Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo đặc biệt ở trường Nguyễn Đình Chiểu

Thầy Phạm Đình Thắng dành tâm huyết dạy dỗ, chia sẻ cho các em học sinh khiếm thị tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) trong suốt 28 năm, dù ông không nhìn thấy gì.

Thầy Phạm Đình Thắng (sinh 1938, Hai Bà Trưng, Hà Nội) lớn lên trong gia đình có truyền thống làm giáo dục. Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp Sư phạm của ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 1960, ông tình nguyện lên vùng cao Lạng Sơn giảng dạy theo tiếng gọi "đâu cần thanh niên có, việc gì khó, có thanh niên". 27 năm công tác tại tỉnh giáp biên giới phía Bắc, người thầy già đã dốc hết tâm huyết để đem cái chữ đến với nhiều thế hệ học trò. Năm 1987, ông về công tác tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.
Do bị cận thị nặng và sức khỏe yếu từ nhỏ, ông Thắng gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Thời gian làm việc tại Lạng Sơn, ông nhiều lần lên núi vận động bà con và bị ngã liên tục. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, những người làm công tác giảng dạy tại đây đều vất vả đưa học sinh di tản. Ông tâm sự, nếu được lựa chọn lại một lần nữa, ông vẫn xung phong đi dạy học ở vùng cao. "Nỗi buồn được sẻ chia sẽ vơi đi một nửa, niềm vui được nhân lên. Với tôi, hạnh phúc nhất là được đứng trên bục giảng, nói chuyện với học trò", thầy Thắng tâm sự trong căn phòng chưa đầy 20 m2 tại trường Nguyễn Đình Chiểu.

Thần đồng Việt đặt mục tiêu gì cho năm học mới?

Nguyễn Dương Kim Hảo sẽ hoàn thiện máy giúp người dùng tiết kiệm điện. Đỗ Nhật Nam mong muốn có nhiều giải thưởng hơn nữa trong năm học mới.

28 năm ở mái trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy Thắng gắn bó với công tác giảng dạy và đã có hơn 10 năm phụ trách khu ký túc xá, công việc hàng ngày luôn bận rộn như người chăm con mọn. Ông tự học chữ nổi, tìm những tấm gương nghị lực kể với các em học sinh. Nhiều năm tháng qua, đã có bao mảnh đời bất hạnh được thầy chăm sóc, vun tưới để trưởng thành, là những bông hoa đẹp, người có ích cho xã hội.

“Điều quan trọng nhất là phải làm thế nào để có thể xóa đi mặc cảm tự ti, giúp các em có niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Thực tế đã có nhiều học sinh của tôi trưởng thành, như thủ khoa Đại học Sư phạm Đào Thu Hương (một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2010), hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Vân...; hay đơn giản là những em dù khuyết tật nhưng vẫn có công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc với tiếng cười trẻ thơ“, thầy Thắng tự hào, nói.
Bà Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình chiểu cho biết: "Đối với học sinh, thầy Thắng coi như con em mình, chăm sóc từng giây phút. Chúng tôi rất quý trọng thầy vì những cống hiến của ông cho mái trường Nguyễn Đình Chiểu và sẽ chăm sóc thầy đến suốt cuộc đời".

Mặc cảm với bệnh tật theo mình từ bé, thầy Thắng đã không nghĩ chuyện lập gia đình, và đến giờ ông vẫn sống một mình. Nơi thầy sinh hoạt là căn phòng nhỏ được trường Nguyễn Đình Chiểu bố trí ngay ở Phòng quản lý nội trú của trường. “Mắt tôi như thế, tôi chẳng dám nghĩ đến hạnh phúc riêng mình vì không muốn làm gánh nặng cho người khác. Tôi cũng quen chịu đựng một mình rồi. Được về chăm sóc các em học sinh khiếm thị, tôi thấy mình vẫn còn may mắn lắm", người thầy già tâm sự.
Không gia đình riêng, thầy Thắng dành hết tình thương cho đám học trò khiếm thị. Tuổi nghỉ hưu đã qua 18 năm nhưng giáo viên ấy vẫn ở đây đảm nhiệm công việc của người thầy. Suốt 28 năm, thầy luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, luôn lắng nghe mọi tâm sự và chỉ dẫn cho lớp lớp học trò.

Trong một dịp về thăm lại mái trường tại Lạng Sơn, ông gặp nhiều học trò cũ. Có người giờ làm chức vụ lãnh đạo lớn trong huyện, tỉnh, một số người khác làm công tác giáo dục. "Sau nhiều năm gặp lại, tình cảm mọi người dành cho nhau vẫn vẹn nguyên, chúng tôi ôn lại những câu chuyện cũ rồi ôm trầm lấy nhau", ông nghẹn ngào nói.
Ban giám hiệu nhà trường và thầy Thắng cho biết, trong những năm gần đây, nhiều tổ chức phi chính phủ đển hỗ trợ công tác giảng dạy, học tiếng Anh, ngôn ngữ và cách sinh hoạt cho trẻ em khiếm thị. "Chúng tôi tận dụng tối đa sự hỗ trợ giúp đỡ từ bên ngoài để giúp các em phát triển như người bình thường", thầy Thắng nói.
Mô hình nhà trường được làm bằng tăm và xốp do các tình nguyện viên quốc tế đến công tác tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu làm tặng ông. Những kỷ vật quý luôn được ông giữ gìn trân trọng và cẩn thận.

50 năm với bao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ông nhận được nhiều giấy, bằng khen. "Lúc nào tôi cũng sẵn sàng cho sự ra đi mà có con cháu đâu để lưu giữ lại bằng giấy khen này.  Tôi chỉ mong sao sống thật khỏe để người ta vẫn sử dụng ông lão 77 tuổi cho sự nghiệp giáo dục đến giây phút cuối cùng", ông tâm sự. 
Giờ đây, thầy Thắng vẫn trăn trở rằng, làm sao để những người khiếm thị không còn bị xã hội xa lánh: “Người ta nói đến mù lòa là nghĩ đến xoa bóp, vót tăm, bán hàng rong, ăn xin... Tôi và các đồng nghiệp, các bạn tình nguyện trẻ ở trường Nguyễn Đình Chiểu đang muốn chứng minh rằng, nếu được quan tâm, giảng dạy đúng cách, các em khiếm thị vẫn có thể học hành tốt và  thành công trong cuộc sống”. Công việc còn nhiều bộn bề, năm nay đã 77 tuổi, mong muốn duy nhất của thầy Thắng là sức khỏe để được cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho những học sinh  thân yêu của mình. Mắt thầy nay đã nhòe lắm, nhưng trái tim và tấm lòng của ông vẫn luôn rộng mở. Vòng tay thầy luôn nắm chắc để chở che, giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn bởi tâm nguyện bao năm nay của thầy: “hạnh phúc chính là được sẻ chia.”

Ký ức ngày khai trường của dàn hot teen Việt

Bật khóc trong ngày đầu đi học, hạnh phúc khi khoác lên mình chiếc áo dài trắng... là những kỷ niệm khó quên của dàn hot teen Việt khi nhớ về ngày khai trường.

Lê Hiếu

Bạn có thể quan tâm