Clip ghi lại cảnh người phụ nữ họ Li (41 tuổi, sống tại Lang Phường, tỉnh Hà Bắc) bắt quả tang chồng ngoại tình đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Cụ thể, ngày 26/6, Li chặn chiếc xe chồng cô đang chở nhân tình lại ngay trên phố, liên tục chửi mắng người chồng đang ngồi ở ghế lái.
Vụ đánh ghen trên phố
"Chừng nào tôi còn giữ giấy chứng nhận kết hôn của chúng ta, cô ta chỉ là nhân tình thôi. Anh thật không biết xấu hổ khi đưa cô ta vào khách sạn dù tôi hay tin", Li hét lên.
Người phụ nữ cũng bắt đầu đấm vào cửa kính ôtô, yêu cầu cả hai ra khỏi xe, thu hút sự quan tâm của đám đông trên phố. Sau đó, cô tìm thấy một viên gạch, dùng nó đập vỡ cửa kính xe và đe dọa cặp đôi nếu họ không ra ngoài.
Đám đông vây quanh người phụ nữ chửi mắng chồng và nhân tình trên phố. Ảnh: Toutiao. |
"Đừng làm đau tay cô", một người đứng xem nói với Li, nhiều người xung quanh cũng lên tiếng cổ vũ. Theo một nhân chứng, Li đã đi theo chồng và người tình từ một thị trấn gần đó. Cuối cùng, cảnh sát xuất hiện và đưa cả 3 về nơi tạm giam.
Trong một buổi phát trực tiếp ngày 29/6, Li cho biết bản thân đã mất bình tĩnh sau khi chồng từ chối đi cùng cô.
"Lẽ ra anh ta phải về nhà với tôi khi tôi đã bắt quả tang như vậy nhưng lại nhất quyết bỏ đi với người tình. Nếu anh ta giải thích và trấn an tôi, tôi đã không làm ra cảnh tượng đó trên đường phố".
Người phụ nữ cũng cho hay chồng cô đã thất nghiệp hơn 6 tháng nay và tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng của cả hai đã cạn kiệt.
"Nếu ly hôn với anh ta bây giờ, điều đó có nghĩa là tôi sẽ chẳng còn lại gì sau 10 năm chung sống. Ngoài ra, thủ tục ly hôn ngày càng khó khăn. Tôi đã bị trói buộc với người đàn ông này", cô nói.
Phụ nữ không được giải thoát
Theo SCMP, sự việc này là cách phản kháng của nhiều người phụ nữ khi không thể ly hôn chồng vì quy định "30 ngày hòa giải".
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Trung Quốc, khoảng 9,5 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2020, trong khi số cặp ly hôn là khoảng 4,2 triệu.
Đối mặt với tỷ lệ chia tay tăng chóng mặt, vào năm 2021, nước này ban hành quy định các cặp vợ chồng phải trải qua thời gian hòa giải kéo dài 30 ngày trước khi hoàn tất thủ tục chấm dứt hôn nhân.
Theo thống kê của chính phủ được công bố mới đây, quy định này dường như đã phát huy tác dụng với sự ghi nhận số hồ sơ ly hôn giảm mạnh vào năm 2021.
Trung Quốc ban hành quy định "30 ngày hòa giải" từ đầu năm 2021 để giảm số vụ ly hôn. Ảnh: VCG. |
Nhiều quan chức coi đây là một thành công trong kế hoạch phát triển gia đình và hạn chế khủng hoảng nhân.
Dù đem lại hiệu quả như mong đợi từ các nhà chức trách, dư luận Trung Quốc lại có phản ứng trái chiều đối với điều luật mới này.
Nhiều người lo ngại khoảng thời gian 30 ngày hòa giải sẽ hạn chế quyền tự do ly hôn, hoặc đẩy nạn nhân bạo lực gia đình vào nguy hiểm. Nhiều người lại cảm thấy bất mãn, coi đây như sự can thiệp vào quyền tự do hôn nhân. Họ không thể chia tay nếu chồng bạo hành, lừa dối, ngoại tình.
Li Xue, một nhân viên văn phòng đến từ Thượng Hải, vừa hoàn tất thủ tục ly dị. Cô hối hận vì không nộp đơn lên tòa sớm hơn khi cuộc hôn nhân bắt đầu rạn nứt.
"Ước gì tôi đã quyết định chia tay chồng cũ trước khi quy định '30 ngày hòa giải' được ban hành. Cá nhân tôi thấy giờ rất khó để ly hôn, vì thế những ai chưa kết hôn nên suy nghĩ thận trọng về chuyện này", cô nói.
Li Xue nói thêm rằng quá trình nộp đơn lên tòa án cũng không hề đơn giản. Người trình hồ sơ phải đi cùng bạn đời tới yêu cầu ly hôn, và phải "bắt đầu lại từ con số 0" nếu nửa kia hủy đơn.
"Thậm chí, bạn thường không được chấp nhận ở lần đệ đơn đầu tiên. Tòa chỉ tiếp nhận hồ sơ nếu vợ chồng bạn tiếp tục yêu cầu lần 2", cô kể.
Luật sư hôn nhân Wu Jiezhen đến từ Quảng Châu cho biết chính phủ Trung Quốc đã dừng công bố số liệu về các vụ ly dị có liên quan tới pháp lý từ năm 2017.
Theo đó, cơ quan dân sự chỉ thống kê số liệu từ các vụ ly hôn có sự đồng thuận từ 2 phía, hoặc những trường hợp không ra tòa.
"Vì vậy, dữ liệu từ các cơ quan dân sự chưa cho thấy toàn cảnh", luật sư Wu nói.
Trong khi nhiều chính quyền địa phương khẳng định biện pháp "30 ngày hòa giải" đang phát huy hiệu quả "rất tốt", nhà tâm lý học Huang Jing cho biết nó không đem lại lợi ích về mặt tinh thần.
"Đối với các nhà hoạch định chính sách, mục đích của biện pháp này là duy trì sự ổn định. Họ không để tâm tới hạnh phúc của từng cá nhân. Cố gắng hàn gắn một cuộc hôn nhân đã đổ vỡ không khiến nỗi đau được chữa lành", cô Huang nhận xét.