Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo khuyết tật sở hữu hai bằng thạc sĩ

Đôi chân không thể di chuyển, cánh tay trái liệt 70%, tay phải liệt 55%, nhưng thầy giáo Trần Thanh Sơn không mặc cảm, mà nỗ lực vươn lên học tập để có hai bằng thạc sĩ.

 

Thầy giáo Trần Thanh Sơn tại lớp học Tiếng Anh hè của Trường Vừa học Vừa làm 15-5. Ảnh: Giáo Dục Thời Đại.

Đi học trên đôi chân của cha

Đến trước cửa lớp tiếng Anh của Trường Vừa học Vừa làm 15-5 (quận 1, TP HCM) dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tôi bắt gặp nụ cười thân thiện toát lên sự lạc quan yêu đời của chàng trai 30 tuổi Trần Thanh Sơn. Anh đang dạy các em nhỏ đọc theo những từ vựng Tiếng Anh, giọng to, rõ xen lẫn là những câu động viên “các con đọc lại nào; Toàn đọc cho các bạn nghe…”. 

Mới 9 tháng tuổi, vốn dĩ đã rất yếu ớt khi bị chất độc da cam lại thêm bệnh sốt bại liệt đã khiến Thanh Sơn bị liệt khá nặng. Tuổi thơ của Sơn là những tháng ngày “ăn nằm” nơi bệnh viện, vậy mà năm lên 6 tuổi, cậu vào học lớp 1 như bao bạn bè khác. Không thể đi lại, người cha chính là đôi chân giúp anh tới trường suốt thời học phổ thông. 

Cứ tưởng rằng, với những khiếm khuyết về cơ thể, Thanh Sơn sẽ rất khó để theo kịp chúng bạn, nhưng nghị lực phi thường của cậu bé Sơn ngày đó đã chiến thắng tất cả. Tập viết mất vài tháng, nhờ bạn ghi bài thời gian đầu, dần dần Thanh Sơn có thể viết thành thạo. Sơn có năng khiếu về Toán học và 11 năm liền là học sinh giỏi. 

“Tôi thật may mắn vì có những người bạn tốt hỗ trợ rất nhiều trong khoảng thời gian đầu đến lớp. Là người khuyết tật nhưng các bạn rất hòa đồng với tôi. Những bạn học kém hơn cũng rất hay hỏi bài tôi. Điều đó giúp tôi tự tin và mở lòng hơn”, Thanh Sơn cho hay. 

Tốt nghiệp cấp 3 năm 2002, như bao bạn bè cùng trang lứa, cậu học trò của Trường THPT Chu Văn An (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) đăng kí thi đại học và đậu khoa CNTT, Đại học Khoa học Tự nhiên. Vào đại học, khó khăn lớn nhất với Sơn là hòa nhập cuộc sống sinh viên. Lần đầu tiên xa gia đình, Sơn phải nương nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. 

Một chuyện tưởng hết sức đơn giản với một sinh viên CNTT bình thường là đánh bàn phím bằng 2 tay, nhưng vì đôi tay quá yếu ớt, Sơn phải khổ luyện cả tháng mới làm được. Thanh Sơn nỗ lực từng ngày để học tập và ra trường đúng thời hạn.

Tốt nghiệp đại học một thời gian, anh thi cao học khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế TP HCM và Đại học Khoa học Tự nhiên, ngành Hệ thống thông tin.

Khi tôi hỏi, có khi nào Thanh Sơn cảm thấy buồn chán, thầy giáo đặc biệt kể: “Có chứ, tôi cũng là con người mà, đâu phải cây cỏ mà không biết buồn. Thậm chí, đôi khi, một ý nghĩ thoáng qua đầu ‘hay mình chết đi, chết là hết’. Nhưng, câu nói của ba tôi lúc còn sống cứ vang lên trong đầu, ‘buồn để làm gì hả con? Buồn không giải quyết được vấn đề gì hết đã xua tan những ý nghĩ ấy”. 

Nói về người cha quá cố, Thanh Sơn đầy xúc động: “Ba tôi tham gia kháng chiến năm 1962. Trải qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, ông bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe suy giảm dần. Năm 1984, khi tôi chào đời rồi chẳng may bị bại liệt, ba xin về nghỉ sớm để tiện chăm lo cho tôi và gia đình. 

Chất thép của người lính năm xưa giúp ba tôi vượt qua những tháng ngày vất vả khi cùng mẹ nuôi bốn chị em chúng tôi. Rồi nghị lực sống đã giúp ba tôi vững vàng trong 4 năm tôi học đại học, dù ba bị ung thư. Ba chính là người truyền nghị lực sống, truyền ý chí kiên cường cho tôi vượt qua tất cả. Chừng đó thôi đủ để tôi ngưỡng mộ ba mình lắm rồi!”. 

Năm 2002, khi Thanh Sơn đậu đại học, cũng là lúc ba anh phát hiện mắc bệnh ung thư. Bốn năm sau, ba anh qua đời. Không có nỗi đau nào sánh được sự ra đi của người thân. Nghĩ đến ba, Thanh Sơn càng cố gắng sống tốt hơn, học tốt hơn để xứng đáng những yêu thương và tin tưởng của người cha dành cho con. 

Vừa làm, vừa học hai bằng thạc sĩ

"Tôi không thể nhờ bạn bè và người thân giúp đỡ mãi được. Khi cần đi lại, tôi nhờ người giúp mình và trả thù lao… Để duy trì điều này, tôi phải có tiền và biết cách quản lý đồng tiền. Điều này thôi thúc tôi thi cao học Đại học Kinh tế TP HCM"

Trần Thanh Sơn

Thanh Sơn luôn nhớ lời ba dặn: “Con chỉ có duy nhất con đường lo cho bản thân là học. Người ta không học có thể lao động chân tay như bán vé số, phụ hồ…, còn con không thể”. Những năm tháng học đại học, Thanh Sơn luôn nỗ lực hết mình. 

 

Tuy nhiên, khi ra trường, cầm tấm bằng trong tay đi tìm việc, anh mới nhận ra nhiều điều. “Xã hội vẫn chưa thực sự có cái nhìn công bằng với người khuyết tật”, anh nói. Hầu hết công ty đều từ chối khi Thanh Sơn chia sẻ về bản thân mình. Dù có những buồn phiền, nhưng anh chấp nhận điều đó để vươn lên.

Hiện anh ở nhà chị gái tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1, TP HCM). Thanh Sơn nghĩ, “mình không phải người nghèo, mới có thể giúp người nghèo”, vì thế, trong lúc chờ việc, anh nhận làm gia sư môn Toán, Tiếng Anh, dịch thuật. Anh còn được mời tới dạy Tin học văn phòng tại Trung tâm dạy nghề chất lượng cao ở Đại học Văn Lang. Sau một thời gian, Thanh Sơn tạm nghỉ những công việc làm thêm để đảm bảo việc học khi đậu cao học.

“Học Đại học Kinh tế và Đại học Khoa học Tự nhiên, tôi cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý. Tuy nhiên, sức khỏe hạn chế nên tôi phải xin gia hạn thêm 1 năm để đảm bảo việc học được thuận lợi”, anh cho biết. 

Dù khó khăn, vất vả trong đi lại, áp lực của học tập, nhưng chưa bao giờ Thanh Sơn có ý nghĩ bỏ học. Cuối tháng 6 vừa qua, thành quả cho sự nỗ lực ấy chính là hai tấm bằng thạc sĩ. 

Thầy giáo Trần Thanh Sơn nhận bằng thạc sĩ. Ảnh: Giáo Dục Thời Đại.

Ước mong dạy học 

Trong lúc tìm việc phù hợp, hiện tại một tuần 2 buổi, Trần Thanh Sơn dạy tiếng Anh cho các em nhỏ ở Trường Vừa học Vừa làm 15-5. 

Được biết, lớp học hè tiếng Anh mở ra ở Trường 15-5 gồm các em ở nhiều độ tuổi khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5. Để dạy lớp học bình thường đã không dễ, với một lớp học không đồng nhất như vậy khó hơn nhiều lần. Tuy nhiên, với khả năng, cũng như niềm đam mê với công việc, thầy Sơn đã giúp từng em tiếp thu bài học rất nhanh. 

Em Hải Hiệp (11 tuổi) cho biết: “Con rất thích giờ học tiếng Anh của thầy Sơn. Thầy dạy dễ hiểu và rất quan tâm bọn con”. 

Trước đó, năm 2013, các em nhỏ ở đây cũng có thời gian gắn bó với thầy Sơn khi anh được Hội Khuyến học của phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) giới thiệu dạy hè cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở phường. Ban đầu, lớp học được tổ chức tại UBND phường. Năm 2014, lớp được tổ chức tại Trường Vừa học Vừa làm 15-5 cùng những học sinh khó khăn của trường tham gia. 

“Tôi luôn tâm niệm, muốn giúp người khác, muốn cống hiến cho xã hội, trước tiên phải tự lo được mình. Trải qua nhiều công việc, tôi thấy phù hợp nghề dạy học nhất”, thầy Sơn nói. 

Anh bảo: Cũng may, ông trời không cướp đi mọi thứ của tôi. Dù đôi chân không thể đi, cánh tay không thể giơ cao quá đầu, nhưng trí tuệ tôi bình thường. Xung quanh tôi lại có nhiều người bạn tốt, những em học trò dễ mến… Điều đó cũng hạnh phúc lắm rồi”. 

Giờ đây, khi muốn đi đâu, Trần Thanh Sơn phải phụ thuộc người khác và anh phải chi trả một khoản thù lao nhất định cho người đó. Anh bảo: Bạn bè, gia đình không thể bên cạnh giúp đỡ mình cả đời được, nên tôi phải nhờ người khác giúp mình và hàng tháng trả thù lao cho họ.

Vậy nhưng anh tâm niệm: “Mình sống phụ thuộc vào người khác, nhưng đừng nên lệ thuộc”. Đó là lý do anh làm rất nhiều việc để có thêm nguồn thu nhập đủ nuôi sống bản thân.

Chia sẻ về ước mơ trong tương lai của mình, Trần Thanh Sơn vui vẻ nói, “cũng nhiều lắm, một gia đình nhỏ, một công việc tốt…".

"Nhưng trước mắt, tôi mong mình có một nơi có thể dạy học được cho cả những người bình thường và khuyết tật. Dạy học cho người bình thường để có tài chính nhằm hỗ trợ dạy miễn phí cho những người khuyết tật khác”.

Người thầy tật nguyền kỳ tài viết chữ bằng miệng

Hàng ngày, thầy Trường vẫn lặng lẽ truyền dạy kiến thức, uốn nắn chữ viết cho học trò. Thầy có khả năng viết chữ bằng miệng.

Cảm phục thầy giáo tí hon cao 90cm, nặng chưa đầy 19kg

Đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Phương sinh năm 1983 quê ở xã Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam.

 

http://giaoducthoidai.vn/tre/thay-giao-khuyet-tat-so-huu-hai-tam-bang-thac-si-843587-b.html

Theo Thảo Nguyên/Giáo Dục Thời Đại

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm