THẦY GIÁO ĐỊA LÝ VÀ ĐỘI KÈN TÍ HON Ở SÀI GÒN
18 năm nay, thầy Nguyễn Minh Hoàng (trường THCS Võ Thành Trang, quận Tân Phú, TP.HCM) dốc lòng xây dựng, phát triển đội nhạc kèn thiếu nhi với số lượng thành viên kỷ lục.
Chiều chủ nhật cuối tháng 10, trong khi hầu hết trường học đều đóng cửa cho học sinh nghỉ cuối tuần, THCS Võ Thành Trang (quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn tấp nập học sinh ra vào.
Từ cổng, người ta có thể nghe thấy những khúc nhạc hòa tấu sôi động với đủ bè phối, như thể đang có dàn nhạc chuyên nghiệp trình diễn trong buổi lễ. Tuy nhiên, đằng sau cánh cổng ấy, những người tạo nên thanh âm rộn ràng lại là “nhạc công” nhí, học sinh của trường.
Đây chính là buổi tập luyện của gần một trăm thành viên đội nhạc kèn Võ Thành Trang, do thầy Nguyễn Minh Hoàng (Tổng phụ trách đội của trường) sáng lập.
Đội nhạc kèn đặc biệt
Choáng ngợp có lẽ là cảm xúc của nhiều người khi bước vào phòng truyền thống của trường THCS Võ Thành Trang. Đây cũng là nơi làm việc của thầy Hoàng cùng các thành viên đội nhạc kèn.
Sự ấn tượng không chỉ đến từ tờ giấy khen, bằng khen, huân chương, cờ lưu niệm về thành tích của đội được treo kín trên tường. Nơi này còn cất giữ hàng trăm nhạc cụ, không khác gì căn phòng của nhạc viện. Đó là thành quả mà thầy Hoàng cùng học sinh nhiều thế hệ cố gắng trong suốt 18 năm qua.
Ý tưởng thành lập đội nhạc kèn đến với thầy Hoàng khá tình cờ. 18 năm trước, anh là giáo sinh mới ra trường, được điều chuyển công tác về trường THCS Võ Thành Trang, phụ trách bộ môn Địa lý.
Biết thầy Hoàng từng là đoàn viên hoạt động sôi nổi, trong khi các hoạt động phong trào của trường thời ấy chưa mạnh, hiệu trưởng đã giao cho giáo viên này phụ trách phát triển công tác Đội một năm. Thầy Hoàng vui vẻ nhận nhiệm vụ.
“Lúc ấy, trường không có sân chơi nào vừa bổ ích, vừa khiến cho phụ huynh tôn trọng để học sinh giải trí sau những giờ học tập căng thẳng. Suy nghĩ mãi, cuối cùng, tôi nảy ý tưởng thành lập đội nhạc kèn”, thầy tâm sự.
Năm 2001, đội nhạc kèn Võ Thành Trang ra đời, với “vốn liếng” ban đầu chỉ là 5 cây trumpet cùng một vài cái trống cũ mượn từ Nhà thiếu nhi quận Tân Bình (thời điểm đó quận Tân Phú còn là một phần của quận Tân Bình).
Chỉ với vài nhạc cụ đơn giản, thầy Hoàng và đám học trò đã mò mẫm, tập luyện dù cả thầy lẫn trò đều không có chuyên môn về âm nhạc. Sau 6 tháng luyện ròng rã, đội tập xong bài nhạc đầu tiên là “Tiến quân ca” để trình diễn trong lễ chào cờ.
Bài nhạc đầu tiên đội kèn của thầy Hoàng chơi là "Tiến quân ca", được cử hành trong lễ chào cờ đầu tuần của trường, thay cho việc phát băng như trước. Đến nay, đó là hoạt động truyền thống của THCS Võ Thành Trang. |
Lần đầu tiên, bài Quốc ca trong lễ chào cờ ở trường Võ Thành Trang vang lên bằng âm nhạc sống động của đội nhạc kèn, gây ấn tượng với toàn trường. Từ đó, hiệu trưởng động viên thầy Hoàng duy trì đội kèn và nhiệt tình hỗ trợ để có thêm nhạc cụ.
Cũng từ đó, đội nhạc kèn ngày càng phát triển, từ 5-10 thành viên ban đầu lên 40-50 người, và đến nay, ổn định với khoảng 100 em mỗi năm. Từ vài nhạc cụ đơn giản, đội có đủ loại trong bộ hơi như trumpet, corner, flute, piccolo, saxophone alto, clarinet, baritone, hoặc bộ gõ bass, snare, snore, tom, rototum, symbal, tamborin…
Đội đã biểu diễn thành thạo hơn 150 bài nhạc kèn, gồm thể loại như nhạc nghi lễ, truyền thống cách mạng, dân ca các miền, cổ điển giao hưởng, nhạc thiếu nhi…
Đủ loại nhạc cụ trong bộ hơi và bộ gõ được các em trong đội nhạc kèn sử dụng thành thạo. |
Ngôi nhà thứ hai
Trong đội nhạc kèn, thầy Hoàng được các em nhỏ trìu mến gọi là “tía Hoàng”. Căn phòng truyền thống của trường cũng được đặt tên "second home" - ngôi nhà thứ hai. Điều này không phải ngẫu nhiên, bởi các em không chỉ được dạy thổi kèn, đánh trống, mà còn được quan tâm, chăm sóc như con em trong nhà.
“Thầy luôn giúp đỡ tụi em về học tập. Mỗi khi trong gia đình tụi em có chuyện, thầy là người đầu tiên hỏi han và quan tâm”, Nguyễn Thế Nam, sinh viên năm thứ ba Đại học Luật TP.HCM, cựu thành viên đội nhạc kèn Võ Thành Trang, tâm sự.
Chân dung "tía Hoàng" cùng những hình ảnh rất ngộ được các em trong đội nhạc kèn tặng. |
Để có được sự kết nối bền chặt như vậy giữa thầy và trò, có lẽ, yếu tố quan trọng nhất chính là lịch sinh hoạt và tập luyện gắn bó suốt cả tuần. Giờ ra chơi buổi sáng thứ hai, thầy Hoàng tổ chức cuộc họp cả đội để phổ biến “lịch công tác” cho các em.
“Mình cần định hướng cho tụi nhỏ biết sắp xếp kế hoạch làm việc trong một tuần. Nếu không, các em rất dễ bị mất phương hướng”, giáo viên dạy Địa lý nói.
Thời gian tập kèn cũng được thầy Hoàng ấn định tuần 4 buổi. Tuy nhiên, vì đam mê âm nhạc và sự gắn kết với đội, các em tự rủ nhau tập thêm vào nhiều thời điểm trong ngày, ngoài giờ học. Sẽ không khó bắt gặp hình ảnh thành viên trong đội tự rủ nhau tập vào giờ ra chơi hoặc nghỉ trưa.
“Em rất thích chơi kèn clarinet, mỗi lần vào đội được tập với các anh chị vui lắm”, Phạm Nguyễn Tuấn Kiệt, học sinh lớp 7/2, thành viên đội nhạc kèn đã 2 năm nay, chia sẻ.
Mỗi thế hệ của đội được thầy Hoàng đặt tên theo công thức “F + số thứ tự”, bắt đầu từ thế hệ F1 đầu tiên cho đến lứa mới nhất là F18. Nhiều em ở thế hệ trước, dù đã ra trường lâu, vẫn thường xuyên quay về phụ giúp thầy huấn luyện em nhỏ.
Nguyễn Thế Nam (sinh viên năm thứ ba) và Hồ Ngọc Phương Trinh (lớp 12) hiện nằm trong ban huấn luyện, hàng tuần đều tham gia đào tạo các thế hệ học sinh mới. Họ đã xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai, với nhiều kỷ niệm đẹp.
Những người đã ra trường vẫn quay về phụ giúp thầy Hoàng huấn luyện các em nhỏ. Các thành viên trong Ban huấn luyện còn tổ chức sinh nhật, xem nhau như người thân trong gia đình. |
“Mình thổi kèn hay nhưng phải học giỏi người ta mới nể”
Để có được sự tin tưởng của phụ huynh, thầy Hoàng luôn giúp học sinh giữ thành tích học tập tốt. Ý thức được việc tham gia đội kèn sẽ tốn thời gian, trong khi ở độ tuổi này, việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu với học trò, thầy luôn động viên, khích lệ các em học tập thật tốt vào mỗi buổi họp toàn đội và thưởng cho bạn nào có thành tích tốt.
Đặc biệt, thầy Hoàng còn tổ chức lớp phụ đạo kiến thức vào buổi tối cho thành viên trong đội, mời giáo viên trong trường hoặc chuyên viên của Phòng GD&ĐT quận Tân Phú. Họ là bạn của thầy, vì cảm mến học sinh trong đội nên tình nguyện trích thời gian buổi tối đến trường dạy miễn phí hoặc với mức thù lao tượng trưng.
“Mình muốn tạo nên mô hình giáo dục đào tạo toàn diện, các em vào đội không chỉ tập kèn, trống mà còn được học kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, sau này lớn lên trở thành người có ích cho xã hội”, thầy Hoàng bộc bạch.
Lớp học phụ đạo môn Văn vào buổi tối, sau giờ tập, cho các thành viên đội nhạc kèn do thầy Hoàng tổ chức, mời giáo viên trong trường giảng dạy. |
Nếu như trước đây, kinh phí mua những loại nhạc cụ đắt đỏ này đến từ nhà trường, ủy ban, nguồn thu từ những lần đi diễn của đội, thì giờ đây, phần lớn nhạc cụ được đầu tư bởi chính phụ huynh. Thấy đám trẻ mê nhạc, lại học tập tốt, thay vì thưởng cho các em điện thoại, máy tính bảng, cha mẹ tặng cây kèn, cái trống.
Suốt 18 năm nay, để duy trì và phát triển đội nhạc kèn, thầy Hoàng phải hy sinh cuộc sống cá nhân. Ngoài hai đứa con ở nhà, thầy còn cả trăm người con khác trong trường.
Đôi lúc, giáo viên này cũng “chạnh lòng, vì chỉ có thể tập kèn khi trường nghỉ, rồi lễ Tết cũng phải đi công diễn, không được bên gia đình”. Tuy nhiên, mỗi khi được tận mắt chứng kiến thành quả là những bài nhạc hay do các em biểu diễn, thầy lại cảm thấy như được bù đắp.
Những ngày này, thầy và trò đội nhạc kèn Võ Thành Trang tích cực tập luyện cho liên hoan “Tiếng kèn Đội ta” diễn ra vào đầu năm sau.
Nhìn những học sinh bé bỏng, mang vác nhạc cụ quá khổ, thầy tâm sự: “Suốt thời gian huấn luyện, điều buồn nhất có lẽ là phải chia tay em nào đó, vì các bạn chuyển trường, chuyển nơi sinh sống theo bố mẹ, hay đơn giản chỉ là học hết lớp 9, phải chuyển sang cấp ba. Thầy trò gắn bó với nhau ròng rã nhiều năm, mỗi cuộc chia tay đều đẫm nước mắt”.
Trải qua gần 20 năm hoạt động, đội nhạc kèn Võ Thành Trang giành được nhiều giải thưởng. Đây là đội đoạt giải đặc biệt của “Liên hoan tiếng kèn Đội ta TP.HCM” nhiều năm liền, được mời đi biểu diễn ở các tỉnh, thành trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Võ Thành Trang là “Đội nhạc kèn thiếu nhi tham gia công diễn nhiều nhất”. tổ chức Kỷ lục châu Á cũng xác nhận “Đội nhạc kèn thiếu nhi tham gia công diễn nhiều nhất châu Á”.
Trước đó, tháng 5/2016, tổ chức Kỷ lục Đông Dương xác lập kỷ lục “Đội nhạc kèn thiếu nhi tham gia công diễn nhiều nhất Đông Dương”.