Thầy tâm lý điển trai nói gì về vụ 'Canh gà Thọ Xương'?
Thầy giáo tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng trong sự việc này cô giáo nên mạnh mẽ hơn để quay lại trường dạy học vì cô luôn được các em học sinh tin yêu, ủng hộ.
Xung quanh sự cố “Canh gà Thọ Xương” của cô giáo trẻ Hà Thị Thu Thủy (trường THPT Lomonoxop), thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – thầy giáo trẻ điển trai của ĐH Sư Phạm TP.HCM chia sẻ:
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu |
- Sau sự cố “Canh gà Thọ Xương” của cô giáo trẻ dạy văn đang gây xôn xao dư luận vừa qua, là một giáo viên trẻ thầy có chia sẻ gì?
- Xã hội luôn khắt khe với nghề giáo của chúng tôi. Dù chế độ, điều kiện làm việc và cuộc sống của nhà giáo hạn chế như thế nào thì mọi người cũng đã biết, nhưng chúng tôi hiểu trách nhiệm của mình và luôn tự yêu cầu cao ở chính mình, bởi chúng tôi làm việc với con người.
Nhưng chân thành, chúng tôi cũng là người, cũng có những sai sót vì không ai hoàn hảo cả. Quan trọng là khi chúng ta có sai sót, chúng ta nhận ra và sửa chữa, nếu sai sót đó không là nghiêm trọng.
- Thầy có thể chia sẻ thêm gì về sự khắt khe của xã hội đối với nghề giáo?
- Tôi cũng có nhiều dự định, tôi cũng muốn mở rộng trang mạng xã hội bằng cách như một số trang doanh nghiệp vẫn hay làm để chia sẻ được cho càng nhiều bạn trẻ, tôi đã từng nhuộm tóc mình nâu nâu một chút để mới mẻ trẻ trung, tôi cũng đã từng đeo kiềng ở cổ tay để nhớ cái cảm giác ấm áp mà mẹ tôi đã đeo cho tôi như hồi tôi còn nhỏ. Nhưng tôi cũng bị “ném đá”, đơn giản chỉ vì tôi là…thầy giáo.
- Cô giáo trẻ Hà Thị Thu Thủy đã bị sốc sau sự việc, phải chăng dư luận đang có cái nhìn phiến diện?
- Việc cô Thủy bị sốc, xin nghỉ dạy và về quê thể hiện diễn biến tâm lý hết sức bình thường. Khi người ta bị tổn thương và thấy rằng dường như cả xã hội đang quay lưng thì họ muốn trốn về một cái góc an toàn nào đó. Ở đây chính là gia đình của cô Thủy.
Trước đây cô bé Quỳnh Anh đã từng bị ném đá đến mức phải trốn mình trong nhà. Bây giờ đến lượt cô giáo trẻ phải nhập viện vì không chịu được sốc. Nhiều người ‘ném đá’ cô rằng: "một cô giáo quá kém", "một kẻ thiếu kiến thức", "quá kinh khủng", "vấn nạn", "sự xuống cấp trầm trọng của một con người trong ngành giáo dục"...
Nhưng họ có phải là người đã từng học cô không? Họ có phải là người đã từng công tác chung với cô không? Họ có hiểu cô không hay chỉ là loáng thoáng qua dăm ba câu chữ?
- Ở trong trường hợp này, cô Thủy nên có cách hành động như thế nào để vượt qua cú sốc tâm lý này?
- Lúc này, cô Thủy cần phải cứng rắn hơn vì những người trong xã hội không phải là người hiểu cô nhất. Chính các học trò, đồng nghiệp, ban giám hiệu mới là những người hiểu cô nhất. Chính các em học sinh cũng đã lập ra một Fanpage trên mạng xã hội để ủng hộ cô Thủy. Đó mới chính là những người cô Thủy nên lắng nghe.
Những người không hiểu cô Thủy là những người ở đâu đó, rất xa xôi và họ không thể hiểu về kiến thức và kỹ năng của cô nên những nhận xét của họ chỉ là võ đoán và không khách quan. Cô Thủy hãy trân trọng những lời góp ý thẳng thắn và tình cảm yêu mến của học trò dành cho mình và sớm quay trở lại bục giảng.
Sáng 13/10, đã có hơn 3.200 người ủng hộ cô Thủy quay lại trường giảng dạy |
- Thầy đánh giá gì về hành động của các em học sinh khi lập ra hẳn một Fanpage để minh oan cho cô giáo ?
- Khi được biết các em học sinh lập ra hẳn một Fanpage để ủng hộ cô Thủy, tôi thấy rất vui. Điều đó thấy rằng các em cũng rất công bằng và luôn dành tình cảm yêu mến dành cho những người thầy, người cô của mình. Qua sự việc này, sự đoàn kết trong trường cũng sẽ cao hơn, tình cảm giữa cô Thủy và học sinh cũng sẽ thêm gần gũi hơn.
- Phải chăng phụ huynh học sinh cũng sẽ rút ra được bài học cho chính mình trong sự việc này?
- Phụ huynh, dư luận nói chung nhìn bên ngoài vào nên không hiểu rõ nội tình bên trong. Phụ huynh đó cũng đã kết luận khi chưa hiểu rõ sự tình. Đối với phụ huynh cũng thông cảm vì họ lại nghe kể từ chính người con của mình. Đứa trẻ đó lại có thể kể theo cảm nhận của riêng nó. Đôi khi cảm nhận của đứa trẻ lại chưa sâu sát, chưa có thực tế và không khách quan.
Vì vậy nên phụ huynh mới bức xúc quá và có phản ứng hơi mạnh khi chưa hiểu rõ về sự việc. Chúng ta cũng cần thông cảm vì trong đó có trách nhiệm của họ với con cái. Thông qua sự việc này, phụ huynh cũng phải rút ra bài học cho chính mình.
Dư luận thường chạy theo tâm lý đám đông nên nhiều khi chưa có sự tỉnh táo và sự sáng suốt của lý trí. Đôi khi một lời nói thôi cũng đủ “giết chết” cuộc sống của một ai đó. Vì vậy, mỗi người nên có sự tỉnh táo và sàng lọc khi tiếp nhận thông tin.
- Xin cảm ơn thầy!
Theo VTC