Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo quân hàm xanh chèo thuyền thúng đi dạy học sinh nghèo

Trung tá Mai Văn Sơn cho biết nhiều khi không thể đưa những đứa trẻ lên bờ học chữ, ông và đồng đội phải chèo thuyền thúng đến từng gia đình để kèm riêng.

Tuần nào cũng vậy, cứ 19h các ngày thứ hai, tư, sáu, những người dân nghèo tại quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) lại háo hức đến lớp học tình thương nằm dưới chân đèo Hải Vân của trung tá Mai Văn Sơn, Đội phó Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Hải Vân.

Trong 2 tiếng, họ bỏ lại đằng sau những lo toan về cơm, áo, gạo tiền của cuộc sống ban ngày để học đánh vần từng dòng chữ, làm quen những con số.

Lớp học xóa mù chữ của trung tá Sơn có 12 học viên ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất từ 36 đến 45. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, chỉ quen cầm cày, cuốc nên trung tá Sơn phải cầm tay nắn từng nét chữ.

Suốt hơn 25 năm đứng trên bục giảng, người lính này đã xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho hàng trăm học viên. Những số phận và mảnh đời khác nhau khi ngồi tại đây thường gọi người đàn ông tuổi ngũ tuần đeo quân hàm xanh với cái tên thân mến: Thầy Sơn.

thay giao quan ham xanh anh 1
Trung tá Mai Văn Sơn là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2017. Ảnh chụp khi ông còn mang quân hàm thiếu tá. Ảnh: NVCC.

Những nốt trầm của cuộc sống

Ngày bận công tác, mỗi khi có thời gian rảnh, thầy Sơn lại cùng đồng đội đến nhà giúp đỡ bà con. Ông cho biết bộ đội thay nhau giúp người dân vá lưới, gặt lúa và dọn nhà, bà con mới có thêm thời gian đến lớp.

"Chúng tôi coi người dân như những người thân trong gia đình", ông nói.

Đáp lại tình cảm đó, đôi khi, những người lính nhận về mớ rau, nải chuối Những thứ đồ ấy không quá giá trị nhưng lại mang tinh thần rất lớn, là tấm lòng của người dân nghèo mến tặng.

Chia sẻ với Zing.vn, thầy Sơn cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đầu được học sinh tặng quà 20/11. Khi đó, ông dạy lớp học tình thương gần 10 năm. Học sinh đó tên là Ụ.

"Hôm ấy gần đến ngày 20/11, bé Ụ mang tới một bông hoa, một chiếc cốc và nói rằng: 'Em tặng thầy'. Món quà nhỏ bé đó đã khiến tôi rất xúc động", ông nói.

Cống hiến hơn nửa đời người để giúp người nghèo biết đọc chữ, trung tá Sơn bày tỏ sự mãn nguyện. Song, đôi lúc, ông vẫn có chút chạnh lòng khi nghĩ về gia đình. "Trước đây, những năm đầu nhập ngũ, mình ít được ở gần vợ con", thầy giáo quân hàm xanh nói.

Hướng ánh mắt về phía xa xăm, ông bắt đầu kể ngày đi làm công tác xóa mù chữ, vợ mang thai đứa con đầu lòng. Nhà vắng bóng đàn ông, không ai chăm lo cho người phụ nữ ấy. Đến ngày sinh nở, vợ đẻ rớt xuống sàn, con bỏ bố mẹ mà đi.

Vượt lên những mất mát cá nhân, thầy Sơn vẫn cố hết sức giúp người dân nâng cao dân trí. "Làm công tác giảng dạy cho nhân dân thì niềm vui nhiều hơn nỗi buồn", trung tá sơn khẳng định.

Ba năm nữa là tới tuổi nghỉ hưu, người lính già vẫn nguyện cống hiến hết mình. Ông mong có thể xóa mù chữ đến người cuối cùng.

Hành trình gần 26 năm cầm phấn

Kể về cơ duyên với việc giảng dạy, trung tá Sơn cho biết năm 1992, ông tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng, được điều về công tác tại Đồn Biên phòng 256. Khi đó, Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn là một tỉnh và chưa phát triển như bây giờ.

Địa bàn đơn vị ông phụ trách rất rộng, kéo dài từ biển đến vùng rừng núi. Theo phân công, ông Sơn phụ trách khu vực ven biển.

thay giao quan ham xanh anh 2
Chân dung thầy giáo quân hàm xanh. Ảnh: Kim Ngân.

Cuộc sống của người dân nơi đây khi ấy vô cùng thiếu thốn và cực khổ. Ngành nghề của họ không ổn định, cơ bản là đi biển và làm nghề nên trình độ văn hóa và dân trí thấp. Bên cạnh đó, họ cũng không có điều kiện để đến trường.

"Lũ trẻ thường phụ giúp cha mẹ những việc vặt trong nhà như nấu cơm và bế em. Những đứa lớn một chút có thể làm công việc đồng áng, thậm chí đi biển. Những năm đó, rất nhiều đứa trẻ sống trên ghe, thuyền cùng gia đình. Chúng chỉ quen với cuộc sống lênh đênh trên mặt nước", ông Sơn nhớ lại.

Từ những lần đi thực tế, ông nhận thấy mình cần làm cái gì đó để cải thiện cuộc sống của người dân. Ông lập kế hoạch và đề đạt cấp trên xin mở lớp học tình thương, xóa mù chữ cho người dân miền biển.

"Nhiều khi không thể gom lũ trẻ lên bờ để dạy, chúng tôi phải chèo thuyền thúng, tìm đến tận nơi để kèm riêng. Đó là những năm từ 1992 đến 1999", trung tá Sơn kể.

Giai đoạn đầu, ông gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục người dân học chữ, đặc biệt là những người lớn tuổi bởi họ cho rằng học cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Xóa mù chữ xong cũng chỉ về làm nông, bám biển.

Tuy nhiên, sau một thời gian sống cùng người dân, chia sẻ và giúp đỡ họ những công việc trong cuộc sống, ông cùng đồng đội khiến người dân tin tưởng. Những đứa trẻ lần đầu tiên học chữ tỏ ra mừng rỡ. Cuối cùng, chúng cũng được cắp sách đến trường như các bạn.

Sau khi chuyển về công tác tại Đồn Biên phòng Hải Vân, trung tá Sơn tiếp tục mở những lớp học tình thương để xóa mù chữ cho người nghèo.

"Dân ở đây chủ yếu đến từ các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Họ có những con thuyền nhỏ và sống lênh đênh trên sông Hàn. Ngày đấy, sông Hàn chưa đẹp như bây giờ. Hai bên bờ chi chít nhà chồ", ông nói.

Trải qua gần 26 năm vừa vận động, vừa xóa mù chữ, một số học sinh của thầy Sơn đã vượt qua hoàn cảnh để theo đuổi con đường học tập. Nhiều em nay đã trở thành cán bộ công chức. Hiện tại, ông phụ trách một lớp gồm 12 học viên. Trong đó, một học viên bị câm, điếc vừa được chữa trị.

Trung tá Mai Văn Sơn, sinh năm 1967, là một trong 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2017.

Chương trình này do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức, nhằm tuyên dương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường cũng như xóa mù chữ ở vùng biên giới và hải đảo.

Thầy giáo quân hàm xanh dạy chữ tại 'Trường Sa cạn'

Từ bỏ cơ hội làm việc ở chốn phồn hoa, Giàng A Trú chọn về làm việc tại vùng khó khăn nhất với hy vọng giúp nâng cao hiểu biết của đồng bào vùng biên cương.

Nữ sinh vùng cao suýt bị chôn sống muốn học nấu ăn

Nhà nghèo, cha nhiễm chất độc màu da cam, mẹ mất khi mới chào đời, Phương Anh từng suýt bị họ hàng cho vào quan tài chôn sống.



Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm