Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ ngại làm, thích việc lương cao ở Trung Quốc

Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người thuộc thế hệ Z của Trung Quốc chọn thất nghiệp để chờ đợi công việc với mức lương mong muốn. Họ không nghĩ tới chuyện kết hôn, sinh con.

Sophia Xie (22 tuổi) sắp tốt nghiệp trường đại học hàng đầu ở thành phố Thâm Quyến. Cô cho biết khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp trong năm nay nhưng chỉ 10 người có kế hoạch kiếm việc làm ngay sau khi ra trường.

Số còn lại dự định ra nước ngoài học thạc sĩ, ở nhà chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức hoặc chờ đến khi tìm được công việc ưng ý.

“Nhiều bạn bè đồng trang lứa của tôi lựa chọn thất nghiệp, đặc biệt là ở các thành phố hạng nhất và hạng hai”, cô nói.

Xie thuộc thế hệ Z (những người sinh từ năm 1995 đến 2009) và nằm trong số khoảng 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp sẽ gia nhập thị trường việc làm ở Trung Quốc trong năm nay, theo SCMP.

Tuy nhiên, theo nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, số lượng doanh nghiệp nhắm mục tiêu đến sinh viên mới ra trường giảm 4,5% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.

Gioi tre Trung Quoc ngai ket hon anh 1

Khoảng 10,76 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp và sẵn sàng gia nhập thị trường việc làm ở Trung Quốc trong năm nay. Đây là con số cao kỷ lục. Ảnh: Yiu Yu Hoi/d3sign.

“Mọi người nói đây sẽ là năm khó tìm việc nhất. Thế nhưng, nếu cố gắng, các bạn cùng trường của tôi vẫn có thể nhận được lời mời làm việc với mức lương khởi điểm 6.000-10.000 nhân dân tệ/tháng (1.500 USD)”, Xie nói.

Cô chia sẻ thêm: “Chúng tôi tự gọi mình là thế hệ ngại cưới, sợ đẻ và chỉ thích công việc có thu nhập cao. Đây có thể là cách để chúng tôi góp phần giúp nền kinh tế đất nước tăng trưởng”.

Ngại yêu đương, kết hôn

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong 36 năm là 7,63 triệu người vào năm ngoái, từ mức đỉnh 13,47 triệu người năm 2013. Trong khi đó, tỷ lệ sinh năm 2021 giảm 11,6% xuống 10,62 triệu người, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng dân số từ trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 cũng đạt mức kỷ lục 18,2% vào tháng 4 - cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Em gái sinh đôi của Sophia Xie, Susie, cũng tốt nghiệp trường đại học ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông trong năm nay. Cô sẽ lập tức tới Vương quốc Anh để học chuyên ngành Tâm lý học và Nhân sự.

“Ngày nay, cuộc sống ở Trung Quốc về cơ bản đáp ứng nhu cầu của chúng tôi. Có rất nhiều lựa chọn đa dạng về nghề nghiệp, tiêu dùng và giải trí”, Susie nói.

Đối với Sophia và bạn bè, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu.

“Chúng tôi không phải làm thêm giờ vào cuối tuần, có cuộc sống tự do, nuôi thú cưng và không hề nghĩ tình yêu hay hôn nhân là điều bắt buộc, chứ đừng nói đến con cái”, cô nói.

Gioi tre Trung Quoc ngai ket hon anh 2

Ngày càng nhiều người trẻ xứ tỷ dân không quan tâm đến chuyện kết hôn và sinh con. Ảnh: AFP.

Sophia, giống như hầu hết người trẻ thuộc thế hệ Z, ít phải đối mặt với áp lực làm việc để kết hôn và kiếm đủ tiền mua nhà. Lý do là hầu hết cha mẹ của họ đều sở hữu ít nhất một bất động sản.

Theo báo cáo được Citic Securities công bố vào tháng 5 năm ngoái, số trẻ em trung bình trong mỗi hộ gia đình có độ tuổi thuộc thế hệ Z là 0,94, giảm so với 2,88 vào năm 1971. Điều đó có nghĩa là họ có khả năng nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ cha mẹ vì không phải cạnh tranh với anh chị em ruột.

Mức lương trung bình hàng tháng của Trung Quốc tại 38 thành phố lớn là 10.014 nhân dân tệ (1.502 USD) trong quý đầu tiên của năm 2022. Con số này giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Zhaopin, lương tháng dự kiến ​​của người có bằng cử nhân tăng 1,8% so với năm trước lên 12.033 nhân dân tệ.

“Cuộc sống sẽ khó khăn khi phải trả món nợ mua nhà, kết hôn và có kế hoạch sinh con”, Sophia Xie nói.

Không sống theo kỳ vọng của gia đình

Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới ở đô thị trong năm nay.

Năm 2020, Yu Qian (24 tuổi) vay 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD) từ gia đình để mở trung tâm dạy vẽ cho trẻ em ở quê hương Trú Mã Điếm - thành phố cỡ trung thuộc tỉnh Hà Nam.

Các chú của Yu rời quê nhà vào đầu những năm 2000 để làm việc tại các thành phố ven biển. Mục tiêu của họ là kiếm đủ tiền nuôi cha mẹ, mua tài sản, kết hôn và nuôi con ở thành phố.

“Tôi không có kế hoạch sống ở thành phố hạng nhất. Quê tôi bây giờ đô thị hóa khá nhiều. Tiện nghi tôi sử dụng cũng giống như các bạn đồng trang lứa ở thành phố lớn. Tàu cao tốc cũng rất thuận tiện để đi bất cứ đâu”, Yu nói.

Đại dịch khiến xưởng vẽ của Yu phải đóng cửa gần một tháng. Tuy nhiên, anh cảm thấy ổn và không bị căng thẳng khi duy trì kế hoạch chỉ có một con trong tương lai.

“Nếu kết hôn, hầu hết thanh niên ở các thành phố nhỏ sẽ có ít nhất một tài sản, ôtô, tiền mặt khoảng 200.000 nhân dân tệ. Thường thì cha mẹ sẽ trang trải phần lớn chi phí này”, chàng trai nói thêm.

Gioi tre Trung Quoc ngai ket hon anh 3

Thế hệ Z Trung Quốc mong muốn làm công việc với mức lương ưng ý. Ảnh: Bloomberg.

So với thế hệ Y, Gen Z Trung Quốc ít gặp áp lực hơn và có thể theo đuổi công việc phi truyền thống.

“Tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 có thể sẽ đến với chúng tôi sớm. Nhưng tôi thích sống với bố mẹ và mèo cưng. Gia đình hoàn toàn đồng ý với ước mơ trở thành người có ảnh hưởng trên mạng của tôi”, Wang Ang (19 tuổi), hiện làm việc bán thời gian, cho biết.

Năm 2020, Trung Quốc mở rộng định nghĩa “có việc làm” để bao gồm sinh viên mới tốt nghiệp mở cửa hàng online, chơi game hoặc lập blog. Đây là một phần của nỗ lực tăng tỷ lệ việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, sinh viên mới ra trường mở các trang web thương mại điện tử sẽ được xếp vào nhóm “đã làm việc”, miễn là họ có thể cung cấp liên kết đến cửa hàng online và thông tin đăng ký của nó.

Những người làm công việc tự do, bao gồm tiếp thị trực tuyến hay chơi thể thao điện tử, sẽ được phân loại theo “việc làm linh hoạt”.

Annie Wang, điều hành công ty quản lý người có ảnh hưởng trên mạng, cho biết: “Giới trẻ cảm thấy an toàn và tự tin hơn vào công việc cũng như thu nhập của mình. Họ không còn chịu áp lực sinh kế của cả gia đình và có thể tập trung vào lợi ích cá nhân”.

“Thế hệ Z của Trung Quốc đang tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một số trở thành người có ảnh hưởng bằng cách ghi lại cuộc sống tốt đẹp của chính mình và chia sẻ với mọi người”, cô nói thêm.

Người trẻ Trung Quốc tự nhận mình là 'thế hệ cuối cùng'

Dylann Wang sống độc thân, không con cái, chỉ còn bố là người thân duy nhất. Bạn bè xung quanh anh cũng không ai định sinh con.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm