá nhân hoặc đám đông.

fan benh Quang Linh Vlogs anh 4

Sự đánh giá của cộng đồng mạng trước sai phạm của người nổi tiếng cần dựa trên bằng chứng và lý lẽ cụ thể. Ảnh: Quang Linh Vlogs/Facebook.

Ông Khôi cho rằng mạng xã hội hoạt động như một "lò khuếch đại cảm xúc", nơi các phản ứng tức thời (phẫn nộ, bênh vực, thương cảm) dễ dàng lan truyền mà không qua suy xét kỹ lưỡng.

"La bàn đạo đức" của cộng đồng mạng cũng dễ bị bẻ cong bởi tâm lý đám đông hơn là dựa trên lý lẽ.

Sự thiếu nhất quán và thiên vị cho thấy cộng đồng mạng cần một nền tảng vững chắc hơn - có thể là sự minh bạch thông tin, giáo dục tư duy phản biện, hoặc cơ chế điều tiết dư luận - để định hướng đạo đức một cách công bằng và lý trí.

"Nếu không, 'la bàn' này sẽ tiếp tục lạc nhịp, dẫn đến những đánh giá lệch lạc và hậu quả khó lường”, ông Khôi nhận định.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cũng nhắc đến vai trò của báo chí trong việc định hướng công chúng.

Theo ông, báo chí chính thống có vai trò và trách nhiệm rất khác với mạng xã hội - nơi cá nhân ít chịu ràng buộc khi phát ngôn. Trách nhiệm của báo chí là "củng cố la bàn đạo đức" cho công chúng bằng cách đưa thông tin chính xác, được xác minh từ các nguồn chính thống như cơ quan điều tra, luật sư, hay các chuyên gia pháp lý.

Văn hóa "tẩy chay" văn minh

Sau khi Quang Linh Vlogs cùng Hằng Du Mục, hai đại diện của CER Group, bị bắt trong vụ kẹo rau củ Kera, nhiều dân mạng đặt câu hỏi có nên xây dựng "văn hóa tẩy chay" mạnh mẽ hơn để trừng phạt cái sai. Các chuyên gia cho rằng việc tẩy chay cũng là "con dao hai lưỡi", cần cẩn trọng.

Ông Phan Lê Khôi nhận định xây dựng một văn hóa tẩy chay mạnh mẽ hơn để không dung túng cho sai phạm của người nổi tiếng là một ý tưởng đáng cân nhắc, nhưng nó đi kèm cả lợi ích lẫn rủi ro.

Lợi ích có thể bao gồm tăng tính răn đe, củng cố công lý và trách nhiệm, bảo vệ giá trị xã hội.

"Tẩy chay giúp nhấn mạnh rằng danh tiếng hay đóng góp quá khứ không phải là 'tấm vé miễn trừ' cho hành vi sai trái. Nó thúc đẩy ý thức trách nhiệm cá nhân, đặc biệt trong kỷ nguyên mạng xã hội, nơi người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến công chúng. Văn hóa tẩy chay mạnh mẽ có thể bảo vệ các giá trị, tránh việc công chúng trở nên thờ ơ với cái sai", ông Khôi nói.

fan benh Quang Linh Vlogs anh 5

Việc "tẩy chay" đối với người nổi tiếng mắc sai phạm cũng cần có sự cân nhắc. Ảnh: Việt Linh.

Tuy nhiên, ông Khôi cũng đề cập đến các rủi ro khi xảy ra làn sóng tẩy chay triệt để như nguy cơ phán xét vội vàng, phản ứng thái quá và thiếu công bằng. Ngoài ra, nó có thể gây phân cực cộng đồng, làm sâu sắc sự chia rẽ giữa những người phản đối và ủng hộ thần tượng.

"Nếu tẩy chay quá quyết liệt, người vi phạm, dù là người nổi tiếng, có thể không còn cơ hội để nhận lỗi, sửa đổi và đóng góp tích cực trở lại. Một xã hội không khoan dung đôi khi đánh mất giá trị của sự tha thứ", ông Khôi nói thêm.

Ông Vinh cũng cảnh báo hiện nay, nhiều phong trào tẩy chay trên mạng xã hội đang bị dẫn dắt bởi cảm xúc hơn là lý trí. Chỉ cần một người có sức ảnh hưởng lên tiếng, hàng loạt người khác lập tức đồng thanh hưởng ứng, bất kể đúng sai.

Và khi sự thật được sáng tỏ, thiệt hại đã xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm cho những hậu quả đó. Đây là hệ lụy đáng lo ngại của một cộng đồng thiếu tỉnh táo trước áp lực đám đông.

Người công tâm là người sẵn sàng tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ, không để cảm xúc cá nhân chi phối hoàn toàn nhận định. Họ không vội vàng phủ nhận tất cả điều tích cực chỉ vì một sai lầm, cũng không dễ dãi xóa nhòa sai lầm chỉ vì một vài điểm sáng trong quá khứ. Sự công tâm đòi hỏi một cái nhìn cân bằng, dựa trên dữ kiện chứ không dựa trên cảm tính.

"Để có một xã hội công tâm, ta không nên dùng lý trí để nhìn nhận người khác. Quyền phán xét một sự vật, sự việc là quyền cá nhân của một con người. Việc kêu gọi, lôi kéo cộng đồng hành động theo cảm xúc có thể dẫn đến sự lệch lạc trong tư duy tập thể, khiến xã hội dần trở nên thụ động, ngại suy nghĩ, ngại phản biện", ông Vinh nói thêm.

Theo ông Khôi, thay vì chỉ tập trung xây dựng văn hóa tẩy chay mạnh mẽ, chúng ta có thể cân nhắc các cách tiếp cận cân bằng hơn:

- Tẩy chay có chọn lọc: Chỉ áp dụng tẩy chay khi sai phạm nghiêm trọng và được chứng minh rõ ràng, thay vì phản ứng với mọi lỗi lầm.

- Khuyến khích trách nhiệm cộng đồng: Người nổi tiếng cần bị áp lực từ công chúng để nhận lỗi và sửa đổi, thay vì chỉ bị loại bỏ hoàn toàn. Điều này vừa giữ được tính răn đe vừa mở đường cho sự cải thiện.

- Giáo dục tư duy phản biện: Thay vì để cộng đồng mạng hành động theo cảm xúc, cần nâng cao khả năng đánh giá thông tin và phân biệt đúng sai, giúp "la bàn đạo đức" hoạt động hiệu quả hơn.

'Thế hệ lo âu'

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.

Fan bênh vực Quang Linh Vlogs mù quáng?

Dù Quang Linh Vlogs đã lên tiếng thừa nhận lỗi lầm, nhiều người vẫn bênh vực, thể hiện sự ủng hộ nam YouTuber trên mạng xã hội.

Đào Phương - Minh Vũ

Bạn có thể quan tâm