Tặng vé số cho mọi đồ uống, mở quán trong quần thể chùa hay sáng tạo không giới hạn với những món nước độc lạ như Americano giấm, latte bạch tuộc, cà phê tàu hũ... - đây chỉ là một vài chiến lược được các quán cà phê nhỏ lẻ, không có thương hiệu sử dụng để khẳng định chất riêng giữa hơn 190.000 quán cà phê ở Trung Quốc.
Thách thức chưa dừng lại ở đó khi 10 thương hiệu cà phê hàng đầu đang chiếm 23% thị trường xét về số cửa hàng. Từ đây, các chuyên gia trong ngành lưu ý rằng những quán không có quy mô, nguồn vốn và lợi thế thương hiệu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để sinh tồn và phát triển.
"Đây sẽ là cuộc chiến khốc liệt. Sau khi quán tôi khai trương, 5 quán khác được mở liên tiếp ở tòa nhà văn phòng đối diện", Liang, chủ quán Qianqian Coffee ở tỉnh Quảng Đông, bày tỏ trước viễn cảnh kinh doanh ảm đạm.
"Phản ứng hóa học"
Theo công ty chứng khoán Zheshang Securities, cà phê mới xay là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường đồ uống pha sẵn của Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 38% từ năm 2017 đến năm 2022. Riêng năm 2022, phân khúc này có giá trị hơn 130 tỷ nhân dân tệ (18 tỷ USD), chiếm 32% tổng thị trường. Dự báo của ngành công nghiệp đồ uống cho thấy nó có thể đạt hơn 190 tỷ nhân dân tệ vào năm 2024.
Việc mở rộng được thúc đẩy bởi các chuỗi cà phê lớn như Luckin Coffee, Starbucks và Cotti Coffee, lần lượt có 18.272, 7.818 và 6.889 cửa hàng trên toàn quốc. Điều này biến Trung Quốc trở thành thị trường cà phê thương hiệu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, không gian cho các quán cà phê nhỏ lẻ tiếp tục bị thu hẹp. Bằng chứng là thị phần của các thương hiệu có ít hơn 10 cửa hàng giảm 5% từ 2020-2022, theo Zheshang Securities. Tính đến ngày 8/4, mặc dù Trung Quốc đã bổ sung 51.144 cửa hàng trong năm qua nhưng gần 38.000 cửa hàng phải đóng cửa trong cùng kỳ.
Việc tặng vé số cho khách hàng mua cà phê mang lại hiệu quả ngay lập tức. Ảnh: Liang/Sixth Tone. |
Để tạo được chỗ đứng trong ngành công nghiệp đầy cạnh tranh này, sự đổi mới là tất yếu đối với chủ quán cà phê nhỏ lẻ. Các chuyên gia và nhà phân tích nhấn mạnh rằng việc tạo ra trải nghiệm độc đáo tại cửa hàng, nâng cao dịch vụ và duy trì cà phê chất lượng cao là điều cần thiết để xây dựng lòng trung thành của khách hàng.
Trong đó, một số quán đặt cược vào vận may bằng cách phục vụ combo cà phê và vé số. Sự kết hợp này đã đem lại thành công cho Qianqian Coffee (Quảng Đông), Xi Coffee (Thành Đô) và Luck Come True Coffee (Hồ Bắc) trong việc thu hút tệp khách hàng trẻ tuổi - những người "mê mẩn" cảm giác chiến thắng lớn dù cơ hội rất mong manh.
Liang và vợ khai trương Qianqian Coffee vào tháng 3/2023 - đúng lúc một số đối thủ cạnh tranh mới, bao gồm Luckin Coffee và các quán cà phê nhỏ, "mọc lên" trong khu vực lân cận.
Dữ liệu cho thấy Quảng Đông là nơi có nhiều quán cà phê nhất Trung Quốc, với hơn 31.000 quán và riêng Phật Sơn đã có 3.579. Đối mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt, Liang quyết định áp dụng mô hình cà phê vé số cho quán của mình. Mỗi ly cà phê có giá 20-22 nhân dân tệ đã bao gồm vé số China Sports trị giá 2 nhân dân tệ.
Một mô hình cà phê xổ số độc đáo. Ảnh: Bloomberg. |
Nhờ vậy, doanh thu cửa hàng tăng gần gấp đôi, đồng thời tăng lượng cà phê bán ra từ khoảng 30-50 cốc lên 60-80 cốc. Liang tin rằng điểm hấp dẫn nằm ở cảm giác hồi hộp khi đặt cược vào "canh bạc", mặc dù giải thưởng lớn nhất trong số những tấm vé tặng kèm cho đến nay chỉ khoảng 900 nhân dân tệ.
“Mua một cốc cà phê và có cơ hội trúng giải thưởng trị giá một triệu nhân dân tệ là mánh lới quảng cáo có ích. Mọi người thưởng thức cà phê và ôm hy vọng, dù biết rằng cơ hội rất mong manh nhưng ai cũng có ước mơ", Liang bày tỏ.
Tuy nhiên, việc bán vé số trong quán cà phê có những thách thức đáng kể, bao gồm quy trình đăng ký phức tạp.
Đối với Qianqian Coffee, việc nhận được chứng chỉ đại lý bán hàng từ trung tâm xổ số thể thao địa phương mất khoảng hai tháng, cộng thêm tiền đặt cọc khoảng 1.000 nhân dân tệ cho thiết bị. Hơn nữa, quán của Liang phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về địa điểm, chẳng hạn như tránh ở gần trường học hoặc các cửa hàng xổ số hiện có.
Sau cùng, Liang tin rằng sự kết hợp giữa cà phê và xổ số đã tạo ra một "phản ứng hóa học" mạnh mẽ, trở thành mô hình phổ biến đối với nhiều người hơn trong tương lai.
Đi cà phê như... đi chùa
Nắm bắt thị hiếu thích đi chùa của người trẻ Trung Quốc, một số người đã mở quán cà phê ngay trong chùa Phật giáo hoặc Đạo giáo truyền thống. Theo Trip.com, lượng đặt chỗ tại các đền, chùa và địa điểm tôn giáo nói chung đã tăng 310% trong tháng 2/2023 - gần một nửa nhu cầu đến từ người sinh vào những năm 1990, 2000.
Phổ biến nhất phải kể đến Cibei Coffee - quán cà phê có tên mang nghĩa "lòng từ bi", được đặt tại chùa Yongfu (Hàng Châu) và Jianfo Coffee, nghĩa là "gặp Đức Phật" và nằm ở chùa Longxing gần đó. Cả hai đều mang các yếu tố văn hóa truyền thống vào trong tên gọi, kiến trúc và đồ uống.
Một quán cà phê khác tên là Zhuhe Coffee - "tre và sếu" - nằm ở khu danh lam thắng cảnh núi Võ Đang (Hồ Bắc) và đang góp phần lan tỏa tinh thần cà phê tôn giáo đến người trẻ.
Đồ uống tại Zhuhe Coffee. Ảnh: Li Chunyang/Sixth Tone. |
Li Chunyang (25 tuổi, chủ quán) nói với Sixth Tone rằng mình được truyền cảm hứng bởi Cibei Coffee: "Giới trẻ Trung Quốc ít hối hả và quan tâm nhiều hơn đến việc xoa dịu tinh thần. Họ cũng chuộng cà phê hơn người lớn tuổi - những người chỉ thích dùng trà truyền thống. Do đó, ở khu thắng cảnh tập trung nhiều tín đồ Đạo giáo này, tôi muốn tạo ra một nơi mà mọi người có thể thư giãn, nghỉ ngơi, thay vì đến cúng bái rồi ra về như mọi ngôi chùa khác".
Tại Zhuhe Coffee, các hình tượng Đạo giáo như sếu và thái cực quyền xuất hiện trong trang trí nội thất và nghệ thuật pha chế. Quán còn sử dụng những tách trà tinh tế để phục vụ cà phê, đồng thời đưa các loại thảo mộc từ y học cổ truyền Trung Quốc vào hỗn hợp cà phê đặc biệt của mình.
"Sau thời gian sinh sống ở Bắc Kinh và Vũ Hán, tôi nhận ra việc kinh doanh cà phê ở những thành phố lớn đi vào ngõ cụt vì cạnh tranh quá khốc liệt. Nhưng mọi thứ ở đây thì khác - tôi mở quán trên núi, khả năng cao là toàn bộ khu vực núi Võ Đang này sẽ không có cửa hàng tương tự", Li nói.
Dẫu vậy, quán của Li đến nay vẫn trong giai đoạn chạy thử, với doanh thu trung bình hàng tháng khoảng 30.000 nhân dân tệ. Li cho biết doanh số bán hàng cao nhất vào cuối tuần và ngày lễ; lợi nhuận ròng hàng ngày đôi khi vượt quá 2.000 nhân dân tệ.
Vươn ra ngoại thành
Một số quán cà phê đang rời khỏi các thành phố để tiến vào vùng nông thôn Trung Quốc, nơi cuộc đua kinh doanh ít khốc liệt hơn.
Sau khi nghỉ việc ở cơ quan nhà nước vào tháng 9 năm ngoái, Zhao Qian quyết định mở quán cà phê đầu tiên dọc theo con đường nông thôn tuyệt đẹp ở huyện Jingxian, tỉnh An Huy.
Không có bất kỳ đồ trang trí nào, quán cà phê của Zhao được xây dựng trong một chuồng bò cải tạo bao quanh bởi đồng lúa, cho phép khách hàng thưởng thức cà phê giữa khung cảnh thiên nhiên bạt ngàn.
“Chúng tôi không có nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể - bất kỳ ai cũng có thể đến", Zhao, người đã đặt tên cho quán cà phê là “The Universe is a Granary” để thể hiện đúng tinh thần cô mong muốn, chia sẻ.
Quán cà phê nằm giữa cánh đồng của Zhao Qian. Ảnh: Zhao Qian/Sixth Tone. |
Kết quả là quán đã thu hút cả khách du lịch lẫn người dân địa phương, kể cả những người không quen uống cà phê chỉ trong vòng sáu tháng tính từ khi mở cửa. “Chúng tôi kiếm được tổng cộng khoảng 200.000 nhân dân tệ. Nhiều người nghi ngờ về con số này nhưng sự thật là quán chúng tôi đã hoạt động rất tốt”, Zhao cho biết. Tuy nhiên, cô vẫn không thể chủ quan mà phải cố gắng nâng cấp dịch vụ hơn nữa để cạnh tranh với những quán gần đó.
Nhìn nhận những trường hợp điển hình trên, Zhu Danpeng, nhà phân tích trong ngành thực phẩm, giải thích rằng không gian dành cho quán cà phê nhỏ lẻ tương đối hạn chế trong thị trường cà phê Trung Quốc phát triển mạnh hiện nay.
“Thị trường cà phê Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn bị chi phối bởi thương hiệu, quy mô sản xuất và lòng trung thành của khách hàng đối với các thương hiệu cụ thể. Mặc dù có những điểm độc đáo, khả năng tồn tại của những quán nhỏ lẻ chưa có lợi thế cạnh tranh sẽ tương đối thấp, vì những chiến lược mới lạ ấy dễ bị sao chép, bắt chước", ông băn khoăn.
Tuy nhiên, Zhu tin rằng các cửa hàng nhỏ vẫn có cơ hội thành công nhờ linh hoạt đổi mới. “Bất kể loại hình đổi mới nào, nó đều phải được hỗ trợ bởi chất lượng đảm bảo, kịch bản đổi mới, hệ thống dịch vụ nâng cao và lòng trung thành của khách hàng - đây là bốn trụ cột quan trọng”, chuyên gia kết luận.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.