Li Yang, người sáng lập Crazy English - phương pháp học tiếng Anh bằng cách la hét phổ biến ở Trung Quốc - bị cáo buộc đánh đập một trong 3 con gái của mình qua bài đăng trên Weibo.
Người lên tiếng tố cáo là Kim Lee (quốc tịch Mỹ), vợ cũ bị Li lạm dụng một thập kỷ trước. Kể từ khi ly hôn, Lee giành quyền nuôi 3 con gái của họ là Li Li, Li Na và Li Hua, theo SCMP.
“Mười năm trước, Li Hua đã cứu tôi khỏi sự bạo hành của anh ta. Giờ đây, Li Na phải giúp Li Hua thoát khỏi cơn cuồng nộ của bố chúng. Anh ta vẫn chứng nào tật nấy”, Lee viết và đăng kèm clip đáng lo ngại.
Kim Lee (trái), vợ cũ của giáo viên tiếng Anh nổi tiếng Li Yang (phải), lên tiếng tố cáo chồng là kẻ bạo lực gia đình. Ảnh: Handout. |
Trong đoạn video chỉ hiển thị màn hình tối, một người đàn ông hét lên bằng tiếng Anh: “Chuyện gì xảy ra vậy? Ngồi xuống!”. Sau đó, một giọng nữ đáp trả: “Ông đang làm gì vậy? Tại sao ông muốn giết tôi?”.
Theo lời Lee, khi đánh vợ, Li nói đó là văn hóa Trung Quốc nên cô quyết định ly hôn.
Sau đó, cô tha thứ cho chồng cũ vì anh là cha của 3 đứa con của họ, thậm chí còn chúc phúc khi Li tái hôn và có thêm con.
“Thế nhưng, anh ta đánh đập con gái một cách tàn nhẫn. Anh ta và các thành viên Crazy English đe dọa chúng không được nói với ai, kể cả mẹ chúng là tôi. Sao anh có thể làm như thế?”, Lee viết.
Người mẹ ba con nói thêm: “Tôi hy vọng những người yêu mến Crazy English hiểu rằng Trung Quốc có luật chống bạo lực gia đình. Họ đang tôn thờ một tên tội phạm”.
Lee đã xác nhận với SCMP về tính xác thực của bài đăng.
“Tôi ổn. Những đứa trẻ được an toàn. Chỉ là có quá nhiều vấn đề và cảm xúc phải đối diện”, cô nói.
Về phía Li Yang, anh không phản hồi về vụ việc.
Phong cách giảng dạy ngôn ngữ của Li Yang rất phổ biến ở Trung Quốc. Ảnh: Handout. |
Năm 2011, Kim Lee làm dấy lên cuộc tranh luận ở Trung Quốc về bạo lực gia đình sau khi công khai những hình ảnh cho thấy vết thương do Li gây ra trên cơ thể mình. Cô đệ đơn ly hôn vào cuối năm đó.
Năm 2013, một tòa án ở Bắc Kinh tuyên bố Lee nhận được 12 triệu nhân dân tệ (1,86 triệu USD) khi phân chia tài sản với chồng cũ và giành quyền nuôi 3 con gái.
Thời điểm đó, đây được coi là vụ án mang tính bước ngoặt, giúp nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình ở Trung Quốc. Kể từ bản án trên, Lee kêu gọi phụ nữ khắp đại lục đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ.
Năm 2019, Lee bị tấn công khi chia sẻ trên trang cá nhân rằng cô tha thứ cho chồng cũ. Người phụ nữ sau đó khẳng định với tờ The Beijing News rằng sự khoan dung này không hề dung túng cho bạo lực gia đình.
“Li luôn nghĩ rằng anh ta là nạn nhân và không nhận ra mình đã làm gì sai”, cô nói.
Năm 2016, Luật Chống bạo lực gia đình của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Các quy định trong đó cho phép nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc lạm dụng trẻ em tìm kiếm lệnh cấm và thu hồi quyền giám hộ hợp pháp; yêu cầu các trường học giáo dục về vấn đề này và cơ quan thực thi pháp luật phải có hành động chống lại những kẻ lạm dụng bị cáo buộc.