Câu 1. Danh nhân khoa bảng nào vinh dự trở thành thầy giáo đầu tiên dạy học cho vua?
Sau khi đỗ đầu trong kỳ thi Minh kinh bác học năm 1075, Lê Văn Thịnh dạy học cho vua Lý Nhân Tông, trở thành người thầy đầu tiên của các vị vua nước Việt.
|
Câu 2. Ai đỗ tiến sĩ nhưng nhất quyết không làm quan, về quê mở trường dạy học?
Sau khi thi đỗ thái học sinh (tiến sĩ) dưới thời vua Trần, Chu Văn An không ra làm quan, ông xin vua về mở trường dạy học. Câu nói nổi tiếng của ông với vua Trần Minh Tông là: “Thần đọc sách, chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được. Xin bệ hạ cho thần được về nhà mở trường dạy học, góp phần bồi bổ sự học của nước nhà”.
|
Câu 3. Thầy giáo nào được mệnh danh “túi khôn của thời đại” ?
Bảng nhãn Lê Quý Đôn là danh nhân kiệt xuất của dân tộc ta. Ông đỗ đầu cả 3 kỳ thi, lĩnh hội được hầu hết kiến thức đương đại, được suy tôn là nhà bác học, "túi khôn của thời đại".
|
Câu 4. Thầy giáo nào từng dâng sớ lên triều đình luận tội 18 viên lộng thần?
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhân tài hàng đầu trong thế kỷ 16. Dưới thời Mạc, ông dâng sớ luận tội 18 lộng thần nhưng vua không nghe. Năm 1542, ông cáo quan về mở trường dạy học, được học trò suy tôn là "Tuyết giang phu tử".
|
Câu 5. Thầy giáo nào từng làm viện trưởng của thư viện đầu tiên ở nước ta?
Nguyễn Thiếp (1723-1804) là một trong số những nhà giáo nổi tiếng nhất của dân tộc. Ông được vua Quang Trung bổ nhiệm là Viện trưởng Sùng Chính thư viện, chuyên lo việc dịch sách từ chữ Hán sang chữ Nôm. |
Câu 6. Thầy giáo nào có nhiều học trò đỗ trạng nguyên nhất?
Trần Ích Phát sống thời Hậu Lê là nhà giáo có nhiều học trò đỗ đại khoa nhất (67 người). Trong đó, 3 người đỗ trạng nguyên gồm Vũ Kiệt (đỗ năm 1472), Trần Sùng Dĩnh (năm 1487) và Nghiêm Hoản (năm 1496).
|
Câu 7. Thầy giáo nào 3 lần từ chối làm quan cho nhà Nguyễn, về nhà mở trường dạy học?
Phạm Quý Thích (1760-1825) quê làng Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Dưới thời Tây Sơn, ông lánh xa quan trường. Dưới thời Nguyễn, khi vua Gia Long mời ra làm quan, ông 3 lần từ chối, về nhà mở trường dạy học.
|
Câu 8. Ai là thầy giáo cuối cùng dạy vua?
Lê Nhữ Lâm, dạy vua Bảo Đại, là thầy giáo cuối cùng dạy vua và cũng là người Tổng tài cuối cùng của Quốc sử quan triều Nguyễn.
|