![]() |
Học sinh thi vào trường Phổ thông Năng khiếu, sáng 24/5. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trưa 26/5, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố đề các môn thi vào lớp 10.
Trong đó, đề thi môn Ngữ văn chuyên gây bất ngờ khi xuất hiện câu hỏi về "thế hệ cợt nhả".
Cụ thể, ở câu 1, đề thi sử dụng ngữ liệu trong truyện ngắn Nụ cười của nhà văn Nam Cao.
Trong đó đề cập đến câu chuyện nhân vật Nam luôn bày tỏ sự nể phục nhân vật Hoạt vì khả năng đùa vui trong mọi hoàn cảnh và cho rằng "không phải chỉ nhảy xuống nước cứu một người chết đuối, hay xông vào lửa để cứu một đứa trẻ thoát nguy, mới là can đảm thôi đâu.
Lặng lẽ mà chịu những cái khó chịu hàng ngày, lặng lẽ mà đau đớn khi nỗi đau đớn không tránh được, lấy nụ cười mà che đậy cái buồn riêng của mình, để người chung quanh khỏi buồn lây... Thế cũng là can đảm, mà lại là một thứ can đảm ít người có được".
Đề bài yêu cầu thí sinh viết một bài văn nghị luận bàn về "sự chịu đựng lặng lẽ, lấy nụ cười che đậy cái buồn của riêng mình" như một sự "can đảm" được nhân vật Nam khẳng định. Từ đó, thí sinh hãy liên hệ và thể hiện suy nghĩ về hiện tượng nhìn nhận thế hệ trẻ ngày nay là "thế hệ cợt nhả".
Theo chú thích trong đề thi, thế hệ cợt nhả là khái niệm thể hiện tinh thần vui vẻ, hài hước, hay đùa nghịch, tạo ra tiếng cười của thế hệ trẻ ngày nay trong các hoàn cảnh, tình huống đời sống. Khái niệm này đang được sử dụng phổ biến nhưng cũng gây ra nhiều tranh luận với những góc độ nhìn nhận khác nhau.
![]() |
Câu 1 trong đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn chuyên, trường Phổ thông Năng khiếu. |
Theo Từ điển Tiếng Việt, NXB Từ điển Bách khoa, "cợt nhả" là bổ từ, có ý nghĩa trêu ghẹo sỗ sàng.
Tuy nhiên, gần đây, cụm từ"thế hệ cợt nhả" đang trở thành một cách gọi thú vị và đôi khi gây tranh cãi để miêu tả thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) khi họ bắt đầu gia nhập lực lượng lao động.
"Cợt nhả" ở đây không hoàn toàn mang nghĩa tiêu cực theo kiểu chế giễu, trêu ghẹo hay thiếu nghiêm túc, mà phản ánh một phong cách làm việc đặc trưng của nhóm người trẻ này.
Phong cách "cợt nhả" biểu hiện ở việc một bộ phận người trẻ có xu hướng đơn giản hóa vấn đề, sử dụng sự hài hước để đối phó với áp lực và thể hiện cá tính một cách thẳng thắn, công khai. Điều này đôi khi khiến họ bị dán nhãn là "thiếu nghiêm túc" trong mắt thế hệ đi trước hoặc những người có quan điểm truyền thống hơn về công việc.
Tuy nhiên, đối với Gen Z, đây có thể là cách họ duy trì sự cân bằng, giảm bớt căng thẳng và khẳng định bản thân trong môi trường làm việc.
Trường Phổ thông Năng khiếu đưa cụm từ "thế hệ cợt nhả" vào đề thi đã thu hút sự chú ý, được nhận xét là hay, sáng tạo, gần gũi với thế hệ trẻ, song yêu cầu thí sinh phải có góc nhìn đa chiều và tư duy phản biện.
Kỳ thi vào lớp 10 của trường Phổ thông Năng khiếu diễn ra hai ngày 24-25/5, với hơn 3.500 thí sinh tham dự. Số thí sinh đăng ký dự thi giảm khoảng 300 em so với năm 2024. Kéo theo đó, tỷ lệ chọi trung bình cũng giảm từ 1/6,5 xuống còn 1/6.
Thí sinh làm bốn bài thi, gồm 3 bài thi môn không chuyên Toán, Văn, Anh và một bài thi môn chuyên tự chọn. Thí sinh được phép đăng ký tối đa 2 môn chuyên và cần đảm bảo chọn một môn trong mỗi nhóm tổ hợp Toán - Ngữ văn hoặc Tiếng Anh - Vật lý - Hóa học - Sinh học - Tin học.
Đề thi chính thức các môn cụ thể như sau:
- Đề thi môn Toán (không chuyên)
- Đề thi môn Ngữ văn (không chuyên)
- Đề thi môn Tiếng Anh (không chuyên)
- Đề thi môn Toán (chuyên)
- Đề thi môn Ngữ văn (chuyên)
- Đề thi môn Tiếng Anh (chuyên)
- Đề thi môn Tin học (chuyên)
- Đề thi môn Vật lý (chuyên)
- Đề thi môn Hóa học (chuyên)
- Đề thi môn Sinh học (chuyên)
Điểm xét tuyển là tổng điểm bốn bài thi, trong đó môn chuyên nhân hệ số hai, không có bài thi nào dưới 2 điểm. Với các lớp chuyên tuyển bằng hai tổ hợp, dựa vào kết quả thi và số lượng nguyện vọng, trường sẽ quyết định điểm xét tuyển với từng nhóm.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.