Một giáo viên trung học cơ sở ở thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) bị cảnh sát bắt giữ vì cáo buộc chào mời khách hàng vào quán bar. Người đàn ông cũng bị phát hiện bí mật làm nghề tay trái là tiếp viên quán rượu, theo Japan Today.
Theo báo cáo của Sở Cảnh sát tỉnh Aichi, người đàn ông đã tiếp cận một phụ nữ trên khu phố đèn đỏ vào tối ngày 11/2. “Bạn có muốn ghé qua vui chơi ở quán bar gần đây không”, nam giáo viên hỏi.
Thực chất, người được hỏi là một nữ cảnh sát mặc thường phục, đang đi bộ tuần tra. Sau đó, người đàn ông bị bắt giữ vì vi phạm yêu cầu không làm phiền của tỉnh, trong đó cấm người kinh doanh chèo kéo quá mức người đi đường. Vụ việc được chuyển đến công tố viên, với cáo buộc người đàn ông vi phạm luật kinh doanh ngành giải trí của Nhật Bản.
Nam thanh niên bị phát hiện ra nghề tay trái trong lúc chào mời một nữ khách hàng ghé qua quán bar nơi mình làm việc. Ảnh minh họa: The Guardian. |
Điều tra sâu hơn, cảnh sát phát hiện người đàn ông đang làm thầy giáo dạy toán bán thời gian tại một trường công cấp 2 ở Nagoya. Trung bình, người này dạy 20 giờ/tuần và được trả 2.800 yen/giờ (21 USD).
Từ tháng 8 năm ngoái, nam thanh niên làm thêm công việc tiếp viên kiêm bartender quán bar 2-3 buổi/tuần. Theo các nhà điều tra, người này sống cùng cha mẹ, không gặp khó khăn tài chính, đi làm thêm đơn thuần vì sở thích.
Theo quy định ở Nagoya, giáo viên toàn thời gian tại các trường công lập được phân loại là công chức phải tiết lộ và nhận được sự chấp thuận của nhà trường cho bất kỳ công việc phụ hoặc dự án kinh doanh nào.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng cho giáo viên bán thời gian. Vì vậy, về mặt quy định, nam giáo viên không làm sai quy tắc khi có nghề tay trái.
Một thành viên của Hội đồng Giáo dục Thành phố Nagoya nhận xét: “Nam giáo viên không gây ra bất kỳ vấn đề nào ở trường. Tôi nghe nói anh ấy đã làm việc chăm chỉ”. Song, hội đồng vẫn bối rối vì "không mong đợi người làm giáo viên làm việc tại quán bar”.
Với mức lương thấp, đông giáo viên trẻ ở Nhật Bản phải đi làm thêm công việc thứ hai, thứ ba. Ảnh minh họa: Japan Today. |
Luật ngầm được hiểu rộng rãi trong ngành là công việc phụ của giáo viên không được làm suy yếu uy tín của vị trí giảng dạy hoặc cản trở họ hoàn thành công việc đúng thời gian và trách nhiệm dạy dỗ.
Theo Văn phòng Công tố Nagoya, nam giáo viên đã được trả tự do vào đầu tháng 3 mà không bị truy tố. Tuy nhiên, vụ việc nhiều khả năng vẫn khiến nam giáo việc mất việc và nhà trường đang chuẩn bị chấm dứt hợp đồng.
Mặc dù công việc ban đêm có thể là vùng xám, trong mắt của hội đồng, việc vi phạm pháp luật và bị bắt vẫn là hành vi không phù hợp với đạo đức của giáo viên trường công.
Cho đến nay, Hội đồng Giáo dục Thành phố Nagoya vẫn cố tránh ban hành các quy tắc chung không cho phép một số loại công việc phụ, nhằm tránh sự kỳ thị không công bằng với một số ngành nghề.
Tuy nhiên, sau vụ nam giáo viên bị bắt giữ, một thành viên tiết lộ hội đồng đang xem xét thiết lập các quy tắc rõ ràng hơn cho tương lai.
Theo Mainichi Shimbun, một thầy giáo ở độ tuổi cuối 30, cũng dạy học part-time ở một trường cấp 2 ở Nagoya, cho hay việc giáo viên trẻ phải đi làm thêm công việc thứ 2, thứ 3 là chuyện không hiếm gặp.
Các vị trí có thể từ giảng dạy tại các trường âm nhạc và dạy kèm gia sư đến làm việc tại các cửa hàng bán đồ thể thao, nhà hàng sushi hoặc siêu thị.
"Chúng tôi không thể sống chỉ bằng thu nhập giảng dạy của mình. Một số đồng nghiệp rỉ tai nhau rằng có thể kiếm thêm kha khá tiền khi làm cho các cơ sở giải trí buổi đêm, miễn đừng để bị phát hiện", người đàn ông nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.