Vào một buổi chiều mưa thứ ba, Yejin đang nấu ăn cùng bạn bè tới chơi tại căn hộ của mình ở ngoại ô Seoul.
Trong khi cùng ăn, một người mở điện thoại và đưa cho các bạn xem meme nổi tiếng về một con khủng long hoạt hình. “Hãy cẩn thận”, con khủng long nói. “Đừng để mình bị tuyệt chủng như chúng tôi”.
Tất cả đều cười.
“Thật hài hước, nhưng cũng buồn nữa, bởi chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể đang gây ra sự tuyệt chủng của chính mình”, Yejin chia sẻ. Cô gái 30 tuổi và đang sống độc thân này là một nhà sản xuất truyền hình.
Cả Yejin và những người bạn trong bữa ăn vui vẻ này đều không có ý định sinh con. Họ là một phần của cộng đồng phụ nữ ngày càng lớn lựa chọn cuộc sống không có con, theo BBC.
Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và tiếp tục sụt giảm mạnh, tự đánh bại kỷ lục đáng kinh ngạc của chính mình để “tạo đáy mới” từ năm này sang năm khác.
Số liệu mới nhất được công bố hôm 28/2 cho thấy tỷ lệ sinh ở xứ sở kim chi giảm thêm 8% vào năm 2023 xuống còn 0,72, theo Yonhap.
Tỷ lệ này đề cập đến số con mà một phụ nữ dự kiến có trong cuộc đời. Để dân số giữ ổn định, con số đó phải là 2,1.
Nếu tiếp tục đà này, dân số Hàn Quốc ước tính giảm một nửa vào năm 2100.
“Tình trạng khẩn cấp quốc gia”
Trên toàn cầu, các nước phát triển đều đang chứng kiến tỷ lệ sinh suy giảm, nhưng không nước nào ở mức cực đoan như Hàn Quốc.
Những dự đoán về những năm tới còn đáng ngại hơn.
Trong 50 năm tới, số người trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc sẽ giảm một nửa, số người đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc sẽ giảm 58% và gần một nửa dân số sẽ trên 65 tuổi.
Tình trạng đó đe dọa lớn tới nền kinh tế, quỹ lương hưu và an ninh của đất nước đến mức các chính trị gia đã tuyên bố đây là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.
Trong gần 20 năm, các chính quyền không ngừng đổ tiền vào vấn đề này - chính xác là 379.800 tỷ KRW (tương đương 286 tỷ USD).
Các cặp vợ chồng có con được tặng thưởng tiền mặt, từ trợ cấp hàng tháng cho đến trợ cấp nhà ở và đi taxi miễn phí. Hóa đơn bệnh viện và thậm chí cả phương pháp điều trị IVF đều được chính quyền chi trả, mặc dù chỉ dành cho những người đã kết hôn.
Các nhà hoạch định chính sách được cho là chưa đủ lắng nghe giới trẻ - đặc biệt là phụ nữ - về nhu cầu của họ. |
Những biện phát kích thích bằng tài chính như vậy chưa phát huy tác dụng, khiến các nhà hoạch định chính sách nước này không ngừng “vắt óc” tìm kiếm các giải pháp “sáng tạo” hơn, như thuê bảo mẫu từ Đông Nam Á, đồng thời miễn nghĩa vụ quân sự cho nam giới nếu đẻ ba đứa con trước tuổi 30.
Các nhà hoạch định chính sách được cho là chưa đủ lắng nghe giới trẻ - đặc biệt là phụ nữ - về nhu cầu của họ. Lý do thực sự đằng sau quyết định không sinh con của phụ nữ chưa được thấu hiểu.
Đối với Yejin, khi quyết định sống độc thân ở độ tuổi ngoài 20, cô đã bất chấp các chuẩn mực xã hội - ở Hàn Quốc, cuộc sống độc thân phần lớn được coi là một giai đoạn tạm thời trong cuộc đời mỗi người.
Năm 25 tuổi, cô quyết định không kết hôn và không sinh con.
“Thật khó để tìm được một người đàn ông để hẹn hò ở Hàn Quốc - một người sẽ chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái một cách bình đẳng”, Yejin nói, “Và những phụ nữ sinh con đơn thân bị định kiến là không tử tế”.
Năm 2022, chỉ có 2% ca sinh ở Hàn Quốc diễn ra ngoài hôn nhân.
Vòng quay công việc bất tận
Thay vào đó, Yejin đã chọn tập trung vào sự nghiệp truyền hình, công việc mà cô cho rằng dù sao cũng không cho phép cô có thời gian để nghĩ tới chuyện sinh con. Hàn Quốc vốn nổi tiếng với câu chuyện cường độ làm việc khắc nghiệt.
Yejin làm công việc với giờ giấc truyền thống (tức 9-6 ở Hàn Quốc, và tương đương với 9-5 trên thế giới). Tuy nhiên, cô cho biết bản thân thường không rời văn phòng cho đến 20h, đôi khi còn trễ hơn chưa kể những kiểu làm thêm giờ khác. Khi về đến nhà, cô chỉ có thời gian dọn dẹp nhà cửa hoặc tập thể dục trước khi đi ngủ.
“Tôi yêu công việc của mình. Công việc khiến tôi cảm thấy được sống trọn vẹn. Nhưng làm việc ở Hàn Quốc rất vất vả, bạn bị mắc kẹt trong một vòng quay công việc không ngừng nghỉ”, cô trải lòng.
Yejin cho biết cô cũng chịu áp lực phải học thêm trong thời gian rảnh rỗi để làm tốt hơn công việc của mình.
“Người Hàn Quốc có suy nghĩ rằng nếu bạn không liên tục nỗ lực hoàn thiện bản thân, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau và trở thành một người thất bại kém cỏi. Nỗi sợ hãi này khiến chúng tôi phải làm việc chăm chỉ gấp đôi”, cô bộc bạch.
“Đôi khi vào cuối tuần, tôi phải đi truyền dịch tĩnh mạch, chỉ để có đủ năng lượng quay lại làm việc vào thứ hai”, cô chia sẻ một cách thản nhiên, như thể đây là một hoạt động cuối tuần khá bình thường.
Yejin cũng có chung nỗi sợ hãi với nhiều phụ nữ khác - rằng nếu nghỉ việc để sinh con, cô có thể không quay lại với sự nghiệp được nữa.
Cô nói: “Có một áp lực ngầm từ các công ty là khi chúng tôi có con, chúng tôi phải nghỉ việc”. Yejin đã chứng kiến chuyện đó xảy ra với em gái mình và hai người dẫn chương trình tin tức yêu thích của cô.
Một phụ nữ 28 tuổi làm việc trong bộ phận nhân sự (HR) cho biết cô từng chứng kiến nhiều người bị buộc phải rời bỏ công việc hoặc không được thăng chức sau khi nghỉ thai sản, và cô quyết định không bao giờ sinh con.
Cả nam giới và phụ nữ đều được quyền nghỉ phép một năm trong 8 năm đầu đời của con. Nhưng vào năm 2022, chỉ có 7% những người mới làm cha sử dụng một phần thời gian nghỉ phép của mình, so với 70% những người mới làm mẹ.
“Tôi đã biết quá nhiều”
Stella Shin, giáo viên tiếng Anh 39 tuổi, chia sẻ rằng cuộc sống của cô không cho phép cô có con.
Stella Shin không sinh con nhưng không phải vì không muốn. |
Phụ nữ Hàn Quốc có trình độ học vấn cao nhất trong các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), song nước này lại có sự chênh lệch lương theo giới tính tồi tệ nhất và tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp cao hơn mức trung bình so với nam giới.
Các nhà nghiên cứu nói rằng điều này chứng tỏ phụ nữ đang phải đánh đổi giữa việc có sự nghiệp hoặc có gia đình. Càng ngày họ càng lựa chọn nghề nghiệp nhiều hơn.
Stella dạy học cho trẻ con. Ở tuổi 39, cô không có con của riêng mình. Và đó không phải là một lựa chọn chủ động, cô cho hay.
Cô đã kết hôn được 6 năm, cả cô và chồng đều mong muốn có một đứa con nhưng quá bận rộn làm việc. Bây giờ, Stella đã chấp nhận rằng cuộc sống hiện tại khiến việc có con với gia đình cô là “không thể”.
“Người mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc con toàn thời gian trong 2 năm đầu, điều này khiến tôi rất nản”, cô nói. “Tôi yêu sự nghiệp của mình và muốn chăm sóc bản thân”.
Thời gian rảnh rỗi, Stella tham gia các lớp học nhảy K-pop với một bạn nữ.
Ở Hàn Quốc, nhiều người coi việc phụ nữ nghỉ làm việc 2-3 năm khi sinh con là điều đương nhiên. Dù theo luật, đàn ông cũng có quyền nghỉ chăm con tương tự nhưng không mấy phụ nữ cho rằng có thể trông cậy được người bạn đời của họ trong việc này.
Đối với Stella, ngay cả khi cô muốn từ bỏ công việc, hay cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, cô cho biết bản thân không thể đủ khả năng vì chi phí nhà ở quá cao.
Hơn một nửa dân số Hàn Quốc tập trung trong hoặc xung quanh thủ đô Seoul, khiến nhà ở trở thành vấn đề lớn. Vợ chồng Stella ngày càng bị đẩy xa khỏi thủ đô, đến các tỉnh lân cận mà vẫn không thể mua được chỗ ở cho riêng mình.
Tỷ lệ sinh ở Seoul đã giảm xuống 0,55 - mức thấp nhất cả nước.
Ngoài nhà ở, các cặp đôi còn vấn đề chi phí giáo dục.
Từ 4 tuổi, trẻ em đã phải chạy đua trong một loạt các lớp học ngoại khóa đắt tiền - từ toán, tiếng Anh, âm nhạc và Taekwondo.
Việc này phổ biến đến mức từ chối tham gia được coi là khiến con bạn thất bại, một khái niệm không thể tưởng tượng được ở đất nước mà học sinh cạnh tranh khắc nghiệt như Hàn Quốc. Điều đó đã khiến nước này trở thành quốc gia đắt đỏ nhất trên thế giới trong chi phí nuôi dạy một đứa trẻ.
Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy chỉ 2% phụ huynh không chi tiền học thêm cho con, trong khi 94% phải gồng gánh gánh nặng tài chính này.
Là giáo viên tại một trong những trường luyện thi kiểu đó, Stella hiểu rất rõ gánh nặng này. Cô chứng kiến các bậc cha mẹ chi tới 890 USD cho con mỗi tháng, nhiều người trong số họ không đủ khả năng chi trả.
“Nhưng nếu không đến những lớp học này, bọn trẻ sẽ bị bỏ lại phía sau”, Stella nói. “Khi ở cạnh bọn trẻ, tôi cũng muốn có một đứa con, nhưng tôi đã biết quá nhiều”.
Không muốn đi vào vết xe cũ
“Minji” muốn chia sẻ câu chuyện của mình nhưng không nêu cụ thể danh tính. Cô chưa sẵn sàng để cha mẹ biết rằng mình sẽ không sinh con.
“Họ sẽ rất sốc và thất vọng” cô nói, từ thành phố ven biển Busan, nơi cô sống cùng chồng.
Minji tâm sự tuổi thơ và những năm 20 tuổi của cô không hạnh phúc.
Cô nói: “Tôi đã dành cả cuộc đời để học tập, đầu tiên là để vào được một trường đại học tốt, sau đó là tham gia kỳ thi công chức và có được công việc đầu tiên ở tuổi 28”.
Cô nhớ lại những năm tháng tuổi thơ phải ngồi trong lớp đến tận khuya, nhồi nhét môn toán - môn mà cô rất ghét và kém - trong khi mơ ước trở thành một nghệ sĩ.
“Tôi đã phải cạnh tranh không ngừng nghỉ, không phải để đạt được ước mơ của mình mà chỉ để sống một cuộc sống tầm thường. Thật mệt mỏi”.
Trẻ em Hàn Quốc phải cạnh tranh quá gay gắt trong học tập. |
Chỉ đến bây giờ, ở tuổi 32, Minji mới cảm thấy tự do và có thể tận hưởng cuộc đời mình. Cô thích đi du lịch và đang học lặn.
Tuy nhiên, điều khiến cô suy nghĩ nhiều nhất là bản thân không muốn đặt một đứa trẻ vào cuộc đua khắc nghiệt giống như cô đã trải qua.
Minji kết luận: “Hàn Quốc không phải là nơi trẻ em có thể sống hạnh phúc”.
Chồng cô muốn có một đứa con và cặp đôi thường xuyên tranh cãi về điều đó, nhưng anh đã dần chấp nhận mong muốn của cô.
Một hiện tượng xã hội đáng buồn
Ở thành phố Daejon, Jungyeon Chun đang sống trong cái mà cô gọi là “cuộc hôn nhân đơn thân nuôi dạy con cái”.
Sau khi đón cô con gái 7 tuổi và cậu con trai 4 tuổi ở trường, cô quẩn quanh các sân chơi gần đó, chờ đợi hàng giờ cho đến khi chồng đi làm về. Anh ấy hiếm khi về nhà trước giờ đi ngủ.
Cô nói: “Tôi không suy xét gì nhiều khi quyết định sinh con, tôi nghĩ mình sẽ có thể trở lại làm việc nhanh chóng”.
Nhưng chẳng bao lâu sau, áp lực xã hội và tài chính ập đến, và cô thấy mình chẳng khác gì đang nuôi dạy con một mình. Chồng cô, một công chức, không giúp đỡ việc chăm sóc con cái hay việc nhà.
“Tôi cảm thấy rất tức giận”, cô nói. “Tôi đã được giáo dục tốt và được dạy rằng nam nữ đều bình đẳng nên tôi không thể chấp nhận điều này”.
Jungyeon nói rằng cô rất buồn khi phụ nữ không thể thực hiện quyền làm mẹ kỳ diệu vì thực trạng này. |
Trong 50 năm qua, nền kinh tế Hàn Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt, thúc đẩy phụ nữ lên vị trí cao hơn trong giáo dục và công việc, đồng thời mở rộng tham vọng của họ, nhưng vai trò làm vợ và làm mẹ của họ vẫn bị ấn định theo truyền thống xưa cũ.
Chán nản, Jungyeon bắt đầu quan sát những người mẹ khác. “Một cô bạn của tôi nuôi con nhỏ và cô ấy cũng bị trầm cảm, người phụ nữ tôi quen sống bên kia đường cũng bị trầm cảm… Đây là một hiện tượng xã hội", Jungyeon cho hay.
Dù có chồng, Jungyeon khẳng định rằng cô đang trong cuộc hôn nhân đơn thân nuôi dạy con cái.
Jungyeon khẳng định rằng cô đang trong cuộc hôn nhân đơn thân nuôi dạy con cái. |
Cô bắt đầu vẽ những trải nghiệm của mình và đăng lên mạng. “Những câu chuyện tuôn ra ào ạt”, cô nói. Webtoon của cô đã thành công rực rỡ, được phụ nữ trên khắp đất nước quan tâm và Jungyeon hiện là tác giả của ba cuốn truyện tranh đã xuất bản.
Hiện cô đã qua giai đoạn giận dữ và tiếc nuối. Cô nói: “Tôi chỉ ước mình biết nhiều hơn về thực tế nuôi dạy con cái và những gì các bà mẹ phải làm”.
“Lý do phụ nữ hiện nay không có con là vì họ đủ can đảm để nói về điều đó”.
Nhưng Jungyeon rất buồn, cô nói, vì phụ nữ đang bị cự tuyệt quyền làm mẹ kỳ diệu vì thực trạng mà họ bị đẩy vào.
Trong khi đó, Minji nói rằng cô rất biết ơn vì được tự quyết định cuộc sống của mình.
“Chúng ta là thế hệ đầu tiên được lựa chọn”, cô trải lòng.
“Tôi sẽ sinh 10 đứa con nếu có thể”
Trở lại căn hộ của Yejin, sau bữa ăn, bạn bè của cô đang tranh cãi về sách và đồ đạc khác trong căn hộ của cô.
Mệt mỏi với cuộc sống ở Hàn Quốc, Yejin đã quyết định sẽ sang New Zealand. Một buổi sáng cô thức dậy và chợt nhận ra rằng không ai buộc cô phải sống ở đây.
Cô đã nghiên cứu những quốc gia nào được xếp hạng cao về bình đẳng giới và New Zealand đã nổi lên là điểm sáng rõ rệt nhất. “Đó là nơi mà nam giới và phụ nữ được trả lương bình đẳng” cô nói, “Vậy nên tôi nghỉ việc”.
Khi Yejin và những người bạn của cô được hỏi rằng liệu có điều gì có thể khiến họ thay đổi quyết định không sinh con hay không, một vài câu trả lời khá gây bất ngờ.
Một cô gái có tên Minsung nói rằng “Tôi muốn có con. Tôi sẽ sinh 10 đứa con nếu có thể”.
Vậy điều gì cản đường Minsung?
Cô gái 27 tuổi này là một người song tính và đang có người yêu đồng giới.
Minsung và bạn đời đồng giới không thể có con bởi họ không thể dùng tinh trùng hiến tặng. |
Hôn nhân đồng giới là bất hợp pháp ở Hàn Quốc và phụ nữ chưa kết hôn thường không được phép sử dụng tinh trùng của người hiến tặng để thụ thai.
Minsung nói: “Hy vọng một ngày nào đó điều này sẽ thay đổi, tôi sẽ có thể kết hôn và sinh con với người mình yêu”.
Nhóm bạn của Yejin chỉ ra điều trớ trêu là trước tình hình nhân khẩu học bấp bênh của Hàn Quốc, một số phụ nữ muốn làm mẹ lại không được phép.
Tuy nhiên, có vẻ như các nhà hoạch định chính sách nước này đang dần chấp nhận mức độ sâu rộng và phức tạp của cuộc khủng hoảng.
Trong tháng này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thừa nhận rằng những nỗ lực tìm cách thoát khỏi vấn đề “đã không hiệu quả” và “sự cạnh tranh ở Hàn Quốc quá mức và không cần thiết”.
Ông cho biết chính phủ giờ đây sẽ coi tỷ lệ sinh thấp là một “vấn đề mang tính cấu trúc”.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.