Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thấy gì khi nhiều chuỗi phòng gym cao cấp đột ngột đóng cửa

Nhiều khách hàng giờ đây không còn mặn mà với những gói hội viên dài hạn. Xu thế tập luyện cũng ngày càng thay đổi với các bộ môn mới nổi.

Đầu tháng 9, chuỗi phòng tập thể dục Physical Fitness and Beauty ở Hong Kong (Trung Quốc) thông báo rằng sẽ đóng cửa sau 38 năm thành lập, với lý do cần phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.

Việc đóng cửa diễn ra sau khi Cơ quan quản lý quỹ dự phòng yêu cầu chuỗi phòng tập giải quyết khoảng 3 triệu HKD (384.600 USD) tiền nợ bảo hiểm xã hội của 740 nhân viên. Cơ quan quản lý lương hưu cảnh báo sẽ có hành động pháp lý nếu chuỗi phòng tập không thực hiện nghĩa vụ này.

chuoi phong gym anh 1

Chuỗi phòng tập Physical Fitness and Beauty ở Hong Kong đóng cửa.

Việc Physical Fitness and Beauty đột ngột đóng cửa sau đó đã dẫn đến hàng loạt đơn khiếu nại từ các khách hàng đã mua những gói tập của chuỗi phòng gym này. Phán quyết hôm 7/10 của Small Claims Tribunal (Tòa án xét xử các vụ kiện nhỏ) ở Hong Kong đã buộc chuỗi phòng tập phải bồi thường cho hai khách hàng số tiền 146.900 HKD (gần 19.000 USD). Những vụ kiện khác vẫn đang tiếp tục và số tiền bồi thường dự kiến tăng lên.

Sự sụp đổ của Physical Fitness and Beauty không đơn lẻ trong một ngành kinh doanh mà các thương hiệu thể hình cứ "đến rồi đi". Chủ phòng tập phải xoay xở với sự cạnh tranh gay gắt, tiền thuê mặt bằng tăng và những trào lưu tập luyện mới.

Đóng cửa ở khắp nơi

Chuỗi phòng tập ở Hong Kong đăng tải trên website của mình: "Mặc dù môi trường kinh tế của Hong Kong đã dần cải thiện kể từ đại dịch Covid-19 cách đây 4 năm, một số chủ nhà của một số chi nhánh vẫn duy trì giá thuê cao".

Trên website của mình, Physical Fitness and Beauty cho biết họ có tới 23 chi nhánh trên khắp Hong Kong, nhưng đến tháng 9 năm nay chỉ có 14 địa điểm được liệt kê.

Dấu hiệu rắc rối của chuỗi phòng tập này đã xuất hiện vào đầu tháng 9 sau khi cơ quan quản lý lương hưu yêu cầu công ty giải quyết khoảng 3 triệu HKD tiền bảo hiểm xã hội còn nợ của 740 nhân viên. Cơ quan chức năng cũng tiết lộ rằng có hai nhân viên đã nộp đơn khiếu nại về các khoản bảo hiểm xã hội chưa thanh toán vào tháng 7 và tháng 8.

chuoi phong gym anh 2

Physical Fitness and Beauty đóng cửa vì khó khăn tài chính.

Physical Fitness and Beauty không phải là chuỗi phòng tập thể hình lớn duy nhất gặp khó khăn về tài chính trong năm nay.

Hồi tháng 8, ba công ty liên kết với chuỗi phòng tập thể dục nổi tiếng Pure Fitness đã bị chủ mặt bằng cáo buộc không trả tiền thuê và phí quản lý cho một chi nhánh tại Admiralty. Trong một tuyên bố, Pure cho biết họ đã có "các cuộc thảo luận với chủ nhà trong vài tháng qua" khi thúc đẩy việc xem xét lại giá thuê trong cái mà họ gọi là "chu kỳ kinh tế đầy thách thức".

Còn tại Mỹ, Blink Fitness, chuỗi phòng tập giá rẻ với mức phí thành viên hàng tháng 15-45 USD, đã nộp đơn xin phá sản vào cuối tháng 8 và cho biết có thể đóng cửa một số chi nhánh không xác định trong số 101 phòng tập của mình.

Blink Fitness thuộc sở hữu của chuỗi phòng tập thể dục sang trọng Equinox và chủ yếu có mặt tại các thành phố và vùng ngoại ô ở New York, New Jersey, California và Texas. Chuỗi phòng tập này có hơn 400.000 hội viên.

Năm ngoái, nhiều phòng gym ở Singapore cũng thông báo đóng cửa. Fenix ​​Fitness đóng cửa vào tháng 8, trong khi UFC Gym và Haus Athletics ngừng hoạt động vào tháng 5.

Xu hướng cứ "đến rồi đi"

Bên cạnh những khó khăn như về tài chính (giá thuê mặt bằng, chi phí vận hành...) hay sự cạnh tranh giữa các chuỗi, các doanh nghiệp trong ngành này còn bị chi phối theo trào lưu thể dục được thúc đẩy bởi mạng xã hội.

Ví dụ, CrossFit và tập luyện chức năng đã trở nên phổ biến hơn vì các chuyên gia thể hình chia sẻ nhiều nội dung như vậy hơn trên mạng xã hội, Wilson Low, chủ sở hữu phòng tập thể dục F45 Training (Singapore), cho biết.

Còn Wu Simin, người sáng lập Algorhythm - phòng tập đạp xe trong nhà tại Bukit Timah (Singapore), nói rằng trong khi yoga, gym từng là "thời thượng" cách đây nhiều năm thì pilates đang rất "bùng nổ".

Bà nói thêm rằng khách hàng cũng có thể có những mục tiêu thể dục thay đổi, chẳng hạn như cải thiện sự linh hoạt, sức bền hoặc sức mạnh. Điều đó có nghĩa là họ có thể thích tập trung vào các loại bài tập cụ thể theo từng giai đoạn khác nhau.

Ông Tan, huấn luyện viên ở Singapore, cho biết việc các thương hiệu mới được ưa chuộng hơn là điều bình thường vì khách hàng có thể cảm thấy nhàm chán và muốn có sự đa dạng. Nhưng ông lưu ý rằng thị phần chỉ có hạn. Cung cấp các bài tập luyện mới nhất nghe có vẻ hấp dẫn nhưng không ai có thể dự đoán được xu hướng đó sẽ kéo dài được bao lâu.

Ngoài ra, hiện nay khách hàng thích các trung tâm thể dục tính phí theo tháng. "Kể cả khi đóng cửa, số tiền mất nhiều nhất cũng chỉ là phí hàng tháng. Khi bạn phải trả trước 20.000-30.000 HKD (2.600-3.900 USD), bạn sẽ mất toàn bộ nếu nó ngừng hoạt động", một người trong ngành yêu cầu giấu tên nói với SCMP.

Khách hàng nên làm gì?

Các chủ phòng tập cho biết những gói thành viên dài hạn 6 tháng, một năm hoặc thậm chí hai năm là cách để doanh nghiệp "giữ chân" khách hàng và dòng tiền.

Các gói này thường cung cấp mức giá rẻ hơn cho mỗi buổi hoặc các đặc quyền khác. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro cho khách hàng nếu phòng tập đóng cửa, giống như các gói thành viên tương tự trong những ngành tiêu dùng khác.

Theo huấn luyện viên Tan, thường có một số dấu hiệu cảnh báo khi phòng tập sắp đóng cửa.

Ví dụ, khách hàng có thể không còn được phép mua các gói dịch vụ nữa. Phòng tập cũng có thể tuyên bố rằng một số chi nhánh của họ đã ngừng hoạt động, ông nói thêm.

chuoi phong gym anh 3

Xu hướng, nhu cầu tập luyện thay đổi qua từng năm.

Vậy có cách nào để người tiêu dùng giảm thiểu những rủi ro như vậy không?

Chia Huai Yuan, đối tác tại công ty luật Dentons Rodyk & Davidson ở Singapore, cho biết điều quan trọng là khách hàng phải cân nhắc xem sẽ mất bao lâu để sử dụng hết các buổi tập trả trước trước khi quyết định đăng ký một gói dịch vụ.

"Khách hàng cũng có thể muốn xem xét thành tựu của công ty và tìm hiểu thông tin về công ty trước khi quyết định mua bất kỳ sản phẩm nào", ông nói, đồng thời lưu ý rằng việc sa thải nhân viên có thể là dấu hiệu cho thấy phòng tập đang không hoạt động tốt.

Alvin Tan Yong Joon, đối tác tại Rajah & Tann ở Singapore, cho biết nếu số tiền trả trước là "đáng kể", khách hàng cũng có thể tìm kiếm tình trạng phá sản doanh nghiệp trực tuyến để xác nhận rằng công ty chưa nhận được lệnh giải thể.

Luật sư cho biết khách hàng nên giữ hóa đơn, biên lai thanh toán và hồ sơ tập, những thứ này sẽ trở thành bằng chứng trong trường hợp họ yêu cầu hoàn lại tiền khi phòng tập đóng cửa.

"Nếu công ty giải thể, những khách hàng này sẽ cần phải nộp bằng chứng nợ cho bên thanh lý để được trả lại số tiền đó", ông Tan nói.

Tại Hong Kong, Hội đồng người tiêu dùng cảnh báo mọi người rằng việc trả trước luôn có rủi ro, vì vậy nên suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra quyết định mua những thứ như gói tập dài hạn.

"Đồng thời, người tiêu dùng cũng nên lưu giữ cẩn thận tất cả hồ sơ có liên quan và thông tin quan trọng như báo giá, hợp đồng hoặc biên lai. Điều này sẽ giúp cung cấp bằng chứng trong trường hợp có bất kỳ tranh cãi nào phát sinh ở tương lai", hội đồng đưa ra lời khuyên.

Vừa mua gói tập 50 triệu đồng, khách ngỡ ngàng vì Fit24 'tạm' đóng cửa

Trước thông báo tạm dừng hoạt động đột ngột của chuỗi phòng gym Fit24, nhiều hội viên ở TP.HCM bất ngờ, lo lắng về quyền lợi bản thân và lịch trình tập luyện.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Lê Vy

Ảnh: SCMP

Bạn có thể quan tâm