Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ bi quan ở những quốc gia giàu có nhất

Trong khi thanh niên Trung Quốc chọn "nằm yên", giới trẻ Mỹ cũng không còn muốn cạnh tranh cho sự nghiệp. Họ không còn tin vào nền kinh tế, chỉ muốn cân bằng cuộc sống.

Lực lượng lao động trẻ kén chọn công việc, ít năng nổ hơn đang đe dọa năng suất và động lực kinh tế ở cả hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Điều này cũng gây áp lực lớn lên phúc lợi cộng đồng, theo South China Morning Post.

Li Jincheng (24 tuổi, Trung Quốc), nói rằng: "Cuộc đời hữu hạn, và tôi đang ở độ tuổi thanh niên, vì vậy tôi muốn tận hưởng khoảng thời gian tươi đẹp, tồn tại và tập trung vào những niềm vui hàng ngày của cuộc sống".

Anh dự định sống với 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.455 USD) một tháng cho đến 30 tuổi, thay vì theo đuổi một công việc trả lương cao hơn để có thể mua nhà và lập gia đình.

"Về cơ bản, tôi đang 'nằm im', nếu mọi người định nghĩa điều đó có nghĩa không phấn đấu để tiến về phía trước", Li nói.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy quan điểm của Li đang phổ biến trong giới trẻ ở những cường quốc như Trung Quốc và Mỹ. Trong khi người trẻ Trung Quốc chọn "nằm im, mặc kệ sự đời", thanh niên Mỹ cũng ưu tiên hơn trong cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Từ chối phấn đấu

Li làm công việc thu thập dữ liệu cho một công ty viễn thông nhà nước ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc. Anh thuê một căn hộ gần văn phòng và mong muốn được đi chơi với bạn bè, du lịch hoặc tự mình nghiên cứu điều gì đó với sở thích thuần túy.

Tại công ty có 3.000 nhân viên của mình, Li có thể làm thêm giờ để có cơ hội được thăng chức, tăng lương. Nhưng không có gì đảm bảo. "Tôi không có niềm tin vào nền kinh tế", anh chàng 24 tuổi nói thêm.

gioi tre bi quan anh 1

Nhiều người trẻ Trung Quốc chọn "nằm im, mặc kệ sự đời".

Tư tưởng của Li giống với nhiều người trẻ ngày nay, không chỉ riêng ở Trung Quốc, những người chống lại suy nghĩ đấu tranh để có được kinh tế tốt và phát triển sự nghiệp rực rỡ.

Thực tế tương tự đang diễn ra tại Mỹ, hàng triệu người đang nghiêng nhiều hơn về khía cạnh cân bằng giữa công việc và cuộc sống, một phần được thúc đẩy bởi những thay đổi do đại dịch gây ra cho nền kinh tế quốc gia.

Morgan Healey (22 tuổi), đến từ thành phố New York, đã lấy bằng khoa học thần kinh nhận thức từ Đại học Brown vào năm 2002. Ban đầu, cô dự định làm việc trong ngành y hoặc theo đuổi bằng cấp cao hơn.

Nhưng thay vào đó, Healey đã chuyển đến Pokhara ở miền trung Nepal, sau khi làm việc với tư cách là kỹ thuật viên y tế khẩn cấp ở Nam Phi trong khoảng 3 tháng.

Đảo Bali (Indonesia) là điểm tiếp theo trong hành trình của Healey, nhưng sau đó, cô không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Người ta gọi đó là 'gap year', nhưng gap year để làm gì? Thú thực, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", Healey nói.

Chỉ riêng trong năm 2021, hơn 47 triệu người Mỹ đã tự nguyện rời bỏ công việc của họ trong cuộc "đại từ chức lớn chưa từng có", Harvard Business Review chỉ ra trong một nghiên cứu vào năm ngoái. Một số người mất việc làm một năm trước đó, giúp họ có thời gian ở nhà để đánh giá lại tương lai của mình.

Thế hệ bi quan

Mary Gallagher, giáo sư về dân chủ, dân chủ hóa và quyền con người tại Đại học Michigan, cho biết: “Mặc dù có một số khác biệt giữa Trung Quốc và Mỹ, có một số điểm tương đồng giữa thanh niên hai quốc gia này trong xu hướng 'nằm im' và 'âm thầm bỏ việc'".

Gallagher cho rằng những xu hướng trên xuất phát từ tâm lý bi quan chung của giới trẻ ngày nay, những người cảm thấy triển vọng kinh tế của họ không mấy khả quan giữa thế giới đang đầy xung đột, biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường ngày càng gia tăng căng thẳng.

Những khó khăn kinh tế từ các biện pháp kiểm soát của Covid-19 cho đến việc đàn áp các công ty công nghệ và bất động sản cũng khiến việc kiếm công việc tốt ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Tăng trưởng kinh tế chậm lại là một yếu tố gây khó khăn hơn nữa.

gioi tre bi quan anh 2

"Nằm phẳng" hay "âm thầm nghỉ việc" là cách người trẻ ở các quốc gia giàu có dùng để tìm kiếm sự cân bằng cuộc sống.

Barclay Bram, một thành viên tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết: "Xu hướng này có trước cả Covid-19, mặc dù nó được biểu hiện rõ ràng nhất trong đại dịch".

Theo Bram, cảm giác rằng xã hội không công bằng và quá nhiều cạnh tranh khiến người ta không còn muốn phải bỏ ra nỗ lực quá lớn.

"Trung Quốc không còn sự tăng trưởng thần tốc mà các thế hệ trước đã trải qua, vì vậy những người trẻ tuổi ngày nay phải tìm cách điều chỉnh lại kỳ vọng của họ và tìm ra ý nghĩa cuộc sống giữa thực tế mới".

Trong một cuộc khảo sát vào tháng 5/2021 của nền tảng Weibo, 67.000 người được hỏi cho biết họ "mệt mỏi" và sẽ "nằm bẹp", trong khi chỉ 11.000 người nói rằng họ sẽ "tiến lên phía trước".

Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hong Kong, cho biết: "Chỉ là họ không còn hứng thú với việc nỗ lực thăng tiến hay tăng lương. Họ cảm thấy vô vọng, vì vậy nằm im là một lối thoát".

Pluto Mo, một người gốc Bắc Kinh ở độ tuổi 20, đang có thời gian sống ở nhiều thành phố khác nhau trong năm nay, với vai trò trợ lý nhiếp ảnh gia và lễ tân cho các khách sạn và công ty du lịch.

"Tôi sẽ không để ham muốn mua nhà, mua xe hay lập gia đình chiếm đoạt cuộc sống tự do của mình", Mo nói.

Tiền thuê nhà và tiền ăn của cô lên tới khoảng 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng và cô chỉ có 20.000 nhân dân tệ để dành cho những trường hợp khẩn cấp.

"Ban ngày cùng bạn bè tán gẫu, uống cà phê, đến tối thì cùng nhau ca hát, rồi nghỉ ngơi và ngủ. Tôi có thể không giàu có về mặt tài chính, nhưng tổng thể tôi có cuộc sống phong phú hơn", cô bày tỏ.

Khoảng 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học sẽ tham gia thị trường việc làm của Trung Quốc vào mùa hè này, với tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi ở mức hơn 18%.

"Sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc không còn nhiều việc làm để lựa chọn. Điều đó cũng tương tự ở Mỹ, nơi lĩnh vực công nghệ không còn là con ngỗng vàng cho sinh viên tốt nghiệp đại học", Andrew Collier, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Global Source Partners ở Hong Kong, nói.

Báo cáo của Harvard Business Review cũng cho thấy người Mỹ đang trốn tránh các công việc cổ cồn xanh (việc tay chân) vì lương thấp hoặc điều kiện làm việc. Một số người muốn tập trung nhiều hơn vào gia đình, nghỉ hưu sớm hoặc tìm kiếm sự phiêu lưu.

'Giải oan' cho Gen Z

Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.

Chính sách 'đĩa ăn sạch' ở Trung Quốc

Với nỗ lực chống lãng phí thực phẩm, chính quyền Trung Quốc muốn kiểm soát số lượng thức ăn được phục vụ trong các bữa tiệc trong nhà hàng, khách sạn.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm