Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo hát 'Dấu mưa' để học trò không nhàm chán

Học trò trường THPT Hiệp Bình (Thủ Đức, TP.HCM) luôn mong ngóng tới tiết học Văn của thầy Nguyễn Ngọc Trai để được nghe thầy hát nhạc trẻ bằng vọng cổ hay dân ca ba miền.

Một clip ghi lại cảnh thầy giáo biểu diễn bài hát Dấu mưa, ca khúc đang hot trong giới trẻ theo phong cách cải lương khiến cộng đồng mạng thích thú. Nhân vật chính trong clip là thầy Nguyễn Ngọc Trai (32 tuổi), giáo viên dạy môn Văn, trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM).

Thầy giáo hát 'Dấu mưa' phong cách cải lương

Với giọng hát ngọt ngào, phong cách biểu diễn tự tin, một thầy giáo đã khiến học trò cười tít mắt khi trình bày ca khúc "Dấu mưa" theo giai điệu cải lương.

 

Thầy giáo đam mê âm nhạc

Thầy Trai hát ca khúc Dấu mưa tại một lớp khối 10 cách đây khoảng một tháng. Thầy cho biết: “Lúc đó tôi chỉ vào dạy thế và sau khi học xong thì hát cho cả lớp nghe. Thời điểm đó cũng đã thi học kỳ xong nên thầy cả trò đều rất thoải mái”.

Trước đó, thầy Trai đã nhiều lần hát theo phong cách độc đáo này. Đó là vì: “Tôi bị học sinh đùa rằng  không thể hát hay bằng nam ca sĩ chính của Dấu mưa. Cho nên tôi mới chuyển qua vọng cổ (một đoạn cao trào trong cải lương). Không ngờ các em lại tỏ ra hào hứng và còn quay clip”, thầy nói.

Thầy Ngọc Trai và các học trò của mình.
Thầy Ngọc Trai và các học trò của mình.

Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, cả ba và mẹ thầy Trai đều có sẵn đam mê với đờn ca tải tử. Ba và ông nội là tay chơi trống chuyên nghiệp còn mẹ có giọng ca ngọt ngào. Nhưng theo lời thầy thì bản thân không được hưởng chất vọng cổ như ba mẹ. “Tôi thấy ca vọng cổ rất khó nên không thể hát trọn vẹn một bài hoàn chỉnh đúng kiểu miền Tây, chỉ có thể hát được một đoạn với chất giọng bình thường", thầy Trai cho biết.

Với thầy Trai, ca hát là đam mê bất tận. Có thời điểm, thầy từng theo học lớp đào tạo ca sĩ ở NVH Thanh niên TP.HCM. Trong trường, ngoài viêc dạy, thầy còn kiêm cả nhiệm vụ trưởng ban nghệ. Mỗi khi đến các dịp lễ, hoạt động ngoại khóa lại có nhiều học sinh hỏi thầy Trai có diễn không?

Để giờ Văn không nhàm chán

Để giúp học sinh hứng thú với môn Văn, thầy Trai thường đem sở trường ca hát của mình áp dụng trong giờ học. Như việc hát ca khúc Dấu mưa theo phong cách cải lương không chỉ giúp học trò thư giãn mà còn cảm thấy thích nhạc dân ca.

Thầy nói: “Nếu tôi chỉ hát vọng cổ thì học trò sẽ không tìm hiểu về loại hình này. Nhưng kết hợp với nhạc trẻ thì các em lại hứng thú. Và tôi thường chỉ hát nửa chừng nhằm tạo sự tò mò, tìm hiểu cho học sinh”.

Thầy Trai thường đem sở trường ca hát vào trong môn Văn nhằm giúp học sinh đỡ nhàm chán.
Thầy Trai thường đem sở trường ca hát vào trong môn Văn nhằm giúp học sinh đỡ nhàm chán.

Và những bài thầy hát đều có liên quan tới bài học. Nếu học về văn học dân gian thì thầy Trai sẽ hát các bài dân ca ba miền như Bèo dạt mây trôi của miền Bắc, Mười thương của miền Trung hay Lý con sáo của miền Nam. Có lần giảng dạy bài thơ Tràng Giang của nhà thơ Huy Cận thì thầy mang theo máy phát nhạc để mở ca khúc được phổ từ bài thơ.

Học sinh Nguyễn Thị Cẩm Vân, lớp 11A2 nhận xét: “Em và các bạn luôn mong chờ tiết học Văn của thầy. Chúng em không hề thấy chán chường khi học môn này. Ngoài hát hay thì thầy Trai cũng rất hiền lành, dễ gần và hài hước”.

Thậm chí, với thể loại văn tế thầy lại mạnh dạn mang phong cách nhạc rap vào bài học. Thầy Trai kể: “Đó là trong giờ học ngoại khóa, tôi bày cho học sinh biểu diễn nhạc rap với lời là bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ngay trước sân trường”. Ngoài ra còn nhiều hình thức khác như cải lương, nhảy hiện đại, đàn… được thầy đưa vào bài học.

Không chỉ mang âm nhạc vào môn Văn, thầy Trai còn tổ chức trò chơi, câu đố… Như với bài học về tầm quan trọng của giao tiếp bằng ngôn ngữ thì thầy cho học sinh mô tả một nghề nghiệp bằng tay. Từ đó, giúp các em hiểu được vai trò quan trọng của giao tiếp bằng ngôn ngữ. Những câu đố vui về tác giả, nhân vật lịch sử hay một loại hình nghệ thuật… liên quan tới bài học cũng thường xuyên được thầy sử dụng. “Tôi luôn chủ động tìm mọi phương pháp giảng dạy thay vì theo cách truyền thống để học sinh không thấy nhàm chán với môn này”, thầy nói.

Ở trường, thầy thường được học sinh gọi với cái tên Roberto Trai. Thầy giải thích: “Tôi không biết đá bóng nhưng lại rất hâm mộ cầu thủ Roberto Carlos nên tự đặt biệt danh như vậy cho học trò gọi, nhằm tạo sự thân thiện giữa thầy và trò”. 

Tự nhận mình hiền, hòa đồng nhưng thầy Trai luôn nghiêm khắc trong giờ học, chỉ thoải mái sau khi đã học xong. “Nếu mình thân thiện quá mức thì học trò sẽ không nghe lời, có khi thiếu tôn trọng giáo viên. Vì thế nên trong giờ học tôi vẫn nghiêm túc giảng dạy, giờ nào làm việc đấy”, thầy Trai cho biết.



Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm