Đó là thầy Phạm Minh Tuấn, trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc, Hướng Hóa, Quảng Trị.
Chúng tôi đến Hướng Phùng vào một chiều mưa lạnh, khi thầy Tuấn đang tất bật phát áo ấm và sữa cho học trò của mình. Có trực tiếp cảm nhận cái lạnh của những cơn gió núi, những cơn mưa rừng nơi miền rẻo cao này, mới thấy trân quý biết bao tấm lòng của thầy Tuấn dành cho học sinh.
Người con của bản làng
Thấy chúng tôi ngạc nhiên khi hỏi một mình thầy làm sao có thể một lúc làm được nhiều việc như vậy, thầy Tuấn cười hiền: "Đây đều là sự giúp đỡ của những Mạnh Thường Quân các tỉnh gửi về sau lời kêu gọi của mình, thông qua những bà con, quen biết và bạn bè trên Facebook.
Mình làm từ thiện ngoài thời gian đứng lớp và quanh năm. Mùa hè, mùa thu thì xin sách vở, tiền mặt và gạo để giúp đỡ học sinh chuẩn bị cho năm học mới.
Mùa đông, mùa xuân thì xin áo ấm, các loại quà Tết cho các em. Rồi xin kinh phí đào giếng cho nhà trường, cho các bản làng khan hiếm nước sạch và xây dựng, sửa chữa những lớp học đã xuống cấp, dột nát không thể sử dụng được nữa".
Thầy giáo viết cổ tích giữa đại ngàn Trường Sơn. |
Đối với bà con dân bản và những người đồng nghiệp, thầy Tuấn bây giờ đã thực sự là con của bản làng. Bởi ân tình của thầy và trẻ em, học sinh, người dân nơi đây thật sâu đậm.
Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng - hiệu trưởng trường tiểu học Hướng Phùng, Hướng Hóa - nói rằng câu chuyện về thầy Tuấn như là cổ tích: "Ở đây, quanh năm suốt tháng, đi đâu chúng tôi cũng gặp thầy, cũng thấy thầy xắn tay vào làm từ việc nhẹ cho tới việc nặng, từ chăm chút cái ăn cho trẻ mồ côi cho tới quốc đất, trồng cây giúp dân bản.
Tại điểm trường lẻ tiểu học Hướng Choa, nếu không có cái giếng khoan của thầy Tuấn làm cho, thì không chỉ các em học sinh mầm non, tiểu học và giáo viên ở điểm trường này, mà còn tới mấy trăm hộ dân ở bản sẽ cực kì vất vả do phải lội bộ gần chục cây số xa tít trong rừng sâu tìm mang về những can nước suối để ăn uống".
Thầy Mai Trọng - hiệu trưởng cũ của thầy Tuấn - kể rằng việc kêu gọi giúp đỡ từ thiện đã khó, nhưng có kinh phí rồi, tìm địa điểm thích hợp để khoan giếng nước còn khó khăn vất vả hơn nhiều. Có điều, thầy Tuấn một khi đã quyết là phải làm cho kỳ được.
Ngoài giếng nước ở bản Hướng Choa, mới đây thầy Tuấn còn khảo sát, khoan cho bà con ở bản Cu Vơ (xã Hướng Linh) một giếng nước tương tự. Dân bản Cu Vơ đặt tên giếng nước này là "giếng thầy Tuấn".
Hôm chúng tôi đến, vừa nhắc tới tên thầy Tuấn, trưởng bản Hồ Tờn đã tấm tắc: "Mình quý Tuấn lắm, cái bụng nó sáng, biết thương yêu, chia sẻ với đồng bào. Nó dạy học bên Hướng Phùng nhưng vẫn tới tận đây giúp đỡ, khoan tặng cho bà con một giếng nước. Kể từ khi có giếng nước, điểm trường học ở đây cũng chấm dứt tình cảnh 6 năm liền từ sau xây dựng mà chả có nước sạch".
Viết nên cổ tích
Thầy Tuấn bộc bạch: "14 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, tôi nhảy xe đò từ quê nhà đồng đất vùng trũng Hải Lăng lên rẻo cao Hướng Hóa nộp đơn xin việc làm.
Rồi sau đó được phân công về dạy ở Hướng Sơn. Sau 3 năm 'cắm bản' nơi đây, tôi chuyển về trường THCS xã Xy, rồi ra thị trấn biên ải Lao Bảo, và sau đó là xã Tân Hợp. Tháng 8/2005, tôi về trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc.
Ngần ấy thời gian chứng kiến cuộc sống thiếu thốn thiệt thòi của đồng bào vùng cao, đủ khiến tôi phải cháy hết mình để làm cầu nối kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ bà con, học trò…".
Đồng bào bốn dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, Pa Hy, Kinh ở xã Hướng Lộc lẫn 7 xã vùng Lìa là Thanh, Thuận, Xi, A Xing, A Túc, A Dơi, Pa Tầng chốn non cao Hướng Hóa này, mỗi bận gặp khách dưới xuôi lên đều tỏ vẻ biết ơn, tự hào mỗi khi nhắc đến thầy Tuấn, người bà con dân bản đã xem như máu mủ ruột thịt của mình.
Sau 2 năm kêu gọi Mạnh Thường Quân và tự xắn tay vào làm việc, năm 2016, thầy Tuấn đã xây nên 3 phòng học khang trang dành cho trẻ mầm non ở Hướng Lộc, với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Ở chốn rừng thiêng nước độc này, có chứng kiến hết thiệt thòi của những em nhỏ ngồi học mà co ro trong những mái nhà tranh, tre, nứa, lá, mới thấu tỏ tấm lòng của người thầy thầm lặng mang đến cho các em căn phòng ấm giữa bốn bề gió núi mưa ngàn.
Cũng từ nỗi đau đáu đó, đã có hàng chục ngôi nhà của bà con dân bản được thầy Tuấn kết nối hỗ trợ xây mới lẫn sửa chữa. Rồi hàng trăm chuyến từ thiện áo quần, cặp sách, gạo, nước mắm, sữa… được chuyển đến tận tay con em đồng bào dân bản trên đỉnh Trường Sơn.
Hai năm trước, mặc dù đã có gia đình riêng, nhưng thầy giáo Phạm Minh Tuấn vẫn quyết định nhận nuôi cả 3 anh em Hồ An Ran ở xã Hướng Linh, Hướng Hóa với hoàn cảnh thương tâm mồ côi mẹ, cha bỏ xứ đi xa.
Chị Hoàng Thị Hồng Lam, vợ thầy Tuấn tâm sự: "Tôi luôn cảm thông, chia sẻ và ủng hộ mọi việc làm của chồng.
Khi chứng kiến tận mắt 3 cháu nhỏ đói run mà không một ai nuôi nấng, chúng tôi đều không cầm được nước mắt. Nên lúc anh quyết định đùm bọc chăm nuôi các cháu, tôi gật đầu ngay... Cuộc sống này, cho đi cũng là nhận lại, mình cho đi tình yêu thương, sẽ nhận về được nhiều hơn nữa. Chúng tôi luôn tin như vậy".