Thông tin này được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết tại Hội thảo “Chương trình hành động phòng chống kháng thuốc tại TP.HCM”, sáng 21/11.
Theo bác sĩ Châu, mặc dù việc kiểm soát tự ý kê đơn và mua kháng sinh tại cơ sở kinh doanh thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, tuy nhiên, việc người dân tự ý sử dụng kháng sinh vẫn diễn ra.
Cạnh tranh sinh tồn giữa con người và vi khuẩn
Bên cạnh cuộc sống của con người, có một cuộc sống khác cũng tồn tại song hành, đó là thế giới của vi sinh vật. Hàng triệu năm nay, con người và vi sinh vật cạnh tranh sinh tồn. Khi hệ miễn dịch của con người suy giảm hoặc bị thương, vi sinh vật có điều kiện xâm nhập và gây bệnh cảnh nhiễm trùng.
Năm 1928, bác sĩ, nhà sinh học Alexander Fleming tìm ra Penicillin và đưa kháng sinh này vào điều trị năm 1942. Thời điểm đó, người ta xem Penicilin là “thánh dược”. Hàng trăm loại kháng sinh và các thuốc tương tự đã được phát minh và đưa vào sử dụng.
Bác sĩ, nhà sinh học Alexander Fleming, người tìm ra kháng sinh Penicillin. Ảnh: Time. |
Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên nhân mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Từng có thời điểm, các nhà khoa học lạc quan tin rằng con người đã chiến thắng và mọi bệnh nhiễm trùng sẽ biến mất trong tương lai không xa. Tuy nhiên, niềm tin này quá chủ quan.
Liên tiếp từ năm 1950-2002, hàng loạt tụ cầu kháng kháng sinh, chủng kháng thuốc, đa kháng kháng sinh xuất hiện. Trước mắt, ký sinh trùng sốt rét đang kháng lại thuốc Artemisinin. Thế giới chỉ có kháng sinh oseltamivir dùng điều trị cúm.
“Số lượng vi khuẩn kháng thuốc tăng nhưng số công ty nghiên cứu về kháng thuốc ngày càng giảm đi. Vòng đời của kháng sinh ngày càng rút ngắn trong khi loại mới tìm ra ngày càng hiếm. Nếu tình trạng kéo dài, có thể chúng ta phải quay trở lại thời kỳ xa xưa, vì không còn kháng sinh, dùng biện pháp rửa tay và cầu mong người bệnh không bị nhiễm trùng. Các nhà khoa học đặt ra câu hỏi liệu kỷ nguyên hậu kháng sinh sẽ đến?”, Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM nêu cảnh báo.
Việt Nam đứng thứ 4 Châu Á về tỷ lệ kháng thuốc
Việc sử dụng kháng sinh có lợi ích to lớn trong điều trị nhiễm khuẩn cho người và động vật. Tuy nhiên, việc sử dụng kéo dài, lạm dụng làm cho vi sinh vật thích nghi với thuốc và trở thành kháng thuốc. Tình trạng này không chỉ là mối lo ngại cho các bác sĩ mà còn lại nguy cơ của toàn xã hội.
Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy mức độ kháng kháng sinh tại Việt Nam đang ở mức 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc trong các nước Châu Á - Thái Bình Dương.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: B.Huệ. |
Ở Việt Nam, hầu hết cơ sở khám, chữa khám bệnh đang đối mặt tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
“Mức độ và tốc độ kháng thuốc đang ngày càng gia tăng ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng làm tăng chi phí điều trị, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người bệnh. Nếu không can thiệp kịp thời, khẩn cấp, trong tương lai, các quốc gia có thể đối mặt khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm”, tiến sĩ Châu nhấn mạnh.
Thạc sĩ, dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Thư ký Liên chi Hội truyền nhiễm, cho biết khoảng trên 50% thuốc sử dụng cho người tại Việt Nam là kháng sinh, phần lớn được bán tại nhà thuốc.
Đây là con số rất cao. Trong khi đó, kháng sinh là nhóm thuốc bắt buộc được mua theo toa của bác sĩ. Hiện nay, các thống kê cho thấy tỷ lệ sử dụng kháng sinh không đúng đơn lên tới 91% ở khu vực nông thôn, 88% ở khu vực thành thị. Thói quen tự ý mua kháng sinh và lạm dung toa thuốc của người dân là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này.
Dược sĩ Thảo cho biết từ đầu thế kỷ 21 đến nay, chỉ có 12 loại thuốc kháng sinh mới được phê duyệt và còn rất ít hãng dược nghiên cứu về kháng thuốc. Trên thế giới, mỗi ngày, trung bình 2.000 người chết vì siêu vi khuẩn kháng thuốc. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, dự tính đến năm 2050, sẽ có 10 triệu người chết vì sự đề kháng thuốc, gánh chi phí y tế khoảng 87,6 nghìn tỷ USD.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết nếu không còn kháng sinh, con người sẽ bình đẳng với vi sinh vật trong cuộc đấu tranh sinh tồn, ai yếu hơn sẽ bị tiêu diệt. Đây là viễn cảnh không mong muốn. Thực tế, nếu con người giữ cơ thể khỏe mạnh, tạo miễn dịch, không bị nhiễm trùng, kháng sinh lúc này không cần thiết phải sử dụng. Kháng sinh chỉ là một trong nhiều vũ khí để đối phó vi sinh vật.