Tầng lớp trung lưu ở Anh đang khá chật vật khi cuộc sống trở nên đắt đỏ. Ảnh: iStock. |
Kết hôn, sinh con, gửi chúng đến trường tư thục, sống trong một ngôi nhà đẹp, nghỉ mát ở nước ngoài 2 lần/năm, mua sắm tại siêu thị Waitrose. Những điều đó chỉ khả thi khi cả hai vợ chồng đều kiếm được hơn 200.000 bảng Anh (khoảng 252.780 USD) mỗi năm.
Phần lớn người dân trong độ tuổi 30 thuộc tầng lớp trung lưu tại xứ sở sương mù tin rằng cuộc sống ngày càng đắt đỏ hơn so với thời cha mẹ của họ.
Lối sống xa hoa biến mất
Các cố vấn tài chính tại Chancery Lane (London) đã tính toán thu nhập cần thiết để một gia đình có thể tận hưởng một lối sống thoải mái, The Times đưa tin.
Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng mỗi người cần kiếm được 102.850 bảng Anh (129.992 USD)/năm để tận hưởng những nhu cầu tương đương với một cặp vợ chồng chỉ kiếm được hơn 16.000 bảng Anh (20.222 USD)/mỗi người vào năm 1985.
Khác với giới siêu giàu - những người bay vé hạng thương gia, sở hữu nhiều bất động sản, lấp đầy ngôi nhà của mình bằng tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, có quản gia, thợ làm vườn - mức lương đó chỉ giúp họ sống tạm.
Nhưng không đồng nghĩa với việc có tên trong danh sách người giàu hoặc đủ khả năng tiêu xài xa hoa như nhân vật Kendall Roy trong bộ phim Succession.
“Trong suốt 40 năm làm cố vấn và lập kế hoạch tài chính của tôi, có vẻ nhu cầu đối với ngân sách của tầng lớp trung lưu đã tăng lên, trong khi thu nhập thực tế sau thuế dường như không theo kịp, đặc biệt là gần đây”, Mike Francis, làm việc tại công ty quản lý tài sản Evelyn Partners, nói.
Nhóm độc thân hoặc gia đình chỉ có một người kiếm tiền giờ đây sẽ cần mức lương 239.000 bảng Anh (302.072 USD) để duy trì lối sống thoải mái giống như lúc trước.
Tốc độ lạm phát chóng mặt khiến người Anh phải từ bỏ một số sở thích, nhu cầu để trang trải chi phí sinh hoạt. Ảnh: NBC News. |
Nhiều người cho rằng những cá nhân tương đối giàu có, có nhà và ít phải lo lắng về hóa đơn điện nước, thực phẩm không thực sự đáng được thông cảm.
Trong khi đó, không ít hộ dân đang vật lộn với tiền sinh hoạt phí tăng gần 20% trong một năm và cảm thấy may mắn nếu có được một kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, một số người có lương thưởng cao cho biết họ cũng đang cảm thấy khó khăn với việc nộp thuế theo tỷ lệ bổ sung. Theo đó, những ai có thu nhập trên 125.140 bảng Anh (158.164 USD) sẽ áp dụng mức 45%, con số đã giảm từ 150.000 bảng Anh (189.585 USD) vào tháng 4/2023.
“Thêm vào tình trạng lạm phát tăng vọt trong 18 tháng qua, không có gì ngạc nhiên khi họ phải cắt giảm một số lựa chọn trong cuộc sống. Điều này có thể tạo ra cản trở nghiêm trọng đối với sự thăng tiến trong sự nghiệp và tiền lương. Tại sao phải làm việc chăm chỉ hơn khi gánh nặng thuế quá lớn và thứ họ khao khát trở nên xa vời?”, Francis nhận định.
Đối với nhiều người, lối sống mà các thế hệ cũ yêu thích giờ đây khó có thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ hoặc tài sản thừa kế của ông bà.
“Sự khác biệt giữa những năm 1980, 1990 và ngày nay là các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi đi học phải đối phó với chi phí tài sản và học phí cao hơn đáng kể. Đồng thời, họ cũng trả nhiều tiền hơn vào lương hưu để có được một khoản hưu trí xứng đáng”, Doug Brodie, Giám đốc điều hành của Chancery Lane, chia sẻ.
Cắt giảm để tồn tại
Một cặp vợ chồng làm nha sĩ và bác sĩ nhãn khoa tại NHS cho biết họ đã phải cắt giảm mặc dù có tổng thu nhập là 205.000 bảng Anh. Học phí mỗi tháng cho 2 đứa con 14 và 16 tuổi là 3.100 bảng Anh, sẽ tăng lên 3.400 bảng Anh vào tháng 9/2023. Năm ngoái, con số này chỉ nằm ở mức 3.000 bảng Anh/tháng.
“Không còn chỗ nào để luồn lách nữa. Chúng tôi quen với một lối sống dư dả và giờ buộc phải thay đổi”, bác sĩ nhãn khoa bày tỏ.
Họ đã loại bỏ các ngày nghỉ, chỉ chừa khoảng 7.000 bảng Anh/năm để đi du lịch. Dù rất muốn đổi chiếc ôtô đã sử dụng gần 10 năm, cả hai vẫn không thể mua mới. Thậm chí, bọn trẻ cũng phải mang cơm hộp đến trường.
Các nhà nghiên cứu cho hay lối sống mơ ước của tầng lớp trung lưu đang trở nên xa vời với tất cả, trừ giới thượng lưu, vì hóa đơn và gánh nặng thuế ngày càng tăng.
Lãi suất có thể đã đạt đến hai con số vào những năm 1980, nhưng giá trung bình của một bất động sản đã tăng gần gấp 10 lần kể từ đó.
Phần lớn người dân hiện tại không thể sống với mức chi tiêu như thời của bố mẹ, ông bà. Ảnh: Yorkshire Live. |
Ngôi nhà điển hình ở phía đông nam nước Anh có giá 33.898 bảng Anh vào năm 1983 nhưng hiện tại là 395.103 bảng Anh - tăng 1,165%. Lạm phát kể từ thời điểm đó là 225%.
Để sở hữu một ngôi nhà trị giá 100.000 bảng vào năm 1990, người mua chịu lệ phí trước bạ là 700 bảng - 0,7%. Nhưng hiện tại, họ sẽ phải trả thuế 25.000 bảng để mua căn nhà tương đương với giá 750.000 bảng - 3,3%.
Học phí ngày nay dao động 3.000-5.500 bảng Anh/kỳ nhưng vào năm 1985 chỉ từ 325 đến 1.400 bảng Anh cho trường nam sinh và 490-1.120 bảng Anh với cơ sở giáo dục nữ sinh. Thật khó để so sánh trực tiếp nhưng đó là mức tăng ít nhất 300%.
“Các thế hệ trước cũng được hưởng giảm lãi suất thế chấp, cho phép yêu cầu giảm thuế đối với các khoản thanh toán có lãi. Tuy nhiên, nó đã bị dừng lại vào năm 2000. Ngoài ra, sinh viên thời đó được trả tiền để đi học đại học thông qua chương trình trợ cấp, trong khi thanh niên ngày nay phải gánh một khoản nợ khổng lồ”, Brodie nói thêm.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.