Rửa sạch mặt, đắp mặt nạ dưỡng ẩm chứa tinh chất ốc sên trên nền nhạc sôi động của nhóm nhạc nữ BlackPink. Thưởng thức cơm trộn vào bữa trưa và mở phim của đạo diễn kiêm biên kịch Bong Joon-ho - "cha đẻ" Parasite (2019). Hay đắm chìm cảm xúc trong series kinh dị All Of Us Are Dead (2022) cùng món gà sốt cay và một chai soju dâu tây vào buổi tối.
Đó là thói quen hàng ngày của rất nhiều người trẻ trên toàn thế giới dù chưa từng đặt chân đến nơi sản sinh ra những văn hóa này.
"Đổ bộ" mọi lĩnh vực
Việc các thành viên BTS bị triệu tập tham gia nghĩa vụ quân sự không làm giảm sức hút toàn cầu của văn hóa Hàn Quốc. Bằng chứng là Kpop hiện thường xuyên đứng đầu các bảng xếp hạng ở Mỹ và Anh, với nhóm nhạc nữ Twice giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng album của Mỹ.
Thế rồi, 3 năm sau khi Squid Game (2021) trở thành chương trình được xem nhiều nhất từ trước đến nay của Netflix, 4 năm sau khi Parasite - bộ phim không nói tiếng Anh - giành giải Oscar cho hạng mục phim hay nhất, sự bùng nổ văn hóa Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Các hãng phim phương Tây đang tiếp tục bàn luận về "cơn sốt vàng" Hàn Quốc. Netflix gần đây đã công bố đầu tư 2,5 tỷ USD vào các dự án phim của Hàn Quốc trong 4 năm tới, trước hết là Squid Game mùa 2.
Disney và Apple TV+ cũng tích cực phát sóng nhiều chương trình Hàn Quốc. "Mọi người đều muốn có một phần nội dung Hàn Quốc. Văn hóa của xứ sở kim chi đã phổ biến khắp châu Á suốt 20 năm, nhưng thực tế giờ đây, nó có thể lan tỏa trên toàn thế giới. Đó là một điều mới mẻ", một giám đốc điều hành của Disney chia sẻ với Hollywood Reporter.
Những hiện tượng văn hóa Hàn Quốc toàn cầu. Ảnh: Netflix/Lester Cohen/WireImage/CQ. |
BBC cũng không bỏ lỡ thời cơ. Vào tháng 2, CBBC và BBC iPlayer đã ra mắt Gangnam Project - series dành cho lứa tuổi mới lớn nhằm vén màn bức tranh về ngôi sao Kpop.
Bà Sarah Muller, người đứng đầu bộ phận vận hành và mua lại các chương trình dành cho trẻ 7-12 tuổi của BBC, nhấn mạnh: “Hàn Quốc đang là trung tâm hiện đại của thế giới sáng tạo”.
Giờ đây, Hàn Quốc không chỉ lan tỏa những thể loại văn hóa lâu năm như nhạc pop, truyền hình và điện ảnh mà còn khẳng định sức ảnh hưởng đối với lĩnh vực tương đối mới như sắc đẹp, thời trang, ẩm thực và văn học.
Gần đây, du khách quốc tế đã đổ xô đến khu phố Myeong-dong (Seoul) để mua số lượng lớn mỹ phẩm từ các thương hiệu làm đẹp nổi tiếng. Chúng chinh phục tín đồ làm đẹp nhờ dưỡng chất tự nhiên và đặc biệt không gây kích ứng, Straits Research báo cáo.
Các sản phẩm này là một phần của thị trường K-beauty toàn cầu, ước tính trị giá 18,32 tỷ USD vào năm 2030.
Soju, kimchi... là những nét ẩm thực đặc trưng của Hàn Quốc. Ảnh: Unsplash. |
Ẩm thực Hàn Quốc cũng chứng kiến sự thay đổi chóng mặt.
Chẳng hạn, xúc xích tẩm bột ngô của Hàn đã trở thành một trong những món ăn đường phố được săn lùng nhiều nhất ở Mỹ những năm qua. Trong khi đó, siêu thị ở Anh thường xuyên dự trữ kim chi hay các đầu bếp nêm nếm hương vị món ăn bằng gochujang (tương ớt truyền thống Hàn Quốc). Một bộ phận khác thì say mê soju - loại rượu được chưng cất từ ngũ cốc lên men.
Làn sóng Hàn Quốc còn kéo theo sự quan tâm ngày càng tăng của bạn bè quốc tế trong việc học tiếng Hàn. Điều này đã thúc đẩy chính phủ mở rộng số lớp thuộc Viện King Sejong, một cơ quan giáo dục ngôn ngữ Hàn Quốc do chính phủ tài trợ, từ 244 lên 270 lớp.
Tín hiệu trên khiến giáo sư Inkyu Kang tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) dự đoán "điều lớn lao" tiếp theo sẽ xảy ra đối với văn học. "Năng lực kể chuyện của Hàn Quốc đã được thể hiện qua phim điện ảnh, phim truyền hình dài tập và webtoon. Tuy nhiên, dù được biết đến ngày càng nhiều, văn học Hàn Quốc vẫn chưa nhận được sự công nhận xứng đáng”, ông nhận định.
"Song kiếm hợp bích"
Văn hóa được "xuất khẩu" toàn cầu đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế lớn thứ 5 châu Á hiện nay. Cụ thể, nó đạt mức 12,4 tỷ USD vào năm 2021 - cao hơn doanh thu từ các thiết bị điện tử gia dụng và xe điện.
Một ví dụ điển hình là nhóm nhạc BTS có thể mang về 3,67 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm về xuất khẩu, tiêu dùng và du lịch nội địa, theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hyundai vào năm 2019.
Tất cả những điều trên có được là nhờ đất nước này đã đi một chặng đường dài chỉ trong vài thập kỷ.
Dù đã lột xác nhờ bước ngoặt Thế vận hội Seoul 1988, Hàn Quốc vào đầu thế kỷ này vẫn chủ yếu được biết đến ở nước ngoài nhờ ôtô, đồ điện tử tiêu dùng. Nhưng giờ đây, làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) dâng cao đã củng cố vị thế đất nước như một siêu cường văn hóa.
Hiện tượng này đã phát triển cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng chú ý của Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ. “Làn sóng Hallyu là niềm kiêu hãnh mới của người Hàn Quốc”, ông Kang bày tỏ.
Thành phố Busan. Ảnh: @matt.james.ph. |
Một số người coi sự phát triển văn hóa Hàn Quốc là sứ mệnh do chính phủ lãnh đạo. Nhà nước Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc biến bản sắc văn hóa thành một "mặt hàng xuất khẩu".
Tuy nhiên, những người khác lại coi đó là nỗ lực phối hợp hiệu quả giữa công và tư. “Thành công vang dội toàn cầu của làn sóng Hàn Quốc đương nhiên là kết quả của những nỗ lực ở khu vực tư nhân, nhưng chính phủ gián tiếp hỗ trợ sự lan rộng của làn sóng này bằng cách tạo nền tảng vững chắc để khu vực tư nhân giải phóng khả năng sáng tạo của mình", người phát ngôn của bộ phận hợp tác nội dung Hallyu thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết.
Bộ hoạt động như một tổ chức bảo trợ các cơ quan định hình chính sách quảng cáo và sáng tạo, được hỗ trợ hàng nghìn tỷ won bởi chính phủ.
Nhờ đó, một thế hệ sáng tạo nội dung mới đã được nuôi dưỡng thông qua việc giải phóng doanh nghiệp tư nhân bằng các khoản vay, giảm thuế và đầu tư vào các tổ chức, bao gồm Học viện Nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc, Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc và Liên hoan phim Quốc tế Busan.
Nhiều nhà cung cấp nội dung ở Hàn Quốc là những công ty khởi nghiệp nhỏ, hoạt động độc lập trong lĩnh vực xuất bản, âm nhạc, trò chơi điện tử, phát thanh truyền hình, phim và hoạt hình, nhưng họ đã "cộng sinh" với các tập đoàn lớn, có mối quan hệ truyền thống chặt chẽ với chính trị gia cấp cao. Trong đó, Lotte và Orix là 2 cái tên tiêu biểu.
Vì thế, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi từ sự hào phóng của chính phủ. Theo hãng tin Yonhap, họ đã nhận được 790 tỷ won (593 triệu USD) vào năm ngoái để tăng cường "xuất khẩu" nội dung văn hóa Hàn Quốc.
Mặt tối
Việc xem Hallyu như một dự án quốc gia được ấp ủ trong các văn phòng chính phủ đã bỏ qua bản chất của thương hiệu Hàn Quốc.
John Lie, giáo sư xã hội học tại Đại học California (Mỹ), đồng thời là tác giả cuốn sách K-pop: Economic Innovation, cho biết: “Sẽ là sai lầm nếu coi làn sóng Hàn Quốc là sản phẩm của các doanh nghiệp được chính phủ hoạch định từ trên xuống. Một khi phim truyền hình và nhạc pop trở nên phổ biến, chính phủ sẵn lòng hỗ trợ bằng các biện pháp như giảm thuế, quảng bá văn hóa đại chúng thông qua Bộ ngoại giao cũng như đại sứ quán Hàn Quốc và dần công nhận chúng".
Itaewon là điểm vui chơi nổi tiếng với cả giới trẻ trong nước lẫn du khách, người nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc. Ảnh: UPI. |
Trong khi các đời chính phủ vui vẻ hợp tác với làn sóng Hallyu, giáo sư Kang đề cập nguyên tắc chỉ đạo của Tổng thống thứ 8 Hàn Quốc Kim Dae-jung trong những năm 1990 và 2000 là biến văn hóa thành một nền công nghiệp “hỗ trợ nhưng không can thiệp”.
“Nghe có vẻ hoài nghi, nhưng điều tốt nhất mà chính phủ Hàn Quốc đã làm là để yên cho những nhà sáng tạo”, ông nói.
Thực tế, mối quan hệ giữa chính phủ và một số người "cầm cờ" văn hóa của Hàn Quốc không phải lúc nào cũng ôn hòa. “Nguồn tài trợ đôi khi không được phân bổ công bằng và minh bạch", giáo sư Kang nói, đồng thời tiết lộ từ năm 2008-2017, chính quyền bảo thủ đã đưa các ca sĩ, diễn viên, nhà văn và nhà làm phim vào danh sách đen với lý do chính trị.
Các mục tiêu bao gồm đạo diễn kiêm biên kịch Bong Joon-ho, nam chính Parasite Song Kang-ho, nhà sản xuất Squid Game Hwang Dong-hyuk và đạo diễn Park Chan-wook nổi tiếng với bộ phim The Handmaiden.
Hallyu đôi khi cũng bộc lộ mặt tối làm dấy lên câu hỏi về thái độ của người Hàn Quốc đối với sức khỏe tinh thần, tấn công và bạo hành tình dục, đặc biệt ở phụ nữ.
Làn sóng Hallyu được phen rung chuyển bởi một loạt bê bối và các vụ tự tử chấn động - gần đây nhất là Lee Sun-kyun, diễn viên trong Parasite. Chưa hết, bệnh dịch quay lén (spycam epidemic hay molka spycam) cũng là một vấn nạn tại Hàn. Từ người thường đến ngôi sao Kpop đều có thể trở thành nạn nhân của sự khinh thường phụ nữ tràn lan ngành công nghiệp giải trí nước này.
Myeong-dong được ví như thiên đường mua sắm, từng đông đúc, nhộn nhịp nhờ khách du lịch. Ảnh: Korea Herald. |
Trớ trêu thay, K-pop hiện là một hoạt động mang tầm quốc tế. "K-pop có sự phân công lao động rộng rãi toàn cầu, từ các nhà soạn nhạc Thụy Điển, nhà thiết kế thời trang người Ý cho đến biên đạo múa người Mỹ”, giáo sư John Lie nói.
Ngành công nghiệp này đã sử dụng các thể loại âm nhạc quốc tế dễ nhận biết - chẳng hạn như R&B và hip hop - và truyền vào chúng những "đặc điểm Hàn Quốc", từ phong cách pha trộn giữa nam và nữ của thành viên nhóm nhạc nam cho đến việc tránh các chủ đề gây tranh cãi như tình dục và bạo lực.
Ngoài ra, những nghệ sĩ thành công nhất Kpop từ lâu đã biểu diễn các phiên bản ngôn ngữ khác nhau của cùng một bài hát. Đây là cách tiếp cận giúp Jungkook của BTS vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ và bảng xếp hạng đĩa đơn ở Anh khi nam ca sĩ phát hành đĩa đơn Seven (2023).
Thêm vào đó, một ban nhạc Kpop không chỉ toàn là người Hàn Quốc. Ví dụ, NTC có 6 thành viên người Nhật hay WayV có các thành viên là người Trung Quốc, Thái Lan.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.